Đồng chí Lê Văn Lương với Cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên
"Đồng chí Lê Văn Lương là một nhân cách lớn, đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc". Đây là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo "Đồng chí Lê Văn Lương với Cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên" diễn ra ngày 22/3 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912- 28/3/2012). Hội thảo do Tỉnh uỷ Hưng Yên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành uỷ Hà Nội tổ chức. Đồng chí Đinh Thế Huynh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo. Phát biểu khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến lớn của đồng chí Lê Văn Lương đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và...
“Đồng chí Lê Văn Lương là một nhân cách lớn, đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Đây là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo “Đồng chí Lê Văn Lương với Cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” diễn ra ngày 22/3 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912- 28/3/2012).
Hội thảo do Tỉnh uỷ Hưng Yên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành uỷ Hà Nội tổ chức. Đồng chí Đinh Thế Huynh – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến lớn của đồng chí Lê Văn Lương đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong bối cảnh các cấp ủy Đảng đang nhanh chóng tích cực triển khai, quyết tâm đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống, những vấn đề được bàn luận trong Hội thảo sẽ làm tăng thêm động lực tinh thần, góp phần động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, hăng hái thi đua học tập, nghiên cứu, sản xuất; thực hành sáng tạo, làm nhiều việc tốt. Đồng thời, Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại biểu đã phân tích làm rõ nhiều khía cạnh trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Văn Lương như: Những yếu tố hình thành nhân cách, lý tưởng, tấm gương đạo đức trong sáng của đồng chí Lê Văn Lương; những cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những đóng góp tích cực về tư tưởng, tổ chức của đồng chí ở các lĩnh vực, tình cảm của đồng chí dành cho quê hương Hưng Yên… Từ nhiều góc độ khác nhau, các bài tham luận đã làm rõ những nhân tố khách quan, chủ quan, làm nên lý tưởng và nhân cách cao đẹp của đồng chí Lê Văn Lương. Đó là sự kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, quê hương, truyền thống gia đình và tinh thần yêu nước, đạo đức cách mạng trong sáng của bản thân đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng dân tộc.
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh trưởng trong một gia đình nho học tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương, dân tộc, ngay từ khi còn trẻ tuổi, đồng chí Lê Văn Lương đã giác ngộ cách mạng và tham gia các hoạt động yêu nước. Đồng chí được Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách: Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ năm 1945, Bí thư Văn Phòng Thường vụ Trung ương Đảng năm 1947, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 1948 đến năm 1954 và từ năm 1973 đến năm 1976, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương từ năm 1949 đến năm 1956, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 1957- 1959, Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 1976 đến năm 1986. Đồng chí Lê Văn Lương là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, khóa IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa III; là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên khẳng định: Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, với gần 15 năm bị thực dân giam cầm, bị tra tấn dã man, tàn bạo, bị đầy đoạ khắc nghiệt trong xà lim, án chém, đồng chí Lê Văn Lương luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí đã để lại những tình cảm tốt đẹp đối với đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân.
Tự hào là miền quê văn hiến và cách mạng, tỉnh Hưng Yên đang nỗ lực cùng cả nước đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đạt được những thành tựu ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên luôn tri ân những đóng góp to lớn cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho công cuộc đổi mới đất nước của thế hệ cha anh đi trước, nhất là những người con Hưng Yên đã góp phần làm rạng danh cho đất nước, quê hương như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()