Ðồng chí Phạm Hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1949, sau đó suốt thời gian từ năm 1956 đến năm 1967, đồng chí Phạm Hùng có may mắn được làm việc cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cả cuộc đời làm cách mạng của mình, đồng chí luôn luôn ngưỡng mộ Bác Hồ, cố gắng học tập, rèn luyện, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.Đồng chí Phạm Hùng suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Suốt cuộc đời cách mạng, dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí luôn luôn thể hiện rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu đồng bào, đồng chí. Kính trọng nhân dân, thương yêu nhân dân, tin tưởng nhân dân, lo lắng làm sao để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là suy nghĩ thường trực của đồng chí Phạm Hùng....
Đồng chí Phạm Hùng suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Suốt cuộc đời cách mạng, dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí luôn luôn thể hiện rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu đồng bào, đồng chí. Kính trọng nhân dân, thương yêu nhân dân, tin tưởng nhân dân, lo lắng làm sao để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là suy nghĩ thường trực của đồng chí Phạm Hùng. “Dựa vào dân, lấy dân làm gốc” là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công an nhân dân, đồng chí Phạm Hùng tổ chức xây dựng thế trận an ninh nhân dân theo tinh thần công an của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng chí nói: “… phải dựa vào lực lượng của quần chúng và phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc… Công an mà không đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, không dựa vào quần chúng, không có lực lượng trinh sát và nội tuyến, thì trở thành người què và mù, không biết dựa vào ai và đánh vào đâu cho trúng”(1).
Trên cương vị Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, đồng chí Phạm Hùng quán triệt và thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng/Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Lời nói và việc làm của đồng chí luôn luôn thể hiện tinh thần tiết kiệm cho đất nước, cho nhân dân. Khi có người than phiền về việc chi tiêu quá tiết kiệm, đồng chí giải thích: Nước ta còn nghèo, còn chi viện cho miền Nam. Một đô-la, một rúp mua được vài viên đạn. Đồng chí thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người phê phán một số cán bộ: Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?
Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”(2). Đồng chí Bảy Hiển, thư ký riêng của đồng chí Phạm Hùng cho biết “anh Hai (tức đồng chí Phạm Hùng) không bao giờ dùng xe công đưa vợ con đi đâu cả, bất kể trường hợp nào”. Hoặc một chuyện khác do đồng chí Nguyễn Văn Ích, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kể lại: Khi được biết Văn phòng Chính phủ bố trí con dâu mình về làm việc ở bộ phận kinh tế đối ngoại, đồng chí Phạm Hùng đã gọi điện cho đồng chí Nguyễn Văn Ích yêu cầu không nên để con dâu đồng chí về cơ quan kinh tế đối ngoại, mà nên để cháu về một cơ quan khác thực tập vì cháu mới ra trường, công việc thích hợp với khả năng hơn.
Đồng chí Phạm Hùng học được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, xuất phát từ thực tế Việt Nam, nhận thức đúng, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Nhìn xa trông rộng, phát hiện cái mới mà hay và khẳng định cái mới, đồng thời phê phán cái xấu. Đồng chí có phong cách làm việc quần chúng, sâu sát, lắng nghe, học hỏi, tôn trọng, tin tưởng và gương mẫu trước quần chúng; gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, lấy hiệu quả công việc phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc làm thước đo nhân cách. Mỗi công việc dù lớn hay nhỏ đều xác định mục đích rõ ràng, có kế hoạch cụ thể. Xác định những việc trọng tâm, trọng điểm. Kịp thời kiểm tra, có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Đồng chí Phạm Hùng là con người của hành động. Những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong bản Chỉ thị về công tác chính trị, đồng chí Phạm Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta phải mang lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Bác cắm lên thành phố quang vinh mang tên Bác, lấy thành tích chào mừng kỷ niệm lần thứ 85 Ngày sinh của Người” (3).
Kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng giữa lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; quán triệt và triển khai Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Noi gương đồng chí Phạm Hùng, trước hết, mỗi đảng viên, cán bộ phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần: Chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có kết quả tốt thì đó là một động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đi đến thắng lợi. Ngược lại, nếu chúng ta làm không tốt, hô hào học tập tấm gương của Bác mà không làm, nói nhiều làm ít, nghĩ một đường, nói một đường, làm một đường thì sẽ làm giảm sút, đi tới mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, liên quan đến sự mất còn của Đảng, của chế độ. Vấn đề đặt lên hàng đầu và xuyên suốt đến tận cuối đời đối với mỗi cán bộ, đảng viên là nêu cao ý thức trách nhiệm, bổn phận phục vụ nhân dân, làm người công bộc tận tụy của nhân dân. Mỗi cán bộ phải tự xem lại mình từ những công việc cụ thể như chuyện rửa mặt hằng ngày. Một khi cán bộ nguội lạnh bổn phận phục vụ nhân dân thì không còn xứng danh là người cán bộ của nhân dân nữa. Một điều cần nhấn mạnh là việc nêu gương, thể hiện tính tiền phong, gương mẫu mà trước hết là trong việc tự phê bình và phê bình, dám nhận trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về những khuyết điểm, sai sót của mình; phải có bản lĩnh tự phê bình và nhận trách nhiệm như khi nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ. Cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, đứng đầu phải làm trước, làm thật để “làng nước theo sau”. Chỉ có nhận thức và hành động như vậy mới thiết thực kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG
——————
(1) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Phạm Hùng – Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.297.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 57.
(3) Đại tướng Hoàng Văn Thái: Những tháng năm quyết định (Hồi ký), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.268.
Theo Nhandan
Ý kiến ()