Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2016 là một năm chuyển mình mới của đất nước
Định hướng phát triển theo Đại hội lần thứ XII của Đảng chính là nền tảng để chúng ta có cơ hội biến những khả năng thành hiện thực, biến những may mắn từ tiềm năng thành hạnh phúc cho mình. Năm 2016 sẽ là một năm chuyển mình mới của đất nước.
Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ( MTTQ) Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
PV: Thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, năm 2015 trong rất nhiều chuyến công tác đến các địa phương, tiếp xúc với người dân nhiều tầng lớp, thành phần trong xã hội, đồng chí cảm nhận như thế nào về cuộc sống của người dân? Điều gì làm đồng chí cảm thấy ấn tượng nhất?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân:Xuất phát từ quan điểm mỗi lần đi cơ sở đều hiểu thêm thực tiễn, trong năm 2015, không chỉ có tôi mà các vị lãnh đạo khác của Mặt trận đều đi cơ sở rất nhiều. Càng đi chúng tôi càng học được nhiều điều. Điều chúng tôi cảm nhận được đầu tiên là nhân dân rất mừng trước sự phát triển của đất nước. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên. Đặc biệt, chúng ta có tiến bộ về giảm nghèo, về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, điều này đã được tổ chức quốc tế thừa nhận… Kết quả đó có được là từ chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng có sự tham gia và đóng góp của chính nhân dân.
Thứ hai là mặc dù tình hình thế giới rất phức tạp, nhất là một số nước đang phải đối mặt với những căng thẳng, xung đột về tôn giáo, sắc tộc, về khủng bố… nhưng nền kinh tế của chúng ta vẫn ổn định và phát triển, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài tiếp tục tăng.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng còn có nhiều điều phải suy nghĩ, phải lo lắng. Trong dịp dự Ngày hội Đại đoàn kết ở Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, chúng tôi tới thăm một hộ nghèo của một gia đình mà cả hai vợ chồng vẫn còn sức khoẻ để lao động và có hai con đang tuổi đi học. Trong nhà có tủ lạnh rất to mà chắc để vận hành được nó phải rất ốn điện. Tôi nghĩ bụng, giá như tiền mua tủ lạnh đó để dành để đầu tư nuôi thêm lợn, gà hoặc nuôi bò, trâu thì hiệu quả hơn nhiều. Điều này cũng thể hiện gia đình họ đang thiếu người tư vấn. Nếu gia đình nghèo đó được một tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tham mưu thì chắc không dùng hàng triệu đồng như vậy để mua một cái tủ lạnh mà trong tủ rất ít đồ để cần bảo quản. Mặt trận phải có trách nhiệm trong việc này. Điều này cho thấy, muốn giảm nghèo thì phải đến từng hộ, theo dõi và giúp họ có phương án làm ăn cụ thể.
Ấn tượng thứ hai là chúng tôi có đi một số tỉnh Tây Nguyên nhân dịp lễ Noel của đồng bào Công giáo. Tại đây, chúng tôi đã được đến thăm Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi của những nữ tu Công giáo người dân tộc thiểu số thuộc Hội Dòng ảnh Phép lạ. Tại đây hiện 80 sơ đang nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 800 trẻ mồ côi tại 6 cơ sở bảo trợ mà nhà nước hoàn toàn không có hỗ trợ gì về tiền bạc. Các nữ tu ở đây không có con nhưng họ nuôi hơn 800 đứa con của người khác như con của mình, phải nói là xúc động lắm. Khi gặp chúng tôi, các sơ vui mừng vì chưa khi nào họ được đón lãnh đạo cấp cao Trung ương đến thăm như thế. Những hy sinh thầm lặng của các sơ thuộc Dòng ảnh Phép lạ là một minh chứng cho tinh thần thương người như thể thương thân và đây cũng là một nét đẹp rất đáng tự hào của các tôn giáo ở nước ta.
Một sự kiện nữa cũng rất đáng nhớ trong năm 2015. Đó là, đầu tháng 12/2015, MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổ chức NCA trợ giúp Việt Nam (Na Uy) cùng với 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc phát huy các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại đây 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo đã cùng nhau ký kết chương trình phối hợp để cùng nhau bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây thực sự là một hình tượng rất đẹp. Đó cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho sự gắn bó, đoàn kết của MTTQ Việt Nam, khối đại đoàn kết dân tộc.
