Đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững
LSO-Từ năm 2015 đến hết năm 2016, huyện Hữu Lũng đã có hơn 1.000 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo toàn huyện từ 7.512 hộ xuống còn 6.506 hộ. Đây là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ hỗ trợ thực hiện các dự án đến thực hiện các chương trình phát triển sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi.
Người dân xã Yên Bình chăm sóc cây ăn quả |
Năm 2016, Hữu Lũng đã triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo. Qua đó, huyện đã tạo điều kiện cho 698 hộ nghèo và 227 hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với tổng vốn khoảng 39 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban liên quan, phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện phối hợp cùng các xã theo dõi, giám sát và hướng dẫn bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Cùng với việc hỗ trợ vốn sản xuất cho cá thể hộ gia đình, Hữu Lũng tập trung xây dựng các mô hình kinh tế điểm để nhân rộng. Điển hình như dự án “Hỗ trợ chăn nuôi lợn thịt tại xã Tân Lập” với 30 hộ tham gia. Quá trình chăn nuôi, các hộ được hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, do vậy, hiệu quả chăn nuôi ngày càng cao hơn so với trước đây. Năm 2016, các hộ thực hiện dự án đã xuất bán lợn thịt và thu số tiền lãi gần 232 triệu đồng. Ngoài ra, các mô hình chuyển đổi giống cây trồng cũng được Hữu Lũng triển khai thành công như: trồng keo, bạch đàn tại xã Hòa Thắng; mô hình trồng cây ăn quả tại xã Nhật Tiến và trồng măng Bát độ tại xã Yên Bình.
Ông Hoàng Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết: Là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, do vậy chúng tôi chủ trương thực hiện mô hình kinh tế dễ triển khai, chọn cây trồng quen thuộc với người dân. Từ đó, xã đã quyết định thực hiện mô hình trồng cây măng Bát độ với diện tích 12 ha cho hơn 20 hộ dân tham gia. Đến nay, cây giống đều phát triển tốt, đợi đến ngày thu hoạch.
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo được huyện chú trọng. Nguồn lực có hạn nên huyện ưu tiên đầu tư tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới và bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực. Năm 2016, số lao động có việc làm thường xuyên trong độ tuổi lao động của xã Đồng Tân đạt 92%, xã Minh Sơn đạt gần 95%, đã có 219 người nghèo được hỗ trợ học nghề và 950 người được giới thiệu việc làm.
Ông Đặng Xuân Tuấn, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hữu Lũng cho biết: Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện thường xuyên bám sát thực tế, rà soát số người trong độ tuổi lao động để có kế hoạch đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề hằng năm. Hiệu quả từ các giải pháp giảm nghèo đã cho thấy những chuyển biến tích cực. Từ năm 2015 đến hết năm 2016, toàn huyện có 1.006 hộ thoát nghèo, tương đương với tỷ lệ giảm nghèo gần 4%.
Trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người nghèo; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo… Với những kế hoạch cụ thể, chi tiết, hy vọng trong thời gian tới Hữu Lũng duy trì đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()