Đồng bộ hóa khung pháp luật về hoạt động bảo hiểm tiền gửi
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận thông lệ quốc tế.Đó là ý kiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra tại báo cáo thẩm tra về Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình tại hội trường sáng 2-11.Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 Chương và 47 điều, gồm Chương I về các quy định chung; Chương II các quy định về quyền, trách nhiệm của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Chương III quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi; Chương IV quy định về tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Chương V quy định hoạt động thông tin báo cáo; Chương VI về thanh tra, khiếu nại tố cáo về bảo hiểm tiền gửi; Chương VII quy định điều khoản thi hành.Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi xác định rõ cơ quan...
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận thông lệ quốc tế.
Đó là ý kiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra tại báo cáo thẩm tra về Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình tại hội trường sáng 2-11.
Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 Chương và 47 điều, gồm Chương I về các quy định chung; Chương II các quy định về quyền, trách nhiệm của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Chương III quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi; Chương IV quy định về tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Chương V quy định hoạt động thông tin báo cáo; Chương VI về thanh tra, khiếu nại tố cáo về bảo hiểm tiền gửi; Chương VII quy định điều khoản thi hành.
Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, đó chính là Ngân hàng Nhà nước tại Khoản 2 Điều 8. Đồng thời, dự thảo Luật xác định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước tại Điều 9.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng theo mô hình bảo hiểm tiền gửi chi trả với quyền hạn mở rộng, theo đó, dự thảo Luật tiếp tục trao cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chức năng giám sát từ xa trên cơ sở các thông tin nhận được từ Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Cũng để khắc phục những hạn chế của quy định pháp luật về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định không bảo hiểm cho tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Hơn nữa, việc bảo hiểm tiền gửi cho cả tổ chức không phù hợp với mục tiêu bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin.
Về hình thức pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thành lập, thực hiện chế độ, chính sách về bảo hiểm tiền gửi, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Nhằm tránh rủi ro hao tổn quỹ bảo hiểm tiền gửi, gây tác động xấu đến hiệu quả của hệ thống bảo hiểm tiền gửi, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi chỉ cho phép “Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định về chế độ tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.” (Điều 32) mà không cho phép tổ chức bảo hiểm tiền gửi được mở tài khoản và gửi tiền tại tổ chức tín dụng nhà nước như quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi.
Dự thảo Luật không quy định một mức phí hay một khung phí cứng mà trao thẩm quyền quy định phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một cơ quan hành pháp.
Nhằm đảm bảo tính linh hoạt khi áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, dự thảo Luật không quy định một mức phí hay một khung phí cứng mà trao thẩm quyền quy định phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một cơ quan hành pháp.
Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.
Ủy ban Kinh tế thống nhất tiếp tục giữ mô hình bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như hiện nay, do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Về mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, dự án Luật quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền và tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt, thanh lý, xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ (Điều 13). Theo nhiệm vụ trên, tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng.
Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, mô hình hoạt động bảo hiểm tiền gửi giảm thiểu rủi ro là mô hình phù hợp với các quốc gia có Ngân hàng Trung ương độc lập, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước; hệ thống tổ chức tín dụng quốc gia phát triển ở trình độ cao; đồng thời tổ chức bảo hiểm tiền gửi bảo đảm năng lực tài chính và nguồn lực dồi dào. Như vậy, mô hình bảo hiểm tiền gửi hoạt động với mục đích là nhằm giải quyết đổ vỡ dây chuyền của hệ thống tín dụng.
Trong điều kiện hiện nay Ủy ban Kinh tế đề nghị, quy định bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng là phù hợp với mục đích, sự cần thiết xây dựng Luật đã nêu ở Mục 1.
Theo đó, các chức năng thanh tra tại chỗ, giám sát trực tiếp, chức năng hỗ trợ tài chính, chức năng can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được trao cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể tham gia vào quá trình giám sát từ xa trên cơ sở thông tin nhận được từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, quá trình kiểm soát đặc biệt, thanh lý, xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi… theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, theo Ủy ban Kinh tế, không nên quy định cố định mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong Luật nhằm bảo đảm tính linh hoạt khi thực hiện.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, qua hơn 10 năm thực hiện pháp luật bảo hiểm tiền gửi, Luật Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng dựa trên những nội dung phù hợp, bảo đảm tính kế thừa trong quản lý, đồng thời khắc phục được những thiếu sót, bất cập của pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi, tạo điều kiện tăng cường sự phối hợp, hoạt động hiệu quả của các cấu phần trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia.
Ngoài ra, dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm xây dựng pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của các nước, cũng như tham khảo các hướng dẫn phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của các tổ chức quốc tế, bảo đảm Luật Bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam có sự tương thích nhất định với các chuẩn mực chung của quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()