PV: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam trong năm 2016 là hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tổ chức cho người ứng cử vận động bầu cử, giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 và HĐND các cấp đảm bảo dân chủ, đúng luật pháp. Mặt trận sẽ làm gì đối với những người tham gia ứng cử mà cử tri thấy không đủ thuyết phục?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân:Nếu bầu cử mà 5 chọn 3, 3 chọn 2 thì chắc chắn nhân dân phải thấy người này không thuyết phục bằng người khác. Chuyện bầu có số dư và người này không thuyết phục bằng người kia là chuyện bình thường. Nhưng vai trò của Mặt trận là gì? Mặt trận trong Luật bầu cử có trách nhiệm về việc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc với cử tri để giới thiệu về mình, mong muốn của mình. Nhưng trước đó, Mặt trận có trách nhiệm làm thế nào có thông tin đầy đủ về nhân thân của ứng cử viên để cử tri biết được. Phải có thông tin ứng cử viên ở nơi cư trú sinh hoạt như thế nào, quan hệ, ứng xử với cộng đồng, tuân thủ pháp luật ra sao, Mặt trận phải góp phần tạo những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để cung cấp cho cử tri, Hội đồng bầu cử các cấp. Đây là điều rất quan trọng. Mặt trận cố gắng đừng để sai sót về thông tin của các ứng cử viên còn quyền lựa chọn thuộc về nhân dân. Mặt trận cam kết thực hiện đúng luật pháp, tạo điều kiện dân chủ để người dân quyết định trong việc lựa chọn các ứng cử viên.
PV: Thưa đồng chí, 8 chương trình giám sát mà MTTQ Việt Nam đã triển khai trong năm 2015 đã được dư luận và nhân dân đánh giá cao. Trong năm 2016, Mặt trận sẽ triển khai các hoạt động giám sát như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân:8 chương trình giám sát thực chất là 1 7. Tức là một chương trình đã làm đến kết quả cuối cùng. Đó là chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 – 2015. Chương trình đã trả lời được câu hỏi mà Thủ tướng giao là tình hình thực hiện chính sách người có công cho đến thời điểm này là như thế nào. Đồng thời, tiếp nhận những yêu cầu, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đời sống mới, trong đó có quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ giám sát nạn nhân chất độc da cam…
Qua chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công, chúng tôi rút ra một bài học. Đó là có những việc ngắn hạn chính quyền phải làm như tổng rà soát người có công. Nhưng nếu chỉ dựa vào bộ máy công chức nhà nước thì không cách nào làm được. Mặt trận đã vận động Hội Cựu chiến binh là lực lượng nòng cốt với 100 nghìn người là tình nguyện viên cộng với 100 nghìn tình nguyện viên của các đoàn thể khác như Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên… thì mới làm được. Sắp tới, những bài học kinh nghiệm từ cuộc tổng rà soát này có thể áp dụng cho các cuộc rà soát khác.
Như vậy, trong 8 chương trình, 1chương trình đã hoàn thành, còn 7 chương trình khác triển khai trong năm 2015 để rút kinh nghiệm như giám sát khiếu nại, tố cáo; giám sát đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp; giám sát điều kiện hành nghề, tuân thủ pháp luật của cơ sở y tế tư nhân… Những chương trình này mới làm năm đầu tiên nhưng giá trị rút ra cũng thấy có hiệu quả. Năm 2016, các chương trình sẽ được chuyển giao cho các địa phương thực hiện. Chương trình nào “chưa chín” như giám sát việc thực hiện Luật khoa học Công nghệ; đánh giá sự hài lòng của người dân thì Trung ương sẽ tiếp tục làm.
