Ðóng góp quan trọng và tích cực cho môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực
Hợp tác chính trị-an ninh là một trong ba trụ cột trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nhìn lại Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010, có thể thấy hợp tác về chính trị - an ninh của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đã được đẩy mạnh về mọi mặt và đã đạt được nhiều kết quả rất có ý nghĩa và nổi bật, thúc đẩy mạnh mẽ đối thoại xây dựng lòng tin, đóng góp thiết thực cho việc củng cố và tăng cường môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực, cũng như ứng phó hiệu quả các thách thức đang đặt ra, cả về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Trong năm, ASEAN đã tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) trên tất cả các mặt, nhất là trên 14 lĩnh vực ưu tiên đã đề ra, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và nhằm 'đưa hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN lên một tầm cao mới và bảo đảm các nước trong...
Trong năm, ASEAN đã tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC) trên tất cả các mặt, nhất là trên 14 lĩnh vực ưu tiên đã đề ra, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và nhằm 'đưa hợp tác chính trị – an ninh của ASEAN lên một tầm cao mới và bảo đảm các nước trong khu vực chung sống hòa bình với nhau và với bên ngoài trong một môi trường công bằng, dân chủ và hòa hợp' (trích APSC).
Để thực hiện mục tiêu APSC, ASEAN đã xây dựng và đưa vào thực hiện các kế hoạch hành động và chương trình hợp tác, trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các bên đối tác, thông qua nhiều biện pháp và hoạt động cụ thể, thiết thực trong lĩnh vực này như: tăng cường đối thoại, phát huy vai trò của các diễn đàn, công cụ về hợp tác chính trị – an ninh, giải quyết hòa bình các tranh chấp, ứng phó hiệu quả các thách thức, cũng như tích cực xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực, cách ứng xử chung ở khu vực.
Tích cực đóng góp cho hòa bình, an ninh và hợp tác khu vực
Góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực là mục tiêu bao trùm trong hợp tác về chính trị – an ninh của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Kết quả nổi bật trong năm qua thể hiện rõ ở các điểm sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác và đối thoại xây dựng lòng tin, vì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, thông qua nhiều khuôn khổ, cấp độ và diễn đàn hợp tác khác nhau, trong ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác. Trong năm, ASEAN đã tích cực triển khai các chương trình hành động và kế hoạch hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị – an ninh, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, thúc đẩy các quan hệ hợp tác tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực, các quy tắc ứng xử chung, trên cơ sở các nguyên tắc chung là tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực. Đây cũng chính là cơ sở của vai trò và giá trị của 'phương cách ASEAN' nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh ở khu vực thông qua đối thoại, tham vấn và hợp tác. Có thể nói, trong bối cảnh khu vực còn có những diễn biến phức tạp, việc gia tăng các đối thoại xây dựng lòng tin đã đóng góp có ý nghĩa cho thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như giải quyết các phức tạp nảy sinh.
Thứ hai, củng cố, tăng cường và phát huy mạnh mẽ giá trị các thỏa thuận, cơ chế và công cụ hợp tác khu vực hiện có về bảo đảm hòa bình, an ninh, giải quyết hòa bình các tranh chấp, nhất là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông – Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông – Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Hiệp ước TAC được các nước coi trọng và công nhận là bộ quy tắc ứng xử chung trong các quan hệ hợp tác ở khu vực. Năm qua, đã có thêm Ca-na-đa và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Hiệp ước TAC, nâng số nước tham gia lên 28, trong đó có tất cả các nước lớn, các đối tác quan trọng trong và ngoài khu vực; các nước tham gia Hiệp ước cũng đã ký Nghị định thư thứ ba sửa đổi TAC để tạo điều kiện cho Liên hiệp châu Âu (EU) tham gia TAC trong một tương lai gần. Về Hiệp ước SEANWFZ, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực thực hiện Chương trình hành động về tăng cường hiệu lực của Hiệp ước SEANWFZ, đồng thời xúc tiến trao đổi với năm nước có vũ khí hạt nhân về khả năng các nước này sớm tham gia Nghị định thư của Hiệp ước, cam kết ủng hộ và tôn trọng quy chế khu vực Đông – Nam Á không có vũ khí hạt nhân.
Năm qua, ASEAN đã cùng các nước tích cực trao đổi tại các diễn đàn khu vực khác nhau, nhằm thúc đẩy nhận thức chung và tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng và lợi ích chung của các nước trong khu vực và các nước liên quan. Để đạt mục tiêu chung này, có nhiều phương tiện và biện pháp, nhưng quan trọng nhất là Tuyên bố DOC được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung về đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Các bên cần tôn trọng và nỗ lực triển khai đầy đủ các cam kết và quy định đề ra trong DOC. Trên cơ sở đó, trong năm, ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức được hai cuộc họp của Nhóm làm việc chung để bàn việc thúc đẩy triển khai DOC. ASEAN đang tích cực tham vấn với Trung Quốc để có thể sớm triệu tập vào năm tới Cuộc họp các Quan chức cao cấp (SOM) hai bên về triển khai DOC.
