Đồng bào Raglai ở Ninh Thuận thờ Bác Hồ
Trong kháng chiến chống quân xâm lược, đồng bào Raglai, huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận “một lòng một dạ” theo Đảng, theo Bác Hồ đã tổ chức nhiều trận đánh khiến quân địch khiếp sợ. Đất nước thống nhất, với lòng biết ơn và kính trọng vị lãnh tụ vĩ đại đã dành cả đời mình cho dân tộc, đồng bào nơi đây đã lập bàn thờ Bác Hồ trong nhà. Giờ đây, việc thờ Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong cộng đồng người Raglai.
Huyện Bác Ái có chín xã, 38 thôn, với gần 27 nghìn người, trong đó, đồng bào dân tộc Raglai chiếm hơn 95%. Nhiều năm qua, trong nhà đồng bào nơi đây đều có đặt bàn thờ cờ Tổ quốc và di ảnh Bác Hồ.
Hằng ngày, trước khi lên rẫy, mỗi hộ dân Raglai đều thắp hương trên bàn thờ di ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc được đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà.
Thăm gia đình ông Chamalé Dâng, ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại, huyện Bác Ái, ông cho biết: “Mọi người thờ Bác Hồ từ lâu rồi, để tỏ lòng biết ơn Bác đã lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng giặc xâm lược và mang lại đời sống no ấm cho dân tộc, cho đồng bào mình. Thờ Bác, là để nhắc nhở mọi người luôn thực hiện lời dạy của Bác, nỗ lực làm nhiều việc tốt, góp sức xây dựng quê hương tươi đẹp hơn”.
Còn bà Pi-năng Thị Nhấm, một người cao tuổi nói: “Không có Bác, bà con cũng không có nhà xây để ở, không có đất để trồng trọt, chăn nuôi, không có cuộc sống tốt như ngày hôm nay. Thờ Bác là để tưởng nhớ công lao to lớn của Bác mà”.
Nhìn di ảnh Bác Hồ được treo ở nơi trang trọng trong mỗi ngôi nhà, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của người dân Raglai dành cho Bác rất nhiều. Trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào, việc thờ Bác là để ghi nhớ công ơn Người, tự hào mình là con cháu Bác Hồ, là cách nhắc nhở bản thân sống tốt hơn. Đồng thời, giáo dục truyền thống, đạo đức một cách thiết thực nhất cho thế hệ sau, cho nên, từ khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chuyển từ “học tập” sang “làm theo”, việc lập bàn thờ Bác Hồ càng được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở huyện Bác Ái trân trọng, tạo nên nét văn hóa tâm linh trong đời sống.
Theo bà Mấu Thị Bích Phanh, Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm chữ viết, sử thi và lịch sử đồng bào Raglai, trong tâm khảm của bà con, Bác là một vị thánh, cho nên việc thờ Bác Hồ luôn được đồng bào trân trọng, gìn giữ và xem như là mỹ tục trong đời sống. Đến Ngày sinh của Bác hay vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhà nhà lại đơm hoa, quả và thắp hương trên bàn thờ để tưởng nhớ Bác. Đối với gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, neo đơn, hằng năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền đều tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ để bà con thay mới và góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong nhiều năm qua. Bà con luôn ghi ơn tạc dạ công đức của Người đã đem lại cho đồng bào.
Bà Mấu Thị Bích Phanh, ở xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận là người dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm và ghi chép lại những nét văn hóa độc đáo của người Raglai về thờ Bác Hồ.
Nhiều thanh niên ở huyện Bác Ái cho hay, mỗi khi nhìn lên bàn thờ cờ Tổ quốc và di ảnh Bác trong nhà mình, bỗng dưng trong mỗi người dâng trào cảm xúc rất mãnh liệt, nhắc nhở đoàn viên, thanh niên phấn đấu suốt đời sống, chiến đấu, lao động, học tập theo tấm gương vĩ đại của Người, để sống đẹp, sống có ích cho quê hương. Vì thế, những năm gần đây, chuyện thanh niên người Raglai đi học cao đẳng, đại học ngày càng nhiều.
Ông Chamalé Dâng phấn khởi khoe: “Hai đứa con mình đều đi học cao đẳng, đại học ở TP Hồ Chí Minh và Quy Nhơn. Mai này, tụi nó sẽ đóng góp nhiều hơn cho quê hương mình giàu thêm, xứng đáng với lời dạy của Bác”.
Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Mấu Thái Phương cho biết, theo phong tục, đồng bào Raglai không thờ ông, bà, cha, mẹ. Khi gia đình có người thân mất, sau thời gian chôn cất từ hai đến ba năm, đồng bào tổ chức làm lễ gọi là “Lễ bỏ mã”, xem như tiễn ông bà về với đất và chấm dứt. Chỉ có thờ Bác Hồ là thờ mãi mãi.
Hòa chung không khí cả nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu, đồng bào Raglai tại huyện Bác Ái tiếp tục tưởng nhớ và bày tỏ tấm lòng biết ơn Người bằng việc đơm nhiều hoa, quả và thắp hương dâng Bác với lòng kính trọng vô ngần. Bởi, giờ đây, trong tâm khảm của mình, họ rất tự hào mình là con cháu Bác Hồ. Đây cũng là hình thức giáo dục cho thế hệ trẻ tiếp tục lưu giữ nét đẹp truyền thống, không ngừng nâng cao nhận thức, nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức để tiếp bước cha anh, làm tốt những lời Bác Hồ đã dạy.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()