Ðồng chí Võ Chí Công, một bản lĩnh kiên cường, một nhân cách cao đẹp
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7-8-1912 - 7-8-2012), đồng chí NGUYỄN VĂN CHI, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã viết bài về bản lĩnh kiên cường, phẩm chất cao đẹp của đồng chí Võ Chí Công. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho, từ nhỏ đồng chí Võ Chí Công được giáo dục về tinh thần dân tộc, yêu nước tiêu biểu là ảnh hưởng của nhiều chí sĩ xứ Quảng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... và các phong trào đấu tranh chống sưu thuế, đòi dân sinh, dân chủ của dân chúng vùng Nam Trung Kỳ. Do đó, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, hoạt động phong trào thanh niên từ năm 1930 đến 1935 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.Trải qua bao thăng trầm của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chống thực dân Pháp và nhất là thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí đã...
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7-8-1912 – 7-8-2012), đồng chí NGUYỄN VĂN CHI, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã viết bài về bản lĩnh kiên cường, phẩm chất cao đẹp của đồng chí Võ Chí Công. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho, từ nhỏ đồng chí Võ Chí Công được giáo dục về tinh thần dân tộc, yêu nước tiêu biểu là ảnh hưởng của nhiều chí sĩ xứ Quảng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… và các phong trào đấu tranh chống sưu thuế, đòi dân sinh, dân chủ của dân chúng vùng Nam Trung Kỳ. Do đó, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, hoạt động phong trào thanh niên từ năm 1930 đến 1935 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chống thực dân Pháp và nhất là thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí đã dành trọn cuộc đời cho Tổ quốc, cho đất nước để hôm nay chúng ta được hưởng hạnh phúc trong hòa bình.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Đồng chí đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt khác nhau của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ cách mạng. Dù bị địch bắt, tra tấn, tù đày, kết án tù chung thân, nhưng đồng chí không sờn lòng, quyết theo Đảng, theo cách mạng đến cùng. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, đồng chí là mẫu người tiêu biểu “Sống hết lòng vì Đảng, vì dân, có phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của người cộng sản, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc chúng ta”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại chiến trường Quảng Đà thuộc Khu ủy Khu 5 cũng như sau hòa bình 1975, tôi không thể nào quên được hình ảnh của một người anh, người đồng chí luôn có tâm hồn cao đẹp, bình tĩnh sáng suốt và quyết liệt trong lãnh đạo, vượt qua nhiều tình huống khó khăn và khốc liệt nhất ở chiến trường, luôn luôn có ý chí tiến công cách mạng đã đánh là quyết thắng. Tên tuổi của đồng chí Võ Chí Công đã quá đỗi gần gũi với quân và dân cả nước nói chung và Khu 5 nói riêng. Từ trẻ đến già đều gọi đồng chí là anh Năm, bác Năm thân thương và yêu quý, đó là người anh, người đồng chí trong đại gia đình cách mạng.
Ở chiến trường, đồng chí luôn là người chỉ huy tin cậy, là chỗ dựa về tinh thần vững chắc của quân và dân ta. Trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng miền nam, nhất là khi Ngô Đình Diệm khủng bố, tàn ác bằng Luật 10/59, đồng chí được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960 bầu vào Ủy viên BCH T.Ư, làm Bí thư Khu ủy Khu 5, năm 1962, làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Phó Bí thư T.Ư Cục Miền Nam, trực tiếp phụ trách Khu ủy và Chính ủy Quân khu 5.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã được Đảng và nhân dân ta tôn vinh, đánh giá cao về công lao đóng góp to lớn của đồng chí, là một trong những người lãnh đạo xuất sắc nhất trong phong trào đấu tranh cách mạng, một người con ưu tú nhất của đất Quảng Nam – Đà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ với những chiến công vang dội của trận đầu đánh Mỹ ở Núi Thành. Từ thực tiễn của cuộc chiến đấu, đồng chí đã tổng kết phương châm chiến lược ba mũi giáp công (đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận) ở ba vùng chiến lược (thành thị, nông thôn và miền núi). Đồng chí sâu sát phong trào, lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể và quyết liệt để xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở bám đất, bám dân, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng tổ chức quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kèm, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của kẻ thù. Tôi nghĩ đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn có tính khoa học và lịch sử, vận dụng sáng tạo lý luận chiến tranh cách mạng vào tình hình thực tiễn nước ta, vận dụng tài tình và sáng suốt đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng vào thực tiễn của khu vực Trung Trung Bộ. Đây là nhân sinh quan cách mạng đã hơn 70 năm gắn bó với cuộc đời đồng chí.
Chúng ta không thể không gắn tên tuổi của đồng chí với những chiến công oanh liệt mà quân và dân Khu 5 đã giành được ở những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đồng chí là người lãnh đạo chủ chốt, nếu không nói là người quyết định. Đó là Tổng tiến công mùa Xuân Mậu Thân năm 1968. Đặc biệt là sau khi Mỹ xuống thang rút quân, chịu ngồi vào bàn Hội nghị Pa-ri từ năm 1968 đến 1973, dù Hiệp định Pa-ri đã ký kết tháng 1-1973, nhân dân ta tưởng là hòa bình đã được lập lại, nhưng địch lật lọng vi phạm các điều khoản của Hiệp định, chúng ra sức lấn đất, giành dân, chiến trường luôn đổ máu. Khu 5 là miền đất trải dài của vùng Tây Nguyên và duyên hải miền trung là cứ điểm chiến lược quan trọng số hai của ngụy quyền Sài Gòn là Đà Nẵng mà chúng dùng làm Tổng hành dinh của Bộ Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật.
