Đồng bào dân tộc thiểu số đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Công tác tổ chức, chăm lo Tết cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi được các ngành, các cấp quan tâm và chuẩn bị chu đáo, bảo đảm không có hộ gia đình nào thiếu đói trong dịp Tết. Đồng bào các dân tộc đón Tết Giáp Thìn trong không khí đoàn kết, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Theo Ủy ban Dân tộc, tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi trước, trong và sau Tết cơ bản ổn định. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hỗ trợ, động viên đồng bào đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo đảm, các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện; một số địa phương tổ chức lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm…
Không để đồng bào bị thiếu đói trong dịp Tết
Những ngày trước và trong Tết, nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội đã tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc Tết, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, cán bộ lão thành cách mạng, hưu trí, Mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân ở vùng biên giới… thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc khi Tết đến Xuân về.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp gạo không thu tiền từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2024, như: Xuất cấp 431,955 tấn gạo cho các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Kon Tum (theo Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 1/2/2024); xuất cấp 7.315,335 tấn gạo cho 9 địa phương (Quyết định số 141/QĐ-TTg ngày 2/2/2024); xuất cấp 1.090,035 tấn gạo cho các tỉnh: An Giang, Tây Ninh, Lạng Sơn; xuất cấp 354,555 tấn gạo cho các tỉnh: Quảng Ngãi, Kiên Giang (Quyết định số 146/QĐ-TTg và Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 3/2/2024)…
UBND các cấp đã rà soát chặt chẽ, bảo đảm số gạo hỗ trợ đúng đối tượng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với chủ trương không để đồng bào bị thiếu đói trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi kịp thời tổ chức thăm hỏi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Một số địa phương tổ chức tốt công tác chăm lo Tết cho đồng bào dân tộc thiểu số như tỉnh Gia Lai hỗ trợ cho 990 thôn/làng/ tổ dân phố đồng bào dân tộc thiểu số ăn Tết cổ truyền, cụ thể: Hỗ trợ cho 239 thôn/ làng/ tổ dân phố có số hộ dân tộc thiểu số từ 30 đến 100 hộ, mỗi thôn/làng/tổ dân phố hỗ trợ 5.000.000 đồng; 751 thôn/làng/tổ dân phố có số hộ dân tộc thiểu số trên 100 hộ, mỗi thôn/ làng/ tổ dân phố 7.000.000 đồng với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 6,4 tỷ đồng.
Hay tỉnh Đắk Nông tiếp tục hỗ trợ cho 139 bon/buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mỗi bon/buôn 6.000.000 đồng/buôn ăn Tết cổ truyền; hỗ trợ các trường dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông mỗi trường 4.500.000 đồng; tỉnh Bình Định hỗ trợ cho 121 thôn/ làng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi thôn làng 2.000.000 đồng; tỉnh Quảng Ngãi cấp một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi nhân dịp Tết Nguyên đán…
Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức các đoàn công tác đi thăm, chúc Tết, tặng quà cho người có uy tín, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, gia đình chính sách, công nhân lao động tại 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số 3.378 người có uy tín; 1.630 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, gia đình chính sách, công nhân lao động, tập thể, học sinh nghèo vượt khó bằng nguồn kinh phí xã hội hoá.
Về các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, Ủy ban Dân tộc sẽ đôn đốc các vụ, đơn vị và cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ ngay sau kỳ nghỉ Tết; tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường; quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để bảo đảm hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ theo đúng thời hạn quy định; tham mưu, triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình, chính sách dân tộc đang còn hiệu lực…
Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 giai đoạn II”. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành…
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()