Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm đầu ra cho nông dân
Ngày 14/4, tại thành phố Long Xuyên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy An Giang tổ chức tọa đàm về thành lập các hợp tác xã kiểu mới tại An Giang. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh:TH). |
Tham gia tọa đàm có đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; đại diện lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, 10 đại diện các hợp tác xã điển hình ở An Giang.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, An Giang hiện có 2 Liên minh hợp tác xã và 147 hợp tác xã với tổng số xã viên tham gia là hơn 160 nghìn người. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã tập trung vào 4 lĩnh vực: nông nghiệp- thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và lĩnh vực vận tải.Tại An Giang, số lượng hợp tác xã tuy có giảm nhưng quy mô, chất lượng hoạt động, vốn điều lệ và kể cả trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, chủ nhiệm hợp tác xã, trình độ canh tác, sản xuất của xã viên đã không ngừng nâng lên. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp các hợp tác xã phát triển mới đều đạt tiêu chuẩn: tự nguyện, bền vững, chất lượng cao; tỷ lệ huy động vốn trên 80% đủ để hoạt động được theo phương án sản xuất được đại hội xã viên thông qua; tỷ lệ lợi nhuận bình quân đạt 1,5%/cổ phần/tháng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo ổn định sản xuát nông nghiệp cho trên 31.000 ha; số lượng người tham gia đăng ký hợp tác xã ngày một tăng, đặc biệt là nông dân. Các loại hình dịch vụ của hợp tác xã phát triển đa dạng với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn. Đặc biệt đã xuất hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện hợp đồng kinh tế. Các bên tham gia đều có cơ hội phát triển sán xuất kinh doanh, bảo đảm lợi nhuận ngày càng tăng…
Tại buổi tọa đàm, đại diện hợp tác xã nông nghiệp cho rằng: Các loại hình dịch vụ của hợp tác xã phát triển đa dạng với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, đặc biệt đã xuất hiện mô hình liên kêt sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện hợp đồng kinh tế.Tuy nhiên, nhận thức về bản chất, vị trí và vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế – xã hội mặc dù đã được nâng lên nhưng vần chưa sâu. Bộ phận quản lý chưa năng động, chưa nhạy bén đưa hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ đi lên mà còn trông chờ hỗ trợ của Nhà nước. Khung pháp luật cơ bản về kinh tế tập thể vẫn còn một số vướng mắc, bất cập chủ yếu có liên quan đến mô hình quản lý và chính sách hỗ trợ hợp tác xã…
Cùng với đó là tỷ lệ thành viên còn thấp so với tổng số bà con nông dân có đất sản xuất trong địa bàn, từ đó chưa phát huy được tính xã hội hóa tham gia theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Mặt khác, bà con nông dân trong vùng sản xuất với diện tích nhỏ, phải hợp đồng với rất nhiều hộ nên việc ký kết gặp không ít khó khăn; diện tích ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn ít; việc thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chưa thực hiện được…
Để đẩy mạnh việc phát triển hợp tác xã theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, năng suất, tính cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đề xuất cần có những quy định cụ thể, có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, nhất là chính sách về vốn, tín dụng, chính sách về giao quyền sử dụng đất để hợp tác xã có nguồn lực tài chính đủ mạnh nhằm mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thành viên từ hạ giá thành đầu vào đến ổn định đầu ra. Có chính sách thu hút cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ về công tác để phục vụ phát triển hợp tác xã . Giới thiệu thêm các công ty, doanh nghiệp có tiềm năng đến với hợp tác xã để mở rộng diện tích ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời tăng cường hoạt động công tác khuyến nông , tổ chức thường xuyên việc triển khai sâu rộng cho nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trước và sau thu hoạch…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh:TH). |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong những năm qua, nếu nhìn vào sản lượng các sản phẩm nông nghiệp thì chúng ta rất hài lòng. Bởi từ một đất nước phải nhập khẩu gạo, chúng ta đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cùng với đó là sản xuất nông nghiệp như tiêu, điều… cũng đạt số lượng xuất khẩu rất lớn. Đầu ra rất đáng tự hào nhưng băn khoăn là mối quan hệ đầu vào và đầu ra, tức là hiệu quả thu nhập của nông dân. Nông dân chiếm 47% lao động cả nước nhưng lại thu nhập thấp nhất. “Chỗ nhiều người làm việc nhất thì thu nhập thấp nhất, tăng trưởng cũng chậm nhất. Nếu không có đột phá thì khoảng cách thu nhập ngày càng tăng, tất yếu dẫn đến nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều”.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, MTTQ cùng các địa phương, các nhà quản lí, các nhà khoa học hành động để tăng thu nhập cho nông dân và tìm cách để sản phẩm của nông sản ra khỏi chợ làng bán vào siêu thị trong nước và nước ngoài. “Nông dân mà sản xuất đơn lẻ thì không thể nào bán vào siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài. Nếu nông dân liên kết trực tiếp với doanh nghiệp thì dễ bị ép giá và không chủ động được đầu ra. Vì vậy, nông dân thông qua hợp tác xã và hợp tác xã là khâu trung gian, chỉ có hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp mới đảm bảo sản phẩm đầu ra cho nông dân. Tuy nhiên, hiện chỉ có 9% hợp tác xã bao tiêu cho nông dân còn hơn 90% chưa bao tiêu đầu ra cho nông dân, vì vậy muốn đảm bảo đầu ra cho nông dân cần nâng cao năng lực của hợp tác xã trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không thể cấp giấy chứng nhận sản phẩm cho 13 triệu nông dân để đưa hàng hóa vào siêu thị mà phải thông qua hợp tác xã ở các khâu từ việc bảo đảm giống, chất lượng sản phẩm, bao tiêu sản phẩm. Như vậy, mô hình được liên kết của nông dân nhiều hơn chính là hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ đưa nông dân vào thành nhóm và có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với các doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Phan Văn Sáu khẳng định, nếu sắp tới, chúng ta không tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo cách đi mới thì khó có thể giúp người nông dân nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh khi thời điểm Việt Nam hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới đang đến rất gần.
Theo CPV
Ý kiến ()