Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Cần có sự liên kết trong phát triển các làng nghề truyền thống
Ngày 18/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác đã đi khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của làng nghề gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khảo sát tại |
Mục đích của chuyến khảo sát nhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của các làng nghề, từ đó đề xuất hướng phát triển của các làng nghề trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã trực tiếp tới thăm, khảo sát các cơ sở sản xuất gốm của gia đình ông Đỗ Hữu Nhâm và Nguyễn Minh Ngọc, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ; các gia đình ông Nguyễn Viết Thạch và Nguyễn Chí Quang làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức. Đây là những cơ sở phát huy tốt truyền thống làng nghề địa phương, có hướng đi phù hợp, sáng tạo, sản xuất những mặt hàng mỹ nghệ, đáp ứng yêu cầu thị trường trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các làng nghề cho thấy, các làng nghề còn chưa khai thác hết thế mạnh để phát triển vững chắc; sản xuất vẫn chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ; đầu vào, đầu ra gặp bấp bênh; chưa chủ động tìm kiến thị trường tiêu thụ; quá trình sản xuất tại các cơ sở còn gặp khó khăn về vốn, thương hiệu…
Đơn cử như làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng là làng nghề làm giàu cho bà con, lượng lao động làm nghề truyền thống lớn, hạn chế được tình trạng ly nông ly hương… nhưng chưa được hưởng cơ chế hỗ trợ. Ví dụ như chưa có nhiều công ty được thành lập vì chính sách thuế chưa thuận lợi. Mặt khác, doanh nghiệp sản xuất đồ thờ mỹ nghệ rất khó khăn trong việc khấu trừ hóa đơn đầu vào, vì vậy nhiều nghệ nhân có trình độ, đủ khả năng nhưng không dám thành lập doanh nghiệp…
Khó khăn của làng nghề Phù Lãng, Sơn Đồng cũng chính là khó khăn chung của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội. Điển hình như tại tỉnh Bắc Ninh, trong 62 làng nghề trên địa bàn tỉnh có 30 làng phát triển tốt nhưng có đến 20 làng nghề hoạt động cầm chừng, có đến 12 làng nghề hoạt động khó khăn có nguy cơ mai một như làng gốm Đoàn Kết, Phấn Trung, làng tranh Đông Hồ, làng Vát làm dao, kéo vì những sản phẩm làm ra không còn phù hợp với thị trường, bị cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm công nghiệp.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, nhiều ý kiến đại diện các cơ sở, các hộ sản xuất làng nghề gốm Phù Lãng, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện phát triển làng nghề như có cơ chế và chính sách ưu đãi cho người dân sản xuất; định hướng quảng bá và giới thiệu về sản phẩm trong và ngoài nước. Tạo điều kiện để các hộ gia đình có đầu ra tiêu thụ sản phẩm mang tính ổn định bền vững. Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật phát huy thế mạnh làng nghề; tạo điều kiện để các hộ tham gia các hội chợ, triển lãm… Đặc biệt, có chính sách phù hợp để người dân được vay vốn để phát triển sản xuất…
Từ thực tế khảo sát tại làng nghề gốm Phù Lãng, làng mỹ nghệ Sơn Đồng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, làng nghề trong xu hướng phát triển có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn không ít khó khăn. Làng nghề truyền thống là tài sản vô giá của quốc gia, nhưng khi hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành chức năng và nỗ lực vươn lên của những người làm nghề thì nguy cơ làng nghề bị mai một rất lớn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khảo sát tại |
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề, muốn phát triển làng nghề, cần thảo luận, phối hợp để đặt làng nghề trong bối cảnh mới, gắn với các yếu tố truyền thống. Để các làng nghề phát triển, không thể chỉ tiêu thụ hàng hóa trong nước mà còn phải xuất khẩu sang các nước trong khu vực và quốc tế. Các cơ sở sản xuất cần tìm hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để hướng tới mục tiêu sản xuất và cạnh tranh lành mạnh.
Từ thực tiễn từ làng nghề Phù Lãng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, rồi đây công nghệ làm gốm có thể thay đổi, chuyển sang nung bằng ga, nhưng sự truyền nghề ở làng gốm là rất quý. Vấn đề đặt ra là liên kết để làm cho hiệu quả. Một hộ thì không thể đảm đương hết các khâu tạo mẫu, bán hàng, tiếp thị… Vì vậy, cần có nghiên cứu về nhu cầu gốm Phù Lãng hiện nay, từ đó có chiến lược để phát triển. Ví dụ gốm Phù Lãng có thế mạnh về gốm tâm linh, cần nghiên cứu đi sâu vào điều này.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Để tạo được sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập thì các cơ sở làng nghề cần được tổ chức lại sản xuất. Không thể để người dân phát triển manh mún mà phải có sự liên kết trong mô hình hợp tác xã hoặc tổ sản xuất để hỗ trợ cho người dân cả về vốn, chủ động về đầu vào nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm cũng như xây dựng và quảng bá sản phẩm của làng nghề. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất cần tìm hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để hướng tới mục tiêu sản xuất và cạnh tranh lành mạnh. Thực tế những khó khăn của làng nghề truyền thống của Việt Nam nói chung đặt ra yêu cầu sản xuất cần có sự liên kết, nghiên cứu, khảo sát thị trường, hỗ trợ trong mô hình hoạt động hợp tác xã hoặc tổ sản xuất, công ty phù hợp để cùng phát triển.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau cuộc khảo sát làng nghề truyền thống này, lần đầu tiên, ngày 20/4 sẽ có một tọa đàm cấp quốc gia về vấn đề phát triển làng nghề truyền thống do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức. Những kiến nghị để phát triển làng nghề sẽ được trình lên Chính phủ trong thời gian tới.
Theo CPV
Ý kiến ()