Hợp tác tại ARF, được coi là Diễn đàn đối thoại chủ yếu giữa ASEAN và các nước đối tác về các vấn đề chính trị – an ninh của khu vực, đã có những bước tiến triển rất có ý nghĩa và thực chất hơn. Trong năm, Diễn đàn đã đẩy mạnh đối thoại và hợp tác về nhiều vấn đề chính trị – an ninh thiết thân của khu vực, trên tinh thần hợp tác, tin cậy và xây dựng, đồng thời đã thông qua Chương trình hành động thực hiện Tuyên bố tầm nhìn ARF đến 2020, trong đó đề ra nhiều định hướng và biện pháp hợp tác quan trọng trong lĩnh vực chính trị – an ninh trong thập kỷ tới.
Thứ ba, xây dựng và bổ sung các cơ chế hợp tác mới hỗ trợ cho các khuôn khổ hợp tác và đối thoại hiện có vì hòa bình và an ninh ở khu vực. Đặc biệt quan trọng là việc khởi động và triệu tập, trong năm 2010, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các nước Đối tác (ADMM ) lần đầu tiên, trở thành cơ chế đối thoại chiến lược hàng đầu và thường xuyên của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác chủ chốt về các vấn đề quốc phòng – an ninh. Hội nghị đã thành lập năm Nhóm công tác về các lĩnh vực: ứng phó với thảm họa – thiên tai, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và hoạt động gìn giữ hòa bình, đồng thời nhất trí họp ADMM lần thứ hai vào năm 2013 tại Bru-nây. Cũng trong năm 2010, ASEAN lần đầu đã triệu tập Hội nghị những người đứng đầu cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA), tạo ra kênh hợp tác mới trong ASEAN về hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin về các vấn đề an ninh liên quan, vì hòa bình, ổn định, và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, tốt đẹp giữa các quốc gia trong khu vực.
Thứ tư, tiếp tục được đẩy mạnh hợp tác nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh – an toàn hàng hải, chống khủng bố – tội phạm… Năm qua, các hoạt động hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong lĩnh vực này đã được dành ưu tiên cao và đạt được nhiều kết quả thực chất hơn; đồng thời, đã được triển khai rộng rãi ở nhiều cấp độ và các khuôn khổ hợp tác khác nhau, kể cả ở cấp khu vực, nhiều bên và song phương, trong đó có các khuôn khổ ASEAN 1, ASEAN 3, Cấp cao Đông Á và ARF, ADMM và ADMM , cũng như thông qua các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, nhất là ở Tiểu vùng Mê Công, và giữa ASEAN với LHQ.
Diễn đàn ARF lần thứ 17 đã thông qua nhiều biện pháp tăng cường hợp tác về cứu trợ thiên tai, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, gìn giữ hòa bình… Các nhóm công tác của ARF về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai, an ninh biển và không phổ biến và giải trừ vũ khí hủy diệt tiếp tục tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và bàn biện pháp hợp tác trong những lĩnh vực chuyên môn của mình. Khuôn khổ ADMM cũng đã khởi động bàn về năm lĩnh vực ưu tiên: ứng phó thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và hoạt động gìn giữ hòa bình.
Một lĩnh vực hợp tác được ASEAN và các đối tác ưu tiên quan tâm và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong năm là về an ninh biển, an ninh và an toàn hàng hải, chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo và phòng, chống các thảm họa – thiên tai trên biển, trong ASEAN, cũng như tại nhiều khuôn khổ hợp tác khác như ASEAN 1, ARF, ADMM … Đáng chú ý là Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) đã được khởi động và đi vào hoạt động, tạo ra khuôn khổ hợp tác ASEAN mới về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến biển, với cuộc họp đầu tiên được tổ chức vào tháng 7-2010 tại Su-ra-bay-a, In-đô-nê-xi-a. ASEAN cũng đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng về Hợp tác tìm kiếm và cứu hộ người và tàu, thuyền đi biển gặp nạn, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin và hỗ trợ giúp đỡ nhau trong những trường hợp khẩn cấp, trên tinh thần đoàn kết, hợp tác tin cậy và vì lý do nhân đạo.
Thứ năm, xử lý phù hợp các vấn đề phức tạp nảy sinh, trên cơ sở đối thoại xây dựng, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương ASEAN. Trong năm 2010, tại khu vực, cũng nảy sinh không ít các diễn biến phức tạp, như trong quan hệ giữa một số nước trong khu vực, vấn đề Mi-an-ma, tình hình bất ổn ở Thái-lan, căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên… ASEAN chủ trương kiên trì đối thoại, xây dựng lòng tin và giải quyết hòa bình các tranh chấp, trước hết là giữa các nước liên quan, duy trì bầu không khí thuận lợi cho hợp tác, đối thoại tin cậy và xây dựng về những vấn đề cùng quan tâm, vì lợi ích chung của hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Theo đó, các văn kiện và các tuyên bố cuối cùng về các vấn đề liên quan của các hội nghị trong năm đều đã đạt được trên cơ sở đồng thuận chung, nhất là của các bên trực tiếp liên quan, vai trò chủ động, tích cực, trách nhiệm và tiếng nói chung của ASEAN được đề cao.
