Đồng bào công giáo vui tết cổ truyền
LSO-Thành phố Lạng Sơn là nơi có nhiều giáo xứ, giáo dân nhất trong tỉnh. Đức tin và những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt được hòa nhịp trong phong tục, cách vui xuân, đón tết tạo nên lối sống “kính Chúa, yêu nước - tốt đời đẹp đạo” của đồng bào công giáo nói chung và công giáo ở thành phố Lạng Sơn nói riêng.
Gia đình giáo dân Trương Thị Phương Hường chuẩn bị bánh chưng đón tết cổ truyền |
Một mùa xuân nữa lại về. Trong những ngày này, bà con giáo dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn chuẩn bị chào đón năm mới Mậu Tuất với không khí tưng bừng, phấn khởi. Không khí rộn ràng của mùa xuân đã và đang trải khắp thánh đường và các ngôi nhà, ngõ xóm trong các vùng giáo xứ. Trước tết, người công giáo lo dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ Chúa, bàn thờ tổ tiên để thể hiện lòng thành kính Chúa, mong muốn năm mới an lành. Nhà nào cũng chuẩn bị cành đào, cây quất và các loại cây hoa, cây cảnh để trang trí trong nhà.
Cũng như bao nhà khác, cứ ngày 27 hoặc 28 tết, gia đình giáo dân Trương Thị Phương Hường, Giáo xứ Mỹ Sơn lại quây quần gói bánh chưng. Khi luộc bánh, cả nhà cũng thay phiên nhau trông bếp để bánh dẻo ngon. Chị Hường cho biết: “Không chỉ có bánh chưng, gia đình tôi còn làm thêm món ăn cổ truyền như nem, canh xương ninh măng, giò lụa và kho sẵn một nồi cá kho để ăn trong những ngày tết”.
Với người công giáo, năm mới được bắt đầu từ dịp Noel và tính theo lịch dương. Theo họ, Chúa là mùa xuân của nhân loại, năm mới và tết là tận hưởng niềm vui của Chúa ban nên với họ tết cổ truyền cũng mang nhiều ý nghĩa và diễn ra những lễ nghi đặc sắc. Sáng mùng 1 tết, bà con giáo dân tại các giáo xứ dậy rất sớm đến nhà thờ tham dự buổi lễ đầu tiên trong năm mới. Trước thánh đường, họ cầu nguyện, tạ ơn Chúa. Thời khắc tham dự buổi lễ sớm này với người công giáo vô cùng đặc biệt và là dịp để các giáo dân được gặp gỡ, chúc xuân linh mục, chúc nhau những điều tốt đẹp, may mắn và an lành; cầu mong thế giới hòa bình, thịnh vượng, yên vui. Tham dự buổi lễ này, các giáo dân được xin lộc đầu năm tại nhà thờ. Lộc là những lời của Chúa ban mang ý nghĩa tốt lành. Các giáo dân sẽ mang lộc về để tại vị trí trang trọng trong nhà, coi đó như lời dạy của Chúa về cách sống trong năm mới.
Sau ngày mùng 1, mùng 2 Tết, bà con dự lễ cầu cho cha mẹ. Tại đây, các giáo dân gửi tới ông bà tổ tiên của mình những lời nguyện cầu mong các linh hồn sớm được tha thứ tội lỗi đã phạm trên trần gian để được về nơi thiên đàng; cầu cho cha mẹ đang sống luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, vui tươi. Mùng 3 tết, đồng bào công giáo thành phố tham dự lễ thánh hóa công ăn việc làm để nguyện cầu những điều tốt lành, thuận lợi trong làm ăn, công việc.
Trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc, người công giáo thường nghe theo những lời tuyên truyền, nhắc nhở của Giáo hoàng, linh mục giáo xứ sống tốt lành trong năm mới. Linh mục Nguyễn Văn Vinh, Phó xứ Giáo xứ Cửa Nam kể: “Chúng tôi thường nhắc nhở giáo dân trong những ngày tết không vi phạm pháp luật, gây ra những điều tội lỗi. Trong năm mới, ai còn có những thói hư, tật xấu thì phải loại bỏ để sống tốt đời đẹp đạo; nên đi thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc người nghèo, trẻ mồ côi, người nhiễm HIV/AIDS, người già không nơi nương tựa”.
Ông Lăng Văn Thiết, Trưởng Phòng Tôn giáo, Sở Nội vụ cho biết: Trong những năm qua, đồng bào công giáo trên địa bàn thành phố Lạng Sơn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những dịp lễ, tết cổ truyền, bà con giáo dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định ở khu dân cư như: không đốt pháo, không gây mất trật tự công cộng…
Có thể nói rằng, dù vui xuân, đón tết theo những cách rất riêng và đặc biệt song cái tết của đồng bào công giáo ở thành phố Lạng Sơn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Cái tết ấy không những mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc mà còn là thời điểm để người công giáo thể hiện lòng kính yêu Chúa và thể hiện chữ hiếu với ông bà tổ tiên, cha mẹ mình. Đây cũng chính là nét đặc sắc làm phong phú nét đẹp trong tết cổ truyền dân tộc Việt.
Thành phố Lạng Sơn có trên 2.000 giáo dân sinh sống tại các giáo xứ: Cửa Nam, Mỹ Sơn, Ngạn Sơn. Cả tỉnh có khoảng 3.800 giáo dân sống tại 8 giáo xứ trên địa bàn các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Bắc Sơn và thành phố Lạng Sơn. |
HÀ MY
Ý kiến ()