Đồng bộ giải pháp quản lý, phát triển mã số vùng trồng
– Thời gian qua, cùng với việc xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) nông sản, các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền các địa phương thường xuyên triển khai đồng bộ các giải pháp giám sát, quản lý nhằm duy trì các MSVT. Đồng thời, nhiều tổ sản xuất có diện tích nông sản được cấp MSVT cũng đã có sự giám sát chéo trong việc thực hiện các tiêu chí.
Tràng Định là huyện có số lượng MSVT lớn nhất tỉnh với 101 mã, tương ứng với hơn 500 ha thạch đen. Trong đó tập trung tại các xã như: Kim Đồng, Tân Tiến. Để duy trì các MSVT, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn đến người dân.
Thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định được doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thu mua
Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan cùng chính quyền cơ sở tổ chức trên 80 cuộc tập huấn, tuyên truyền cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch thạch đen theo Nghị định thư về Kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã thực hiện tuyên truyền, giám sát đối với quá trình sản xuất thạch đen của các tổ sản xuất thạch đã được cấp MSVT. Về cơ bản, hiện nay, chất lượng nông sản tại các vùng trồng đều đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh công tác tuyên truyền của cơ quan chuyên môn và chính quyền, từ khi được cấp MSVT, nhiều tổ sản xuất thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định đã có sự giám sát lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Anh Bế Văn Công, Tổ trưởng Tổ sản xuất thạch đen thôn Bản Ca, xã Chí Minh cho biết: Tổ có 51 hộ với diện tích trên 15 ha thạch đen được cấp MSVT. Khi được cấp mã, chất lượng thạch đen của hộ nào kém sẽ ảnh hưởng đến tất cả các hộ còn lại. Các hộ tham gia ý thức rõ điều này nên đều tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các khâu theo nghị định thư. Trong đó, chúng tôi lựa chọn các loại phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để đảm bảo dư lượng các chất trong mức cho phép. Sau khi thu hoạch, kho bãi chứa thạch đen cũng được vệ sinh kỹ để không lẫn tạp chất.
Cùng với huyện Tràng Định, 3 huyện còn lại có diện tích trồng nông sản được cấp MSVT gồm: Bình Gia (cây thạch đen); Chi Lăng (cây na); Văn Quan (cây ớt), phòng NN&PTNT các huyện đều tập trung tuyên truyền đến người dân các quy định về kiểm dịch thực vật theo tiêu chí của các nước nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, OTAS. Bên cạnh đó, các huyện còn vận động các hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất, đồng bộ quy trình sản xuất. Từ đó, dần đáp ứng các tiêu chí cấp MSVT như: diện tích, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…
Người dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng thu hoạch ớt (Vụ ớt năm 2021)
Ông Linh Đức Tiến, Phó Trưởng Phòng NN&PNTT huyện Chi Lăng cho biết: Đối với 4 MSVT na của huyện, đơn vị đã hỗ trợ người dân kỹ thuật, phân bón, bẫy bả ruồi vàng cho bà con nhằm đảm bảo chất lượng nông sản. Ngoài ra, đơn vị đang tiếp tục triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho bà con sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 100 ha để dần hướng đến việc xây dựng các MSVT mới, từng bước đưa sản phẩm ớt xuất khẩu chính ngạch.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), toàn tỉnh hiện có 133 MSVT do Cục Bảo vệ thực vật cấp. Trong đó có 128 MSVT thạch đen, 4 MSVT na và 1 MSVT ớt. Là đơn vị phụ trách quản lý MSVT, chi cục luôn thực hiện sát sao công tác hỗ trợ người dân và quản lý, giám sát việc thực hiện của người dân tại các vùng trồng. Bằng nguồn vốn sự nghiệp, từ năm 2021 đến nay, Chi cục TT&BVTV đã triển khai hỗ trợ xây dựng trên 300 bể chứa bao bì thuốc BVTV nhằm đảm bảo quy trình sản xuất an toàn; cấp hơn 3.000 quyển sổ nhật ký canh tác và 13 biển nhận diện vùng trồng cho bà con trồng thạch đen trên địa bàn các huyện.
Bà Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục TT&BVTV cho biết: Ngoài hỗ trợ duy trì MSVT, đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các tiêu chí về MSVT trong quá trình sản xuất. Đồng thời, phối hợp với phòng NN&PTNT các huyện cùng chính quyền cơ sở tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các MSVT trên địa bàn.
Theo đó, các MSVT được kiểm tra tối thiểu 1 lần/vụ và được thực hiện trước thời điểm thu hoạch, tập trung vào các tiêu chí như: việc ghi chép các tác động lên cây trồng trong quá trình sản xuất; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; các thông tin về sự thay đổi của MSVT (diện tích, người đại diện, số hộ tham gia…). Việc kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những sai sót, đảm bảo chất lượng nông sản luôn đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đối với các vùng trồng không đáp ứng các tiêu chí, đơn vị sẽ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật thu hồi MSVT.
Năm 2022, Chi cục TT&BVTV đang xây dựng, triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cấp MSVT phục vụ cho xuất khẩu đối với nông sản trên địa bàn tỉnh. Việc cấp MSVT được tập trung vào 2 loại nông sản chính gồm thạch đen và ớt với tổng diện tích dự kiến trên 400 ha. Hiện nay, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ thuốc BVTV cho vùng trồng thạch đen và bẫy bả ruồi vàng, biển nhận diện cho vùng trồng ớt.
Cấp MSVT là tiền đề quan trọng cho xuất khẩu chính ngạch nông sản, góp phần rút ngắn các khâu trung gian, đảm bảo đầu ra cho người nông dân. Thực tế còn cho thấy, việc cấp MSVT góp phần quảng bá, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị nông sản. Không chỉ vậy, các giải pháp duy trì MSVT do các cấp, ngành triển khai đã và đang giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Ý kiến ()