Phát huy vai trò trung tâm, chủ động định hướng cấu trúc hợp tác khu vực
Vấn đề định hình cấu trúc hợp tác khu vực có ý nghĩa quan trọng và lâu dài đối với Đông Á và là vấn đề trong nhiều năm qua khu vực đang tìm tòi, xây dựng, với không ít những đề xuất và ý kiến khác nhau.
Bước phát triển quan trọng trong năm 2010 là, cùng với việc vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực được củng cố và tăng cường, ASEAN đã thể hiện rất rõ nét vai trò chủ động dẫn dắt và định hướng cấu trúc hợp tác ở khu vực, phù hợp với đặc thù của Đông Á và lợi ích của ASEAN. Đó là một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, dựa trên các tiến trình hợp tác khu vực hiện có, đan xen, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo, cùng phấn đấu vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực; không ủng hộ một cấu trúc khu vực duy nhất bao trùm lên cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. ASEAN khuyến khích sự tham gia sâu rộng và đóng góp xây dựng, tích cực của các đối tác hợp tác khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, cũng như xử lý các vấn đề cùng quan tâm ở khu vực. Vai trò trung tâm và cách tiếp cận của ASEAN được các nước đối tác trong và ngoài khu vực ủng hộ và đánh giá cao.
Trên tinh thần đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và Cấp cao Đông Á 5 (10-2010) đã quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) và chính thức mời Nga và Hoa Kỳ tham gia làm thành viên cơ chế này bắt đầu từ năm 2011, trên cơ sở ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tôn trọng các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức và ưu tiên đã được thống nhất của EAS. Đây là quyết sách có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với hợp tác khu vực. EAS sẽ là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc khu vực đang định hình, là diễn đàn của Lãnh đạo cấp cao đối thoại và hợp tác về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược ở khu vực, trên cả ba trụ cột là chính trị, an ninh và kinh tế. Cùng với việc khởi động khuôn khổ ADMM , quyết định mở rộng EAS với sự tham gia của Nga và Mỹ, sẽ tạo điều kiện tăng cường hơn nữa hợp tác giữa ASEAN với các đối tác chủ chốt về những vấn đề thiết thân và quan tâm chung của khu vực, trong các khuôn khổ do ASEAN giữ vai trò chủ đạo và hoạt động theo phương cách ASEAN.
Đậm nét dấu ấn và đóng góp của nước Chủ tịch
Nhìn vào những kết quả nêu trên, có thể thấy rõ những đóng góp quan trọng và dấu ấn đậm nét của Việt Nam, một Chủ tịch năng động, tích cực, trách nhiệm, công tâm, được bạn bè tin cậy và đánh giá cao. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề ra được những ưu tiên chung phù hợp cho năm 2010 và đã điều phối chủ động và hiệu quả các hoạt động trong năm, trên tất cả các khuôn khổ và các kênh, theo định hướng ưu tiên chung đó.
Kết quả có ý nghĩa trong việc triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trong lĩnh vực chính trị – an ninh (APSC), cũng như việc mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ của ASEAN với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực đã tạo nên sự kết quả và hiệu quả cộng hưởng về tăng cường hợp tác vì hòa bình, an ninh và ứng phó với các thách thức đặt ra, cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như về nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Việt Nam đã thật sự chủ động, trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến, biện pháp hợp tác, nỗ lực tham vấn sâu rộng trong ASEAN và với các đối tác, nhằm đẩy mạnh đối thoại tin cậy và xây dựng lòng tin; tranh thủ được sự đồng tình cao về các vấn đề thuộc quan tâm chung và để có thể đi đến được những quyết sách quan trọng của khu vực, cũng như trong việc xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh. Trong đó, các nước cũng đánh giá rất cao việc Việt Nam đã điều phối để đi đến đồng thuận cao về quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) và mời Nga và Mỹ tham gia làm thành viên, về việc khởi động và triệu tập Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM ), cũng như về việc tổ chức Cuộc họp đầu tiên những người đứng đầu các cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA), việc thông qua Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu hộ người và tàu, thuyền đi biển gặp nạn, Chương trình hành động thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF đến 2020, cùng nhiều văn kiện khác, coi đây là những đóng góp quan trọng và có ý nghĩa lâu dài đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
Khép lại năm 2010, ASEAN và các nước, bạn bè đều đánh giá chung là một năm ASEAN rất thành công, với đậm dấu ấn nước Chủ tịch Việt Nam và vai trò chủ động, tích cực và nổi bật của ASEAN, thông qua các hoạt động dồn dập, hiệu quả và với nhiều kết quả và quyết sách quan trọng trên nhiều mặt hợp tác, trong đó có lĩnh vực hợp tác chính trị – an ninh. ASEAN đã thật sự phát huy vai trò quan trọng và không thể thiếu trong nỗ lực chung nhằm củng cố và tăng cường môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()