Đồng Giáp: Phát triển và nhân rộng diện tích cây trám đen
– Những năm gần đây, người dân xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan đã tích cực phát triển và mở rộng diện tích trồng cây trám đen. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.
Gia đình ông Tôn Văn Trường, thôn Trung Giáp đã trồng trám đen từ nhiều năm nay nhưng trước đây chỉ trồng với diện tích nhỏ và hầu như không chăm sóc. Ông Trường cho biết: Khoảng năm 2010, khi thương lái đến tận nơi thu mua trám đen với giá ổn định, gia đình tôi mới bắt đầu chú trọng chăm sóc và mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình tôi có trên 100 cây trám đen trồng xen với rừng hồi, trong đó, số cây đã cho thu hoạch chiếm 70%. Trung bình mỗi năm, tôi thu hoạch hơn 1 tấn quả, thu về từ 40 đến 80 triệu đồng tùy giá từng năm. Năm sai quả nhất, gia đình thu hái được 3 tấn quả, thu về 150 triệu đồng.
Người dân xã Đồng Giáp chăm sóc cây trám đen
Không chỉ riêng gia đình ông Trường, hiện nay, trám đen được trồng tại 5/5 thôn của xã, toàn xã có 566 hộ thì có trên 95% số hộ trồng trám đen, trong đó, 387 hộ có diện tích tương đối lớn (từ 80 đến 150 cây đã cho thu hoạch), tập trung chủ yếu ở các thôn: Trung Giáp, Trung Sơn, Đồng Tân, Đồng Văn. Hiện tại, diện tích trám đen toàn xã đạt 43 ha, trong đó có trên 25 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 44 tấn/năm.
Ông Lương Văn Giang, trưởng thôn Trung Giáp cho biết: Toàn thôn hiện có 143 hộ thì 100% số hộ đều trồng trám đen. Trong đó, hộ trồng nhiều từ 100 đến 150 cây, hộ ít từ 30 cây trở lên. Người dân trên địa bàn thôn đang chú trọng chăm sóc, phát quang rừng trám, tích cực mở rộng diện tích trồng loại cây này.
Trám là loại cây ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, tuổi thọ cao. Đối với giống trám bản địa, cây bắt đầu bói quả sau 8 đến 10 năm trồng, còn đối với trám ghép thì cây bói quả sau 5 đến 6 năm trồng, mỗi năm cho thu một lứa quả. Sau khi thu hoạch, quả được thương lái thu mua toàn bộ với giá dao động từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg tùy năm. Ngoài ra, hạt trám cũng có thể bán với giá 30 đến 40 nghìn đồng/kg.
Xác định trám đen là một trong những cây trồng chủ lực, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng mới, đồng thời, phục tráng diện tích bị thoái hóa. Theo đó, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình: 30a, 135, chương trình trồng cây phân tán…, UBND xã tập trung hỗ trợ người dân phát triển cây trám đen. Từ năm 2019 đến nay, UBND xã đã hỗ trợ giống và phân bón với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng cho 361 hộ nghèo và cận nghèo của xã để mở rộng diện tích trồng trám.
Ông Lăng Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Giáp cho biết: Để khuyến khích người dân phát triển cây trám đen, ngoài việc hỗ trợ từ các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 2 hoặc 3 lớp tập huấn về kỹ thuật ghép, trồng và chăm sóc trám đen. Từ năm 2016 đến nay, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 32 lớp tập huấn với 1.500 lượt người tham gia.
Bên cạnh việc tập trung chăm sóc diện tích trám đen đang có, hằng năm, người dân đã chủ động trồng dặm, cắt tỉa, chặt những cây già cỗi, thay thế cây mới để nâng cao năng suất. Xã đang hoàn thiện hồ sơ, xây dựng trám đen thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện năm 2021 nhằm góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()