Dòng chảy Phương Bắc 1 dừng vận hành - EU “nín thở”
Ngày 11-7, hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức đã bắt đầu ngừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ. Theo kế hoạch, thời gian bảo dưỡng kéo dài 10 ngày.
Công việc bảo dưỡng hằng năm đối với Dòng chảy Phương Bắc 1 vốn dĩ đã được lên kế hoạch từ rất lâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn và quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga đang xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, thì không ai dám khẳng định dòng khí đốt từ Nga có được nối lại hay không sau quãng thời gian này.
Tiếp nối những gói trừng phạt mà các nước trong Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với ngành năng lượng của Nga, căng thẳng về nguồn cung khí đốt sang châu Âu tiếp tục gia tăng kể từ giữa tháng 6, khi Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom thông báo cắt giảm lượng khí đốt cung cấp theo đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 vì thiếu thiết bị tua-bin khí do Siemens sản xuất, vốn đã được đem đi bảo trì ở Canada.
Các đường ống tại cơ sở ở Lubmin (Đức)-nơi đón nhận khí đốt từ Dòng chảy Phương Bắc 1. Ảnh: Reuters |
Thiết bị này không được đưa trở lại để lắp đặt vào hệ thống do vấp phải lệnh trừng phạt mà Canada áp dụng đối với ngành năng lượng của Nga.
Dòng chảy Phương Bắc 1 là đường ống dẫn khí đốt dưới biển dài nhất thế giới, chạy qua biển Baltic từ Nga đến Đức và đã hoạt động được một thập kỷ. Thông tin trên trang web của Nord Stream cho hay, khí đốt từ Nga được vận chuyển đến thị trấn Lubmin (Đức), rồi từ đó tiếp tục được chuyển đến Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh và Hà Lan.
Như vậy, nguồn cung khí đốt từ Nga có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hàng loạt quốc gia EU cho dù các nước trong khối đã và đang tích cực tìm kiếm mọi nguồn cung thay thế cũng như triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng tối đa.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện hữu, nhiều tuần qua, chính quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nỗ lực thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để rồi mãi đến ngày 9-7, Ottawa mới đồng ý cấp giấy phép đặc biệt đưa tua-bin trở lại hệ thống ống dẫn.
Người phát ngôn của Thủ tướng Olaf Scholz hôm 10-7 đã “hoan nghênh quyết định của những người bạn Canada” khi cấp giấy phép đặc biệt cho tua-bin này. Bởi lẽ trước đó, Gazprom đã nhấn mạnh việc đưa tua-bin trở lại hệ thống là bắt buộc để Gazprom có thể tăng nguồn cung khí đốt trở lại sau vài tuần cắt giảm tới 60% lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1.
Phản ứng trước việc Ottawa cho phép đưa tua-bin khí trở lại, Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Ukraine bày tỏ sự thất vọng và đề nghị Chính phủ Canada đảo ngược quyết định trên. Tuy nhiên, phản ứng của Kiev không làm thay đổi thực tế, bởi lẽ nếu không có nguồn khí đốt cần thiết, không chỉ Đức-nền kinh tế đầu tàu của châu Âu-mà nhiều quốc gia EU khác sẽ phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng.
Song dường như các nỗ lực đưa tua-bin khí trở lại hệ thống của Berlin chẳng mấy ý nghĩa khi ngày 11-7, Dòng chảy Phương Bắc 1 vẫn dừng vận hành như đã định. Điều đó cũng có nghĩa là trong suốt 10 ngày bảo dưỡng, nguồn khí đốt từ Nga sang Đức sẽ bị ngừng hoàn toàn.
Phát biểu với phóng viên báo chí, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với một tình huống chưa từng có-bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra… Có thể nguồn khí đốt sẽ được cung cấp trở lại, thậm chí với công suất cao hơn trước… Có thể không có gì xảy ra và chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Còn người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức Klaus Mueller cảnh báo: “Nếu chúng tôi không còn nhận được khí đốt của Nga… thì lượng dự trữ hiện tại sẽ chỉ đủ cho một hoặc hai tháng”. Các dữ liệu từ thực tế đang chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có nguy cơ trầm trọng hơn khi chỉ còn vài tháng nữa là khu vực này bước vào mùa đông lạnh giá.
Theo ước tính của hiệp hội đại diện cho 3.000 công ty nhà ở của Đức, giá năng lượng tăng cao khiến mỗi hộ gia đình ở Đức sẽ phải chi thêm tới 3.800 euro (3.870USD) cho năng lượng trong năm tới. “Chúng ta đang nói về sinh kế của các hộ gia đình. Các chính trị gia cần phải hiểu điều đó”, tờ DW dẫn tuyên bố của Hiệp hội các công ty nhà ở bang Sachsen (Đức).
Còn Chủ tịch Hiệp hội các phòng thương mại và công nghiệp Đức Peter Adrian thì cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng lần này có thể kích hoạt một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở khu vực EU.
Giá năng lượng tăng cao là một trong những nguyên nhân thúc đẩy lạm phát tại nhiều quốc gia EU tăng lên mức kỷ lục. Thời gian qua, chính phủ nhiều nước EU buộc phải kêu gọi người dân cắt giảm lượng tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng.
Ý kiến ()