Đóng góp quan trọng của người di cư cho sự phát triển của nước xuất xứ và đích đến
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về di cư quốc tế Louise Arbour ngày 24/7 tuyên bố nhấn mạnh đóng góp quan trọng của những người di cư đối với quá trình phát triển bền vững của quê hương họ cũng như của quốc gia là điểm đến.
Trong cuộc họp chuyên đề về người di cư tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, bà Arbour tuyên bố nêu rõ: “429 tỷ USD kiều hối được gửi về tại các quốc gia đang phát triển trong năm 2016 là một trong những đóng góp hữu hình nhất của những người di cư cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại quốc gia xuất xứ”. Nguồn kiều hối được chuyển về cao gấp 3 lần nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức, và ổn định hơn các dòng vốn tư nhân khác. Theo bà Arbour, khoản tiền này đã giúp cho hàng triệu gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Tuy nhiên, chuyên gia của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh thực tế rằng chi phí giao dịch cao cùng với mức tài chính thấp đã ngăn chặn việc khai thác sử dụng những nguồn kiều hối phục vụ phát triển. Trong quý đầu năm 2017, chi phí trung bình toàn cầu để gửi những nguồn kiều hối này vẫn trên 7%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 3% của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Theo bà, sự đóng góp của người di cư vào quá trình phát triển nước xuất xứ không chỉ là nguồn tài chính chuyển về mà còn gồm việc phổ biến các ý tưởng, kỹ năng và kiến thức.
Về nhận thức tiêu cực đối với việc người có trình độ cao di cư, hay còn gọi là “chảy máu chất xám”, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về di cư quốc tế nói rằng tác động tiêu cực này nói chung là thấp và những người di cư có tay nghề cao sẽ phải đối mặt tình trạng thất nghiệp nếu họ vẫn ở lại quê hương mình.
Bên cạnh đó, về đóng góp của người di cư đối với sự phát triển của quốc gia là điểm đến, bà Arbor nêu bật những lợi ích đáng kể mà các nước này có thể thu nhận được từ những người di cư như các kỹ năng, cả ở các nước phát triển và đang phát triển. “Người di cư có xu hướng để lấp đầy những khoảng trống của thị trường lao động mà vốn không được đáp ứng bởi các lực lượng lao động địa phương, cho phép nền kinh tế phát triển nhanh hơn” – bà nhấn mạnh.
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh 3 trở ngại để phát huy tối đa tác động tích cực của làn sóng người di cư. Trong đó, thứ nhất, chính sách không phù hợp có thể ngăn chặn các kết quả tích cực về phát triển. “Việc đưa người di cư vào các xã hội mới về lâu dài thường bị bỏ qua trong khi đây là điều cần thiết trong chính sách nhập cảnh” – bà nói. Thứ hai, lao động nhập cư, đặc biệt là những người lao động không có giấy tờ, thường bị loại trừ khỏi hệ thống bảo trợ xã hội. “Ngay cả những người được hưởng bảo trợ xã hội vẫn có nguy cơ bị mất quyền lợi của mình khi trở về hoặc tiếp tục di chuyển, bởi vì các chương trình thường có điều kiện cư trú trong thời gian dài, gây khó khăn cho người di cư tạm thời” – bà Arbor cho biết. Và thứ ba, trong khi lợi ích ròng của di cư đem lại lớn hơn tổn thất thì nhận thức của cộng đồng lại thường ngược lại./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()