Tháng 5-1974, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, đồng chí Võ Chí Công là Bí thư, là người đứng mũi chịu sào cùng Khu ủy, Quân ủy Khu 5 đã xây dựng kế hoạch tiến công quận lỵ Thượng Đức cách Đà Nẵng khoảng 50 km về phía Tây Nam là nơi trấn thủ của Đà Nẵng thể hiện mạnh mẽ tinh thần tiến công cách mạng. Tiến công Thượng Đức, ta ra đòn kiểm nghiệm, thăm dò khả năng ứng phó của chủ lực ngụy, sau khi quân Mỹ rút. Nơi đây Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng khoe khoang là “Mắt Ngọc của Đầu Rồng”, Tỉnh trưởng Quảng Nam mệnh danh là “Cánh cửa thép” là niềm tự hào, là chỗ dựa đáng tin cậy của Vùng 1 chiến thuật, của căn cứ quân sự liên hợp hải lục không quân. Chỉ đạo chiến dịch này ta kết hợp ba lực lượng là: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng sự nổi dậy của quần chúng, đồng chí Võ Chí Công nêu quyết tâm “Chiến dịch Thượng Đức phải thắng cả về quân sự lẫn chính trị”. Đó là bản lĩnh kiên cường của người chỉ huy. Kết quả là đã giành chiến thắng giải phóng toàn bộ Thượng Đức.
Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30-9 đến ngày 8-10-1974 luôn nhấn mạnh: Chiến thắng Thượng Đức khẳng định thêm thời cơ chiến lược của cách mạng miền nam đã đến cho những trận quyết chiến cuối cùng giành toàn thắng. Từ chiến thắng Thượng Đức gắn liền với Khu 5 mà Bộ Chính trị họp tháng 10-1974 nhận định tình hình và thời cơ chiến lược mới, chọn chiến trường Tây Nguyên là chiến trường chính trong hoạt động mùa khô của toàn miền nam. Bộ Chính trị quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm trận mở màn của chiến dịch Nam Tây Nguyên vì đây là thủ phủ của tỉnh Đác Lắc nằm trên trục đường 14 và 21, thuận lợi cho việc phát triển chiến đấu của các tỉnh Tây Nguyên xuống duyên hải miền trung và vào Nam Bộ, rộng đường cho giải phóng toàn miền nam thân yêu.
Để nghi binh địch, Quân ủy T.Ư giao cho Quân khu 5 đưa Sư đoàn 3 cắt đường 19 tiêu diệt một số vị trí địch từ An Khê đến Bình Khê, buộc chúng phải đưa Trung đoàn 45 từ Đác Lắc xuống Plây Cu để đối phó với quân chủ lực ta. Ta tiến công Buôn Ma Thuột, giải phóng thị xã này, đồng chí Võ Chí Công đã nhanh chóng chỉ đạo thành lập Ủy ban Quân quản thị xã để ra mắt nhân dân, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kèm. Sau đó, đồng chí chủ động đề xuất Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư và được sự chấp nhận, Quân khu 5 thừa thắng xông lên giải phóng Đà Nẵng. Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử là trận thắng mở màn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Nói đến chiến thắng lịch sử này, chúng ta không thể không nhắc đến sự góp phần quan trọng của quân và dân Khu 5 nói chung trong đó có vai trò cá nhân của đồng chí Võ Chí Công với cương vị là Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 5.
Sau khi đất nước hòa bình, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1982, Đại hội V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương, bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, với cương vị Thường trực Ban Bí thư, Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Dù ở cương vị cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng chí luôn gắn bó cuộc đời mình sống vì Đảng vì dân, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại, sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Đồng chí đề xuất nhiều quyết sách mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là tham mưu cho T.Ư Đảng ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp khi đồng chí làm Thường trực Ban Bí thư, tháo gỡ khó khăn, đẩy lùi trì trệ, đổi mới cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp. Điều quan trọng hơn, từ đó đồng chí góp phần khôi phục, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng nhằm phát triển nền sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội, dần hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Cá nhân tôi không thể nói hết được những gì mà tôi muốn nói về một đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Từ đáy lòng mình khi nghĩ về những cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng, tôi không khỏi bồi hồi xúc động, tỏ lòng cảm phục đồng chí Võ Chí Công, người đảng viên kiên cường sáng tạo, người lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam.
Tôi mong trong mỗi người chúng ta, thế hệ hôm nay và mai sau luôn thấm sâu lời nhắc nhở của đồng chí trong hồi ký “Người chiến sĩ cộng sản, phải luôn luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có tinh thần cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết như Bác Hồ đã dạy, có như vậy mới được dân tin yêu và quý trọng”.
Đồng chí Võ Chí Công đã về cõi Bác Hồ nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí luôn khắc sâu trong tâm khảm chúng ta, nhắc nhở chúng ta sống phải làm gì cho dân ta, cho Đảng, cho Tổ quốc chúng ta ngày càng phồn vinh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()