Đồng bộ giải pháp hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp
(LSO) – Những năm gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã được triển khai có hiệu quả. Từ đó giúp các HTX nông nghiệp có thêm nguồn lực, động lực, từng bước vượt khó vươn lên.
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 154 HTX nông nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 216 HTX. Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Số HTX nông nghiệp thành lập mới những năm gần đây tăng mạnh, tuy nhiên, quy mô hoạt động của các HTX trong lĩnh vực này vẫn manh mún, nhỏ lẻ, vừa thiếu kinh nghiệm, vừa yếu nguồn lực phát triển. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động trước đó gặp khó khăn như: thiếu vốn, khả năng mở rộng thị trường, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh chưa phù hợp,…
Kiểm tra sinh trưởng đàn ong mật tại HTX Nông nghiệp Quảng Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn
Trước những khó khăn đó, trong những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung, trong đó có các HTX đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Như để tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cuối năm 2014, tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ,với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Qua mỗi năm, quỹ được tỉnh bổ sung kinh phí và đến nay, tổng vốn điều lệ được nâng lên 7,5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã có 30 HTX được vay vốn để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Bế Văn Kiểu, Giám đốc HTX Cường Thịnh, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết: Trước đây, hoạt động chính của HTX là nuôi cá tại hồ Phai Thuống. Tuy nhiên, lòng hồ rộng, việc khai thác “được chăng hay chớ”, có năm thu không đủ bù chi. Năm 2018, được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, HTX đã đầu tư 11 lồng cá. Qua 2 năm triển khai mô hình nuôi cá lồng, thu nhập của HTX đã dần đi vào ổn định. Trừ chi phí, mỗi lồng cá cho thu lãi từ 15 đến 25 triệu đồng/năm.
Cùng với nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, một số HTX trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án phát triển sản xuất tại các xã NTM để đầu tư hoạt động sản xuất. Bên cạnh tháo gỡ khó khăn về vốn, UBND tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX. Cụ thể năm 2018, UBND tỉnh đã hỗ trợ 10 HTX đưa trí thức trẻ có trình độ từ cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ – Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Giai đoạn 2017 – 2020, đã tổ chức được 15 lớp cho trên 1.000 lượt cán bộ quản lý và thành viên HTX. Qua đó, nâng cao kiến thức, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất cho các thành viên HTX.
Bên cạnh các giải pháp trên, những năm gần đây, Liên minh HTX tỉnh cùng một số cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ HTX trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HTX thành viên; hỗ trợ tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cũng như tiếp cận các chương trình dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất,…
Những giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai hiệu quả đã giúp HTX nông nghiệp từng bước vượt khó, vươn lên. Đến nay đã có 30 HTX hoạt động khá tốt, tăng 10% so với năm 2017. Tiêu biểu như HTX thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn; HTX Phượng Hoàng, huyện Chi Lăng; HTX nông sản sạch Tràng Định; HTX An Hồng, thành phố Lạng Sơn… Doanh thu trung bình của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay được 550 triệu đồng/năm, tăng gần 100 triệu đồng so với năm 2017; tạo việc làm cho gần 5.000 lao động, tăng 1.560 lao động so với năm 2017.
Để tạo được sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động, thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực, linh hoạt của mình, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của các cấp, ngành. Từ đó, giúp các HTX phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.
Ý kiến ()