Nếu năm 2015 việc đánh giá sự hài lòng của người dân được thực hiện bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp, điền thông tin trên giấy thì năm 2016 sẽ được phỏng vấn qua điện thoại di động. Đồng thời sẽ có thêm một việc mới, đó là, vận động nhân dân thực hiện và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm từ người sản xuất, từ nơi nhập khẩu đến nơi chế biến và tiêu dùng.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mong mỏi và bức xúc của người dân Việt Nam. Chúng tôi đã bàn sơ bộ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong tiêu chí gia đình văn hoá từ nay trở đi nếu là người sản xuất nông nghiệp thì phải có tiêu chí là không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn. Đối với hàng nhập khẩu, chúng ta có đủ cơ quan chức năng để giám sát, không thể để lọt vào những thứ sẽ đầu độc giống nòi Việt Nam. Đồng thời phải có một cuộc vận động toàn xã hội để nâng cao nhận thức không được làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, nòi giống người Việt. Chúng tôi rất mừng có một số địa phương như ở Hà Nam hiện đang có nhiều mô hình đăng ký sản xuất an toàn. Như vậy, Trung ương làm, ở địa phương lại có mô hình, kết hợp lại chắc chắn sẽ thành cuộc vận động tốt.
PV: Đồng chí từng nói, nguồn tài nguyên không cạn kiệt của nước ta chính là gần 100 triệu người dân với khả năng sáng tạo. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể phát huy tối đa nguồn lực này trong giai đoạn hội nhập hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân:Khi bàn về phát triển và hội nhập, về lâu dài thì nguồn lực tăng, phát triển mới tăng. Nguồn lực, suy cho cùng đó là những tri thức mới ứng dụng vào quản lý và sản xuất, lao động tăng thêm trong quá trình sản xuất. Lao động đó có đào tạo và có khả năng sáng tạo.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với nỗi lo thiếu lao động vì tỉ lệ sinh của họ quá ít như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức… Nhưng ở Việt Nam đến nay duy trì được tỉ lệ sinh bình quân 2 con/ 1 phụ nữ. Với mức sinh như vậy, 2 vợ chồng sinh 2 người con sẽ thay thế mình, tạo điều kiện cân bằng cho nguồn lực lao động của đất nước về lâu dài không bị mất đi.
Theo thống kê của tổ chức trí tuệ, tổng sản phẩm nội địa đầu người Việt Nam đứng hàng thứ 7 trong 10 nước ASEAN. Nhưng năng lực sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng thứ 4. Chứng tỏ rằng chúng ta có một lợi thế người Việt Nam sáng tạo. Cho nên muốn phát triển đất nước thì phải tận dụng tốt nhất tài nguyên con người Việt Nam.
Thứ nhất là về số lượng chúng ta còn gia tăng trong 30, 40 năm nữa. Thứ hai là có khả năng sáng tạo và trình độ ngày càng nâng cao. Thứ 3 là lợi thế Việt Nam do thu nhập đầu người còn thấp, mức giá thấp nên chi phí lao động thấp. Như vậy lao động còn gia tăng, khả năng sáng tạo thì ngày càng tăng, chi phí còn thấp. Ba yếu tố này cộng với đổi mới quản lý kinh tế, đổi mới thể chế chúng ta tin rằng đây là nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển.
Chúng ta đã làm nhiều cuộc thi sáng tạo, tôn vinh sáng tạo của từng giới nhưng Mặt trận chưa có một phong trào sáng tạo của cả nước. Như vậy đã đến lúc Mặt trận phải bàn với các ngành, đoàn thể để từ những sáng tạo của ngành dọc, địa phương hình thành một phong trào sáng tạo cả nước. Và gắn với đó là thu hút được sáng tạo của 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài để chia sẻ tri thức và phát triển tri thức mới.
Xét về tổng thể chưa bao giờ cơ hội phát triển đất nước tốt đẹp như bây giờ. Quy mô kinh tế trên 200 tỷ USD, thu nhập đầu người trên 2 nghìn USD, vượt qua các nước nghèo khổ 2 lần. Đặc biệt chưa bao giờ chúng ta có quan hệ quốc tế rộng rãi và sâu sắc như bây giờ. Chúng ta có các đối tác chiến lược, có các hiệp định thương mại tự do với những nền kinh tế lớn, quan trọng nhất thế giới… Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi thì chúng ta cũng có nhiều thách thức lớn. Giữa bối cảnh đó, chúng ta tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy nội lực vượt qua khó khăn.
Định hướng phát triển theo Đại hội lần thứ XII của Đảng chính là nền tảng để chúng ta có cơ hội biến những khả năng thành hiện thực, biến những may mắn từ tiềm năng thành hạnh phúc cho mình. Tôi tin rằng, năm 2016 sẽ là một năm chuyển mình mới của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()