Đóng góp đậm dấu ấn Việt Nam
Chủ đề “Việt Nam: Ðối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” phản ánh rõ mục tiêu và cam kết của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 về thúc đẩy hợp tác đa phương, tăng cường hiệu quả phương thức giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tiếp theo thành công của nhiệm kỳ 2008-2009, lần thứ hai thực hiện trọng trách quốc tế ghi đậm dấu ấn đóng góp nổi bật của Việt Nam.
Thuận lợi và khó khăn
Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội thế giới và quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược, xung đột và bất ổn leo thang ở nhiều nơi, nhiều điểm nóng mới xuất hiện, bất ổn cũ phức tạp hơn. Thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát. Nhất là khi thế giới đương đầu đại dịch Covid-19, với những tác động khó lường.
Tiếp tục đảm trách khối lượng công việc lớn, bao quát tình hình khắp thế giới, Hội đồng Bảo an phải điều chỉnh phương thức hoạt động để thích ứng bối cảnh phức tạp mới. Theo Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tại Hội đồng Bảo an, căng thẳng giữa các nước lớn có chiều hướng tăng, tỷ lệ nghị quyết được toàn bộ 15 thành viên thông qua ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Tình hình quốc tế phức tạp làm nảy sinh những tình huống họp khẩn, bỏ phiếu nhiều lần về một vấn đề, một số dự thảo không được thông qua.
Lần thứ hai tham gia cơ quan quyền lực cao nhất Liên hợp quốc, Việt Nam có thuận lợi, khi vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao, với các mối quan hệ ngoại giao với 189 trong số 193 nước ở khắp các châu lục, trong đó có quan hệ đối tác với các nước lớn và tất cả 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Tình hình quốc tế phức tạp, song các nước đề cao vai trò của Liên hợp quốc và thừa nhận cần thiết tăng cường hợp tác đa phương, phối hợp hành động để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, khó khăn là bối cảnh quốc tế và khu vực phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên, bảo đảm lập trường nguyên tắc và lợi ích của đất nước. Cũng như các nước thành viên, Việt Nam vừa phải đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu, vừa phải nỗ lực vượt qua thách thức nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế
Việt Nam xác định tham gia Hội đồng Bảo an nhằm góp phần vào công việc chung của thế giới, nhất là các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế; mong muốn thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, hành động tập thể, đồng thuận, đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đồng thời chia sẻ quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về nhiều vấn đề. Những mục tiêu ưu tiên Việt Nam theo đuổi trong nhiệm kỳ gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình; tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực; bảo vệ dân thường, các cơ sở dân sự trong xung đột vũ trang; bảo vệ và nâng cao vai trò của phụ nữ, bảo vệ trẻ em; giải quyết hậu quả xung đột, tái thiết và phát triển; nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; xử lý tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Theo Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, trong suốt nhiệm kỳ, Việt Nam luôn đề cao cách tiếp cận mang tính xây dựng, thúc đẩy đồng thuận, hợp tác và mong muốn các bên liên quan tăng cường trao đổi để giảm khác biệt, tăng điểm chung. Trong nhiều vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm, Việt Nam nhấn mạnh cách giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia; thúc đẩy đàm phán, đối thoại tìm giải pháp toàn diện, lâu dài cho các cuộc xung đột.
Với chủ trương rõ ràng, nhất quán và quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, với cách tiếp cận mang tính xây dựng, cùng bản lĩnh, năng lực xử lý khéo léo các vấn đề phức tạp nảy sinh, Việt Nam không chỉ bắt nhịp nhanh, tham gia đầy đủ các cuộc họp, mà còn đóng góp tích cực, hiệu quả trong tất cả các vấn đề, tham gia thương lượng, xây dựng nghị quyết, văn kiện. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, Việt Nam đã linh hoạt xử lý những thách thức, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Bảo an, chuẩn bị và phản ứng nhanh chóng, hiệu quả đối với các vấn đề phát sinh, như diễn biến phức tạp mới tại một số địa bàn, hay các yêu cầu họp khẩn cấp.
Với các nước thành viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam duy trì trao đổi, chia sẻ quan điểm, tăng cường phối hợp với 5 nước Ủy viên thường trực (nhóm P5), tích cực đóng góp vào các hoạt động, ủng hộ sáng kiến, đề xuất của 10 nước Ủy viên không thường trực (nhóm E10). Các nước thành viên Hội đồng Bảo an coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam khi tham gia xử lý các vấn đề phức tạp.
Những điểm nhấn đóng góp
Hai “tháng Chủ tịch” là những điểm nhấn đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ. Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ, tháng 1/2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt, khi Liên hợp quốc khởi động các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập, Việt Nam đồng thời bắt đầu Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam được tất cả các thành viên tán thành cao. Trong đó, cuộc thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” nhận được mức độ quan tâm cao kỷ lục, với đại diện hơn 100 nước tham gia phát biểu. Hội đồng Bảo an cũng lần đầu thông qua Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương Liên hợp quốc. Phiên họp về chủ đề “Hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” đã tạo diễn đàn đầu tiên về trao đổi, hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và ASEAN. Các sáng kiến của Việt Nam phù hợp mong muốn của cộng đồng quốc tế, ASEAN nói riêng, đó là đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Tháng 4/2021, lần thứ hai trong nhiệm kỳ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã điều hành công việc của Hội đồng một cách chuyên nghiệp, bản lĩnh, khách quan và cân bằng, đáp ứng tối đa các mối quan tâm và đề nghị chính đáng của các nước, khéo léo xử lý khác biệt giữa các thành viên. Ðiểm nhấn đặc biệt là phiên thảo luận mở cấp cao về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột”, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Ðây là lần đầu lãnh đạo cấp cao Việt Nam chủ trì một sự kiện quan trọng tại Hội đồng Bảo an. Sự kiện này nâng tầm sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với Liên hợp quốc, thể hiện sự gắn kết giữa vai trò thành viên có trách nhiệm của ASEAN với trọng trách tại Hội đồng Bảo an, gửi thông điệp quan tâm của Việt Nam thúc đẩy vai trò các tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy phát triển.
Chủ đề các sự kiện do Việt Nam đề xuất và chủ trì làm nổi bật phương châm “Ðối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” xuyên suốt nhiệm kỳ, hài hòa với lợi ích và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Qua các “sự kiện điểm nhấn”, Việt Nam lồng ghép ưu tiên và lợi ích của đất nước gắn với mục tiêu chung. Thành công của nhiệm kỳ thể hiện nổi bật năng lực, bản lĩnh, tư duy định hình và dẫn dắt, ghi dấu ấn đối ngoại đa phương đậm bản sắc Việt Nam ■
Những đề xuất, sáng kiến nổi bật
■ Ðề xuất, chủ trì soạn thảo, đàm phán và thông qua 2 Nghị quyết, 3 Tuyên bố Chủ tịch, 1 Tuyên bố báo chí, cùng nhiều văn kiện, khuyến nghị.
■ Tổ chức 4 sự kiện điểm nhấn, đậm dấu ấn “tháng Chủ tịch”.
■ Ðồng tổ chức 8 phiên họp theo thể thức Arria.
■ Ðồng bảo trợ 5 Nghị quyết.
■ Cùng Indonesia có 12 phát biểu chung.
■ Ðề xuất, chủ trì thương lượng để Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh.
■ Ðồng sáng kiến, chủ trì vận động thành lập Nhóm bạn bè về Luật Biển năm 1982 (GoF UNCLOS).
(Nguồn: Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc)
Ý kiến ()