Đồng bào Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận rộn ràng đón lễ hội Katê
Hòa cùng tiếng trống Paranưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt, các chàng trai, cô gái người Chăm trong trang phục truyền thống cất lên lời ca và biểu diễn các điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng.
Sáng 16/10, tại Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Pô Klong Garai (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), hàng nghìn người dân địa phương và du khách đã tham dự Lễ hội Katê truyền thống của đồng bào Chăm, trong đó có người Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Từ sáng sớm, các vị chức sắc cùng đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn tổ chức đoàn rước y trang của các vị thần (được thờ tự tại các đền) lên tháp, sau đó thực hiện nghi lễ mở cửa, tắm và mặc y phục cho tượng thần.
Dưới chân tháp cổ các tín đồ cùng nhau mang lễ vật đã được sửa soạn tươm tất gồm mâm ngũ quả, mâm cơm, gà, rượu, trầu cau, bánh trái… để dâng cúng lên các vị thần, ông bà tổ tiên, cầu mong sức khỏe, thời tiết thuận lợi, mùa màng tươi tốt, gia đình hạnh phúc, ấm no.
Hòa cùng tiếng trống Paranưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt, các chàng trai, cô gái người Chăm trong trang phục truyền thống cất lên lời ca và biểu diễn các điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng làm say đắm du khách.
Tại tháp Po Klong Garai, đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, các chức sắc tôn giáo cùng chung vui với đồng bào Chăm nói chung và đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn nói riêng, tặng quà và chúc các vị chức sắc và người dân hưởng một mùa Katê an lành, vui tươi.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết những năm qua, Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào Chăm nói riêng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, diện mạo các vùng quê ngày càng khởi sắc.
Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, lễ hội của đồng bào Chăm được các cấp, ngành quan tâm bảo tồn, phát huy. Các di tích đền, tháp được trùng tu, bảo tồn.
Các tín ngưỡng, tôn giáo dân tộc được đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật. Công tác giáo dục, chăm sóc y tế, tạo việc làm cho con em đồng bào Chăm luôn được các địa phương chăm lo, giải quyết chu đáo.
Lễ hội Katê năm 2020 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Ninh Thuận thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Katê là lễ lớn và được mong đợi nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn. Đây là dịp để đồng bào Chăm thực hiện lễ nghi cúng kính, tưởng nhớ về tổ tiên, cầu mong các vị thần phù hộ độ trì.
Lễ hội Katê diễn ra trong không gian lớn, bắt đầu từ những hoạt động cúng bái tại đền, tháp đến các ngôi làng và từng gia đình. Đây cũng là dịp để người Chăm xa quê trở về sum họp và quây quần bên người thân, gia đình.
Lễ hội Katê năm nay thu hút đông đảo người dân, các nhà nghiên cứu văn hóa cùng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào Chăm.
Đến với Lễ hội Katê du khách còn có dịp thưởng thức các món ăn truyền thống; tham quan và mua những món đồ lưu niệm, sản phẩm truyền thống của đồng bào Chăm.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 42.600 người Chăm theo đạo Bà la môn. Năm 2017 Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Cùng ngày, Lễ hội Katê năm 2020 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Bình Thuận đã diễn ra tại tháp chính Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Lễ hội diễn ra trang trọng, chu đáo và đặc sắc theo đúng nghi thức tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm.
Ngay từ sáng sớm, các chức sắc tôn giáo cùng đông đảo đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn đã tập trung về sân lễ để tham gia nghi lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư lên tháp.
Dưới sự điều hành của các vị sư cả, chức sắc, dòng người hòa trong tiếng trống rộn ràng, tiếng kèn réo rắt và những điệu múa quạt uyển chuyển nối đuôi nhau kéo dài từ sân lễ lên tháp chính, tiếp nối là các nghi lễ mở cửa tháp chính, nghi thức tắm bệ thờ Linga – Yoni, mặc trang phục và Đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính.
Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận, tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Vì vậy, mỗi Lễ hội Katê, đồng bào người Chăm ở các nơi trong tỉnh cùng mang lễ vật đến cúng kính, cầu mong hạnh phúc, ấm no.
Đây cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Võ Thành Huy cho biết Katê là một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận lựa chọn để phát triển du lịch. Qua 15 năm phục dựng, Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách.
Lễ hội Katê năm nay được coi là hoạt động văn hóa có nhiều ý nghĩa, góp phần chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995- 24/10/2020).
Nối tiếp phần lễ, phần hội với các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như thi đi cà kheo, thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật… Dịp này, du khách còn được tham gia vui chơi, chụp ảnh và tìm hiểu về những nét đặc sắc của văn hóa nghề truyền thống và kiến trúc đền tháp của người Chăm.
Du khách Đặng Thế Mừng đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Lễ hội Katê của người Chăm. Lễ hội này rất ấn tượng và mang tính cộng đồng cao. Được hòa mình vào lễ hội, tôi cảm thấy rất thích thú.”
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, Ban Tổ chức lễ hội đã bố trí nhân viên y tế trực, đặt bàn sát khuẩn nhanh… đồng thời khuyến cáo người dân và du khách phải tự giác, tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bình Thuận hiện có hơn 39.600 người Chăm sinh sống, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… trong đó, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn có khoảng 18.000 người.
Những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh về đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống đồng bào, diện mạo vùng quê Bình Thuận ngày càng khởi sắc./.
Ý kiến ()