Đồng chí Hoàng Văn Thụ trên cương vị là bí thư chi bộ đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn
(LSO) – Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng phát triển rộng khắp cả nước. Giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ tới xã Thụy Hùng (Văn Uyên, Lạng Sơn) tổ chức kết nạp các quần chúng trung kiên vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Thụy Hùng, do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp làm Bí thư Chi bộ.
Chi bộ Đảng Thụy Hùng thành lập là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Văn Uyên và cũng là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. Chi bộ Đảng ở Thụy Hùng không chỉ đảm nhận trách nhiệm chỉ đạo phong trào cách mạng ở Văn Uyên mà còn đảm nhận vai trò làm nòng cốt lãnh đạo, tổ chức xây dựng phong trào cách mạng trong toàn tỉnh Lạng Sơn.
Chi bộ Đảng Thụy Hùng thành lập là cột mốc đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Từ đây, trên cương vị là Bí thư Chi bộ đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng với tập thể Chi bộ Thụy Hùng đảm nhận vai trò làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng toàn tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.
Cán bộ phụ trách Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các hiện vật cho học sinh. Ảnh: TUYẾT MAI
Sau khi ra đời, Chi bộ Đảng Thụy Hùng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề ra nhiệm vụ: tiếp tục vận động, tổ chức quần chúng ở Văn Uyên tham gia phong trào cách mạng, phát triển mở rộng những cơ sở quần chúng trung kiên, mở rộng phạm vi hoạt động của Đảng; thiết lập những con đường giao liên bí mật, tạo điều kiện cho cán bộ của Đảng ta đi lại hoạt động giữa hai vùng biên giới Việt – Trung; đẩy mạnh tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng ra nhiều địa bàn khác, tiến tới phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng của quần chúng trong toàn tỉnh.
Giữa năm 1934, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn được thành lập trên cơ sở nòng cốt là Chi bộ Thụy Hùng phát triển mở rộng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng phân công phụ trách Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn. Sau khi thành lập, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã tổ chức vận động nhiều quần chúng ở Văn Uyên, Thất Khê sang Long Châu (Trung Quốc) dự các lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày; đồng thời chỉ đạo kịp thời các cơ sở quần chúng cách mạng ở Văn Uyên thiết lập hệ thống các trạm liên lạc bí mật từ Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Thanh tới Tân Yên, Thụy Hùng, Phú Xá… mở ra đường dây an toàn cho việc đi lại hoạt động của các đồng chí cán bộ Đảng, góp phần tích cực trong việc đưa, đón, bảo vệ an toàn cho các đại biểu đi dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, Trung Quốc.
Trong những năm 1936 – 1938, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ về tiếp tục củng cố, phát triển phong trào cách mạng ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng núi biên giới, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp tới Bắc Sơn, Tràng Định để tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng các cơ sở quần chúng cách mạng. Sau một thời gian ngắn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp bồi dưỡng, kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ đảng ở Bắc Sơn (tháng 9/1936) và Tràng Định (tháng 4/1938).
Từ giữa năm 1938, do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Xứ ủy Bắc Kỳ đã điều động đồng chí Hoàng Văn Thụ về công tác tại Xứ ủy Bắc Kỳ, đảm nhận nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ, chỉ đạo việc củng cố, khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Hải Dương…
Từ giữa năm 1933 đến giữa năm 1938, trên cương vị là Bí thư chi bộ đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc vận động, gây dựng, phát triển phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Từ cơ sở đảng ban đầu là Chi bộ Thụy Hùng (Văn Uyên), đồng chí đã tích cực vận động, gây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng sang các huyện Bắc Sơn, Tràng Định. Thiết lập những con đường giao liên bí mật, tạo điều kiện cho cán bộ của Đảng đi lại hoạt động giữa hai vùng biên giới Việt – Trung, góp phần tích cực trong việc đưa đón, bảo vệ an toàn các đại biểu đi dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ; góp phần khích lệ tinh thần cách mạng, tập dượt đấu tranh chính trị cho quần chúng, chuẩn bị cơ sở cho những cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù trong giai đoạn cách mạng thực hiện nhiệm vụ đánh Pháp, đuổi Nhật, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước (1939 -1945).
Vương Văn Hoà (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)
Ý kiến ()