Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư tài năng của Ðảng ta
Tại cuộc hội thảo khoa học "Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn", đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng đã gửi đến tham luận "Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư tài năng của Đảng ta". Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Tôi chưa được gặp đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, cũng như những năm tháng bị thực dân Pháp giam cầm trong nhà tù đế quốc, tôi thường được nghe anh em kể nhiều về tấm gương hy sinh anh dũng và những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - một lãnh tụ tài năng của Đảng.Đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, khi còn đang học ở Trường Bưởi. Bị mật thám Pháp phát hiện và bị đuổi học, Nguyễn Văn Cừ được tổ chức phân công đi "vô sản hóa" ở vùng mỏ Quảng Ninh và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Không quản hiểm nguy, gắn bó với...
Tại cuộc hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng – Giá trị lý luận và thực tiễn”, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng đã gửi đến tham luận “Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư tài năng của Đảng ta”. Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tôi chưa được gặp đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, cũng như những năm tháng bị thực dân Pháp giam cầm trong nhà tù đế quốc, tôi thường được nghe anh em kể nhiều về tấm gương hy sinh anh dũng và những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ – một lãnh tụ tài năng của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, khi còn đang học ở Trường Bưởi. Bị mật thám Pháp phát hiện và bị đuổi học, Nguyễn Văn Cừ được tổ chức phân công đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Không quản hiểm nguy, gắn bó với phong trào công nhân, cùng với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Mạo Khê (Uông Bí), sau đó chỉ đạo thành lập Đảng ủy Đặc khu mỏ Hòn Gai, Quảng Ninh.
Năm 1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, bị tòa án thực dân kết án lưu đày tại nhà tù Côn Đảo. Mặc dầu bị đày ải, tra tấn, đồng chí luôn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản, đồng thời tranh thủ thời gian học hỏi, thực hiện khẩu hiệu “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” để rèn luyện nghị lực và nâng cao trình độ bản thân. Đến khi ra tù (1936), đồng chí đã trưởng thành về mọi mặt và trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Tháng 3 năm 1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, mặc dù chỉ trong khoảng thời gian 2 năm (1938-1940), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh cách mạng đòi dân sinh dân chủ sục sôi trong cả nước.
Trên cơ sở phân tích những kinh nghiệm thành công và thất bại của phong trào cách mạng trước đó, đồng chí đã chỉ ra những biểu hiện “tả khuynh”, giáo điều, cô lập, biệt phái trong khi vận dụng các vấn đề lý luận của cách mạng vô sản. Với cái nhìn toàn diện, đồng chí cho rằng những khuynh hướng nóng vội, chủ quan ở một số nước thuộc địa và phụ thuộc khi đề ra chủ trương “làm cách mạng dân chủ tư sản để chuyển thẳng lên cách mạng xã hội chủ nghĩa” trong điều kiện lúc này là không phù hợp, bởi chủ nghĩa phát xít đang trở thành nguy cơ tiêu diệt thế giới. Do đó, các lực lượng dân chủ, cách mạng bây giờ phải tập trung trước hết vào mục tiêu chống thảm họa phát xít.
Là người đưa ra sáng kiến thành lập Mặt trận Dân chủ và chỉ đạo thực hiện từ ý tưởng trở thành hiện thực, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Đảng ta đã tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng trên những hình thức mới, sắc thái mới. Điều đó làm cho phong trào cách mạng dưới sự chỉ đạo của Đảng đã có bước phát triển nhảy vọt, đồng thời hướng sự chỉ đạo của Đảng tới thống nhất, chặt chẽ cả về chủ trương và tổ chức thực hiện, tạo nên một phong trào hoạt động rất sôi nổi, làm cho thế lực và ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng tăng lên. Đây là những hình thức tổ chức và các hình thức đấu tranh chưa từng có ở giai đoạn trước. Những vấn đề đó được tổng kết và thể hiện trong bản báo cáo Về phong trào các tổ chức quần chúng của Đảng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1937 thông qua và trở thành nghị quyết của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ khẳng định, trong các cuộc tranh đấu, phải tùy theo tinh thần và lực lượng quần chúng, dò xét thái độ của địch nhân và liệu cơ tiến thoái,… nhiều khi phải biết lợi dụng các điều thắng lợi từng phần mà kết liễu cuộc tranh đấu để giữ lấy ảnh hưởng. Cần thiết phải chuyển hướng phương pháp và hình thức đấu tranh, phải có tư duy uyển chuyển trong chỉ đạo chiến lược, sách lược để giành lấy thắng lợi, đó là đóng góp to lớn về mặt vận dụng lý luận và thực tiễn Việt Nam.
Tư duy lý luận sắc sảo, có sức thuyết phục của Nguyễn Văn Cừ đã được Hội nghị Trung ương đánh giá cao, đồng chí được bầu bổ sung vào Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương của Đảng. Điều đó thể hiện Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ không chỉ là người có tư duy và năng lực phân tích, quyết đoán, đồng chí còn có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quá trình tiến tới thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương. Chủ trương này được Đảng đề ra từ Hội nghị Trung ương mở rộng (3-1937), nhằm tiến tới thành lập một tổ chức mặt trận tập hợp được rộng rãi các đảng phái, các đoàn thể, các hội quần chúng trên cơ sở một bản chương trình hành động đòi các quyền tự do dân chủ và các quyền dân sinh khác.
Là một người thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các trào lưu cách mạng cải lương, cơ hội, năm 1939, đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, đây là một kiệt tác của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. “Tự chỉ trích” đã kịp thời đấu tranh, uốn nắn những lệch lạc về tư tưởng trong Đảng, vạch mặt bọn tờ-rốt-kít giả danh cách mạng. Thông qua cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng bằng phương pháp phê bình và tự phê bình của người cộng sản, nhằm xây dựng và củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng trên phạm vi cả nước; đề ra những chủ trương mới phù hợp với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Thông qua tác phẩm “Tự chỉ trích”, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo tiến hành một cuộc đấu tranh sâu rộng trên mặt trận tư tưởng lý luận, trước hết là đấu tranh vạch mặt giả danh cách mạng của bọn tờ-rốt-kít. Lịch sử và hành động của tờ-rốt-kít đã chứng minh rằng, vô luận ở đâu và lúc nào bọn chúng cũng đóng vai trò khiêu khích, phá hoại cách mạng. Với giọng điệu cách mạng đầu lưỡi, chúng hô hào thành lập “Mặt trận vô sản”, “Mặt trận công nông”, “Mặt trận của những người bị bóc lột chống kẻ bóc lột”,… để chống lại chủ trương lập Mặt trận thống nhất dân chủ rộng rãi của Đảng ta, vu cáo Đảng ta “hợp tác giai cấp, “từ bỏ đấu tranh giai cấp”, “thỏa hiệp, đầu hàng giai cấp tư sản”… Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo Báo Dân Chúng và các tờ báo công khai của Đảng ta phải “kịch liệt tranh đấu chống chủ nghĩa phát-xít và lý luận phản động, hành động khiêu khích của bọn tờ-rốt-kít và các màu sắc lý luận phản động khác”(1). Đồng chí cũng phê phán nghiêm khắc sự hợp tác vô nguyên tắc của một số đảng viên cộng sản thỏa hiệp với bọn tờ-rốt-kít, đó là một sự mơ hồ về lập trường giai cấp, chưa nhận rõ bản chất phản động của bọn tờ-rốt-kít, do quan hệ cá nhân mà không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, quan điểm của Đảng.
Trên phương diện đấu tranh củng cố nội bộ, Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một đóng góp rất quan trọng vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ già dặn; vừa tranh luận, vừa thuyết minh một cách sáng tỏ đường lối, chính sách của Đảng, giữa chiến lược và sách lược, qua đó làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng ta.
Tác phẩm Tự chỉ trích cùng với những cống hiến lý luận khác của Nguyễn Văn Cừ phản ánh sự sáng suốt của một trí tuệ lỗi lạc, trí tuệ đó là kết quả tổng hợp của sự vững vàng, kiên định lập trường, quan điểm và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin kết hợp với một năng lực vận dụng phương pháp biện chứng mác-xít để nắm bắt chính xác thực tế cùng những diễn biến của nó – cái đã qua, cái đang tới – để tư duy và đề xuất chủ trương, chính sách. Chính ở đây, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho ta một hình mẫu về học tập lý luận và kết hợp nhuần nhị nguyên lý lý luận với thực tế đang biến động.
Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Chỉ hai tháng sau, tháng 11-1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VI. Hội nghị đã phân tích một cách sâu sắc và toàn diện về tình hình thế giới và trong nước, về thái độ của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, đồng thời đưa ra những nhận định chính xác, làm cơ sở để Đảng ta đi đến thống nhất quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng. Nhận định của Đảng về tình hình mới, đòi hỏi Đảng ta phải có chính sách mới, tổ chức mới. Mặt trận Dân chủ nay không còn thích hợp nữa mà phải lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế; tạm gác khẩu hiệu “cách mệnh điền địa”, thay khẩu hiệu lập: “chính phủ xô viết công nông binh”, bằng khẩu hiệu “chính phủ cộng hòa dân chủ”. Đó là sự chỉ đạo kịp thời, thể hiện tư duy hoàn toàn logíc và chặt chẽ của Đảng, thể hiện tính nhất quán về mặt đường lối, sáng tạo về vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Sáng tạo ở đây là: Đảng ta đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ cơ bản phản đế và phản phong của chiến lược cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới, được Đảng ta và Bác Hồ đề ra từ năm 1930; xét sâu hơn, đó là việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giai cấp – dân tộc, dân tộc – giai cấp trong điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước và thế giới. Có thể nói rằng, Nghị quyết Trung ương VI đã đánh dấu bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta, vừa phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, vừa là sự khẳng định lại tính đúng đắn, sáng tạo của Chính cương, sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề ra từ đầu năm 1930 trong Hội nghị thành lập Đảng.
Tóm lại, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, những chủ trương nhạy bén, kịp thời và sáng tạo do Hội nghị Trung ương VI vạch ra đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI, được các Hội nghị Trung ương VII (1940) và nhất là Hội nghị Trung ương VIII (5-1941) kế thừa, bổ sung và phát triển lên một bước mới, đưa tới thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ và bao tiên liệt cách mạng khác đã ngã xuống chưa kịp chứng kiến thắng lợi của cách mạng theo con đường các đồng chí vạch ra, nhưng lịch sử sẽ đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các đồng chí đã cống hiến cho Tổ quốc và cách mạng.
(1) Trí Thành: Báo Dân chúng số 22, ngày 5-10-1938.
Theo Nhandan
Ý kiến ()