Đồng bào của 13 dân tộc tham gia chương trình “Hương xuân vùng cao”
Gần 100 đồng bào của 13 dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường và khoảng 20 đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La tham gia chương trình “Hương xuân vùng cao”, do Ban quản lý Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại khuôn viên Làng Văn hóa trong tháng 1-2022.
Ban tổ chức sẽ giới thiệu các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực món ngon đầu năm mới, sản vật của các dân tộc, góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào…để đáp ứng yêu cầu của khách tham quan.
Hoạt động chuyên đề “Sắc xuân vùng cao” sẽ tái hiện Lễ Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La. Hạn khuống là lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Thái, lễ này đã có từ rất lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Loại hình nghệ thuật này được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái.
Múa xòe của đồng bào dân tộc Thái tại Làng Văn hóa du lịch các dân tôc Việt Nam. Ảnh: BTC |
Chương trình giới thiệu “Điệu xoè thương nhau” và khúc hát ngày Xuân của người Thái Tây Bắc sẽ là một trong những điểm nhấn của chương trình. Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa, người Thái thường tổ chức múa xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới. Những điệu múa xòe Thái là nét văn hoá tiêu biểu trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của người Thái, một biểu tượng văn hoá của đồng bào vùng Tây Bắc của đất nước.
Đến với chương trình, du khách được tham gia không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động gồm: Bày trí mâm ngũ quả, cành đào; treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày Tết của các dân tộc.
“Bữa cơm đoàn viên” của các dân tộc hoạt động tại Làng cũng chính là hoạt động gắn kết, tăng thêm sự sẻ chia quan tâm giữa du khách và đồng bào các dân tộc.
Vào những ngày cuối tuần trong tháng còn có hoạt động trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: Nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa; giới thiệu quy trình làm bánh, gói bánh, du khách trải nghiệm gói bánh, dạy gói bánh truyền thống và nấu bánh chưng tại các làng Thái (thứ Bảy, Chủ Nhật ngày 22 và 23-1). Bên cạnh đó còn có các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co…
Biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc về mùa xuân, về tình yêu quê hương đất nước và các hoạt động diễn xướng của nhóm đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị về ngày Tết cổ truyền.
Ý kiến ()