Đồng chí Hoàng Văn Thụ với những hoạt động yêu nước đầu tiên
(LSO) – Đồng chí Hoàng Văn Thụ – người chiến sỹ cộng sản tiền bối của cách mạng Việt Nam, thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí là những trang sử vàng, mãi khắc ghi trong lòng mỗi chúng ta. Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, một trong những dấu ấn nổi bật, đậm nét là những hoạt động yêu nước đầu tiên của Hoàng Văn Thụ, cơ sở tiền đề đi tới con đường cách mạng của Đảng, của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu hy sinh vì quê hương, đất nước.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4/11/1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học được mọi người yêu mến. Ở nhà, Hoàng Văn Thụ được cha dạy học chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Là người hiếu học, ham hiểu biết, nhanh nhập tâm những điều cha dạy, anh sớm có tinh thần yêu nước, đấu tranh chống áp bức, bất công của chế độ phong kiến thực dân, được gia đình cho đi học tại trường làng mang tên “Đon Đình Biên”.
Học sinh tìm hiểu về ý nghĩa các bức ảnh và hiện vật tại Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ảnh: TUYẾT MAI
Bước sang tuổi thiếu niên, với tính cách thông minh, có chí khí, anh được ra thị xã Lạng Sơn học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt và trọ ở nhà một người bạn của cha số 8 phố Chính Cai, Kỳ Lừa. Khi học ở trường, Hoàng Văn Thụ được học các môn: Lịch sử, Địa lý nước Pháp, Văn học Pháp, Toán, Tiếng Pháp và một số môn bằng chữ Quốc ngữ. Từ những điều anh được học, chứng kiến tại sao người Pháp nói văn minh, tự do, bình đẳng, bác ái mà nhiều người Pháp lại đối xử bất công, tàn bạo với người dân Việt Nam, từ những trăn trở ấy, Hoàng Văn Thụ đã suy nghĩ phải làm gì để giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Đồng thời, chứng kiến nhiều biến động của phong trào yêu nước đang diễn ra khắp cả nước đã tác động mạnh mẽ tới tư tưởng Hoàng Văn Thụ. Ngoài giờ học, anh đã gặp gỡ, trao đổi với một số thanh niên cùng tư tưởng với mình bàn biện pháp đấu tranh cách mạng, cùng soạn một số truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền chống lại áp bức của thực dân phong kiến; tham gia cuộc đấu tranh của thanh niên học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925) và để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (năm 1926). Các hoạt động này là cơ hội để Hoàng Văn Thụ sớm hòa nhập, tham gia vào các hoạt động đấu tranh yêu nước đầu tiên tại Lạng Sơn. Sau đó, Hoàng Văn Thụ về Hà Nội tìm hiểu phong trào đấu tranh cách mạng, gặp được Hoàng Đình Giong, một thanh niên yêu nước ở Cao Bằng đã từng thi ở Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn. Trò chuyện với nhau, anh cho biết: Tại Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đang mở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng… Nghe vậy, Hoàng Văn Thụ tâm niệm phải học tập theo gương anh Hoàng Đình Giong.
Mùa hè năm1927, Hoàng Văn Thụ tốt nghiệp Trường Tiểu học Pháp – Việt, về quê gặp lại cha mẹ, anh nói đã học xong và thi đỗ vào trường đào tạo ký ga xe hỏa Hà Nội cần đi học gấp, cha mẹ rất vui thu xếp cho anh đi học. Từ đây, Hoàng Văn Thụ đã sắp đặt một lộ trình mới, bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng cứu nước, giải phóng dân tộc.
Tháng Giêng năm 1928, Hoàng Văn Thụ đã bí mật sang Trung Quốc, bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ở Long Châu – Nam Ninh (Trung Quốc). Những ngày bỡ ngỡ trên đất khách quê người, biết bao gian truân, thử thách với người thanh niên mới 18 tuổi chưa từng xa nhà, mặc dù vậy anh vẫn không nản chí. Bằng mọi cách, anh đã đánh lạc hướng sự chú ý, kiểm soát của chính quyền khi Quốc dân Đảng Trung Quốc tiến hành khủng bố những người cách mạng Trung Quốc và Việt Nam hoạt động ở Quảng Đông và Quảng Tây. Cuối cùng anh đã gặp được tổ chức cách mạng. Trước mắt, Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ vận động cách mạng ngay vùng biên giới Việt – Trung. Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, năm 1929, anh được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Từ khi được kết nạp vào Đảng, con đường tham gia cách mạng của Hoàng Văn Thụ đã chuyển sang một lộ trình mới – con đường cách mạng chân chính, cứu nước, giải phóng dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bước khởi đầu đến với cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đưa người thanh niên dân tộc Tày tới lý tưởng cộng sản, từ một học sinh trường làng, quyết thoát ly hoạt động như các nhà cách mạng thực thụ. Tuổi trẻ và những hoạt động yêu nước đầu tiên của Hoàng Văn Thụ là những bước đi vững chắc, toàn tâm, toàn ý phụng sự cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, tiến bước vững vàng dưới ngọn cờ của Đảng, trên con đường đấu tranh oanh liệt, hiển hách và vinh quang. Đồng chí đã làm rạng danh cho quê hương Xứ Lạng, mãi mãi là niềm tự hào, niềm cổ vũ lớn lao cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trần Thị Thu Huyền (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến ()