Đồng bộ trong chuyển đổi số tại các cơ quan đảng
NGUYỄN QUANG HUY, Tỉnh uỷ viên, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ
– Trong những năm qua, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ tạo ra những thay đổi lớn trong mọi mặt đời sống xã hội. Chuyển đổi số là thành tố quan trọng hàng đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi những giá trị mà nó có thể mang lại như nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết giảm nhân công… những giá trị này phát triển theo hàm số mũ chứ không phải tuyến tính, nghĩa là rất nhanh. Nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xác định rõ quá trình chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong các cơ quan đảng của tỉnh nói riêng là một quá trình không thể đảo ngược, là tất yếu khách quan để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại biểu tham dự Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Lạng Sơn, nhiệm kỳ 2022 – 2027 điểm danh bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong năm 2022 tại các cơ quan đảng đã đạt được những kết quả rất tích cực. Cụ thể, về hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Tích hợp dữ liệu của Tỉnh uỷ được đầu tư xây dựng, bổ sung, nâng cấp đáp ứng nhu cầu vận hành, khai thác sử dụng các cơ sở dữ liệu (CSDL), các hệ thống thông tin chuyên ngành, các ứng dụng dùng chung… và hiện đang hướng đến phấn đấu xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu đạt chuẩn Tier II vào năm 2025. Hệ thống đường truyền chuyên dùng sử dụng để kết nối đến các cơ quan, đơn vị phục vụ cho mạng diện rộng của Đảng với các giải pháp đảm bảo bảo mật, an toàn, an ninh thông tin theo quy định do Cục Cơ yếu Đảng, chính quyền hỗ trợ triển khai đã được kết nối đến 100% các đầu mối và liên thông với khối chính quyền. Đây là hạ tầng quan trọng cho chuyển đổi số vì các ứng dụng, CSDL cần phải đảm bảo “sống”, “sạch” nên cần phải được cập nhật, bổ sung kịp thời.
Về triển khai các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng dùng chung, các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng dùng chung do các cơ quan đảng trung ương chuyển giao luôn được Tỉnh ủy quan tâm thực hiện triển khai đầy đủ, có hiệu quả. Song song với đó, Tỉnh ủy đã và đang xây dựng, phát triển một số hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, cơ quan đảng thuộc Đảng bộ tỉnh như: nền tảng tích hợp liên thông chia sẻ dữ liệu và nền tảng đăng nhập một lần (SSO), phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan khối đảng, đoàn thể của tỉnh và cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; phần mềm tổng hợp thông tin báo cáo; Kho lưu trữ điện tử Tỉnh uỷ; nền tảng số sổ tay đảng viên điện tử; Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh và các trang thông tin điện tử thành phần; hệ thống báo cáo công tác đảng và nhiều phần mềm phục vụ công tác chuyên môn khác… Thực hiện phân tách 2 hệ thống xử lý và gửi nhận văn bản trên 2 môi trường mạng: sử dụng Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp (Lotus Notes) trên mạng thông tin diện rộng của Đảng để xử lý, gửi nhận văn bản mật có trang bị giải pháp bảo mật BMVNP2 của Ban Cơ yếu Chính phủ đảm bảo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) trên mạng Internet để xử lý, gửi nhận văn bản thường, đảm bảo cho người sử dụng có thể khai thác, xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi trên cả giao diện web và điện thoại thông minh, đồng thời tích hợp, liên thông dữ liệu với Kho lưu trữ điện tử Tỉnh uỷ. Qua đó, đã tăng cường hiệu quả khai thác, quản lý dữ liệu, hiệu suất làm việc của đội ngũ cán bộ văn thư và giảm các chi phí văn phòng phẩm, gửi nhận văn bản giấy, tiết kiệm tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng (trong 1 năm thực hiện).
Cán bộ, công chức Phòng Cơ yếu – CNTT, Văn phòng Tỉnh ủy thực hiện công tác quản trị, vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu Tỉnh ủy
Việc phát triển và số hoá cơ sở dữ liệu là nội dung quan trọng được quan tâm hàng đầu và thực hiện thường xuyên với kế hoạch, lộ trình, nguồn lực cụ thể để trong thời gian ngắn nhất, sớm nhất có thể số hóa xong các dữ liệu cần thiết, quan trọng. Từ tháng 8/2022, có 20 loại văn bản của đảng thực hiện 100% gửi, nhận qua mạng diện rộng của Đảng và trên mạng Internet ở cấp tỉnh, được ký số và được số hóa tự động đưa vào Kho lưu trữ điện tử Tỉnh ủy; phấn đấu đến giữa năm 2023 sẽ đạt được tỷ lệ này ở cấp huyện và cấp xã.
Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin luôn được quan tâm, chú trọng. Hệ thống mạng thông tin diện rộng của Đảng bảo đảm độc lập, tách biệt với mạng Internet, mô hình kết nối mạng, chính sách an ninh được thực hiện theo hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng và Cục cơ yếu Đảng, chính quyền. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã triển khai 391 sản phẩm bảo mật BMVNP2 tạo vùng LAN mật trên Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan đảng cấp tỉnh, cấp huyện; 200 thiết bị lưu trữ an toàn DC02-M.19 đảm bảo việc thực hiện sao chép tài liệu giữa máy tính kết nối mạng thông tin diện rộng của đảng và mạng Internet theo quy định. Dự kiến đến hết 2022 sẽ triển khai được 591 sản phẩm bảo mật BMVNP2; 582 thiết bị lưu trữ an toàn DC02-M.19 và 18 máy tính an toàn đa giao diện.
Đồng thời, công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số luôn được quan tâm thực hiện. Văn phòng Tỉnh uỷ thường xuyên triển khai, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản trị hệ thống, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với cán bộ quản trị mạng, phụ trách công nghệ thông tin các huyện uỷ, thành uỷ và các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin đối với đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức được 19 lớp đào tạo, bồi dưỡng với tổng số 1.090 lượt cán bộ, công chức tham gia.
Với những kết quả đạt được nêu trên, từ năm 2019 đến nay, Lạng Sơn luôn nằm trong top 15 tỉnh uỷ, thành uỷ đứng đầu xếp hạng chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin ICT-Index các cơ quan đảng; riêng năm 2021 theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, Lạng Sơn đứng vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về công tác chuyển đổi số.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, việc triển khai chuyển đổi số nhanh và bền vững cũng gặp không ít khó khăn và thách thức.
Thứ nhất là nguồn nhân lực triển khai, đây là khó khăn đầu tiên và lớn nhất, hiện khối đảng mới có 4 chuyên viên chuyên trách nhiệm vụ ở cấp tỉnh; 10/11 huyện ủy, thành ủy do nhân viên cơ yếu kiêm nhiệm công nghệ thông tin, chỉ có 1 đơn vị có chuyên viên chuyên trách. Nguồn lực để triển khai còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đòi hỏi (mới đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu) trong khi yêu cầu quan trọng là triển khai phải đồng bộ thì mới phát huy được hiệu quả.
Thứ hai là tâm lý ngại chuyển đổi sang cái mới, do nếp cũ đã hình thành lâu năm, khó thay đổi. Bên cạnh đó do đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, chất lượng cán bộ chưa đồng đều nhất là ở cấp xã nên khả năng tiếp thu, tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế; có lúc, có nơi, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện cũng là một trở lực làm chậm quá trình chuyển đổi số của địa phương.
Thứ ba là sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm công nghệ, tốc độ số hoá ngày càng nhanh dẫn đến hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng và đồng bộ kịp thời, các nguy cơ về mất an toàn, an ninh thông tin, nguồn vốn đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn hạn chế so với nhu cầu.
Thứ tư là một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng, chưa xác định được bài toán cụ thể về chuyển đổi số của ngành mình, lĩnh vực chuyên môn được giao một cách đồng bộ, thống nhất dựa trên yêu cầu thực tế của công việc. Vẫn còn tâm lý e ngại, chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp, điều hành.
Với những khó khăn, thách thức nêu trên, trong thời gian tiếp theo, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyển đổi số cần phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nhận thức về công nghệ đối với đội ngũ, cán bộ, công chức các cơ quan đảng và coi đây là nhiệm vụ cốt lõi; xây dựng, triển khai, vận hành các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng là nhiệm vụ trọng tâm; phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ nền tảng; số hoá dữ liệu là nhiệm vụ cấp bách; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là nhiệm vụ thường xuyên; ứng dụng các công nghệ mới là nhiệm vụ, giải pháp đột phá. Từ đó, tập trung triển khai các hạng mục, công việc về công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của trung ương, của tỉnh và thực tiễn đặt ran.
Ý kiến ()