Sáng 17-5, Thành đoàn, Hội đồng đội TP Hà Nội tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ – Chủ nhân Thăng Long, lần thứ 12.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tới dự, có các đồng chí: Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện các ban, ngành, đoàn thể TP Hà Nội, cùng một số tổ chức quốc tế.
Tham gia Đại hội có 287 thiếu nhi và 63 phụ trách tiêu biểu, đại diện hơn 70 vạn thiếu nhi Thủ đô. Trong đó, có hơn 200 em đoạt giải cao các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, huyện, thành phố, toàn quốc và quốc tế. Gần 100 em đoạt Huy chương vàng, bạc, đồng trong các hoạt động
văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. 250 em đạt danh hiệu Chỉ huy Đội giỏi, được nhận giải thưởng Kim Đồng… Đại hội là dịp giáo dục thiếu nhi Thủ đô về truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng của dân tộc; khẳng định niềm tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến, tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha anh.
Đại hội tôn vinh 120 đại biểu tiêu biểu, là các tổng phụ trách và thiếu nhi đã có nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào do Hội đồng đội phát động.
Thành ủy Hà Nội đã tặng Đại hội bức trướng mang dòng chữ: Thiếu nhi Thủ đô đoàn kết, vui khỏe, chăm ngoan, học giỏi, xứng danh chủ nhân Thăng Long.
Chiều 17-5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế và Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên – Huế tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Việt – Pháp”.
Triển lãm giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu của bà Đô-mi-ních đờ Mi-xô – Tổng Biên tập Tạp chí Viễn cảnh Việt Nam sưu tầm, sáng tác; chia theo các thời kỳ: Nguyễn Ái Quốc ở Pa-ri; Những dấu ấn Việt Nam – Hồ Chí Minh trên đất Pháp; Tình hữu nghị Pháp – Việt. Nhiều tư liệu, hình ảnh được tác giả khai thác từ tư liệu gốc tại các kho lưu trữ ở Pháp. Đây là hoạt động thiết thực minh chứng sinh động cho quãng thời gian Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Pháp với những hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết nhưng cũng gian truân, hiểm nguy. Bà Đô-mi-ních đờ Mi-xô đã tổ chức 12 cuộc triển lãm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên – Huế. Đặc biệt, năm 2006, bà đã tổ chức triển lãm bộ sưu tầm ảnh, tư liệu về Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngày 17-5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức mít-tinh kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại diện các cơ quan ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; đại diện các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ trí thức, dân tộc, tôn giáo… dự lễ kỷ niệm.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Hà Sơn Nhin, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã ôn lại tiểu sử, thân thế sự nghiệp và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta và đất nước ta; những tình cảm của Người đối với nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng…
Sáng 17-5, tại Khu di tích lịch sử Kim Bình, nơi 59 năm trước đã diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, Huyện ủy, HĐND, UBND và MTTQ huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và đại diện nhân dân xã Kim Bình đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ và báo công với Bác Hồ.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ và dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hóa đã thực hiện tốt phương châm: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tập trung xóa đói, giảm nghèo…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã tổng kết và trao giải thưởng cho 50 tác phẩm báo chí, văn học – nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Như vậy, qua hai đợt thi sáng tác được thực hiện trong hai năm, từ 19-5-2008 đến nay đã có 602 tác phẩm báo chí, văn học – nghệ thuật của các tác giả tham gia. Đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và là Trưởng ban Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Phú Yên đã phân tích và nêu lên những mặt tồn tại của cuộc thi cần được khắc phục.
Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 17 đến 23-5, tại Công viên Trung tâm – Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh (Nghệ An), Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương Nghệ An) phối hợp với Công ty TNHH Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Phát (Saigon Fair) tổ chức hội chợ triển lãm “Giao lưu kinh tế Nghệ An 2010” với chủ đề “Thương hiệu hàng đầu và sản phẩm chiến lược Nghệ An giai đoạn mới”. Tham dự hội chợ có hơn 200 gian hàng của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hội chợ cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại các sản phẩm hàng hóa của Nghệ An.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, nhân kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Mủn-kẹo Ọ-la-bun, Ủy viên Trung ương Đảng NDCM Lào, Bộ trưởng Thông tin và Văn hóa Lào đã viết bài “Học tập đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đăng trên báo Pa-xa-xôn ngày 14 và 17-5.
Bài báo viết: “Kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nhân dân Việt Nam, giai cấp công nhân và những người cộng sản quốc tế, nhân dân Lào đã tổ chức nhiều hoạt động ôn lại công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng kiệt xuất và lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế, người tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương – tiền thân của Đảng CS Việt Nam, Đảng NDCM Lào và Đảng Nhân dân Cam-pu-chia ngày nay. Nhân sự kiện quan trọng này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu, học tập và làm theo tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi việc học tập này là nhiệm vụ bắt buộc của mọi cán bộ, đảng viên”.
Đồng chí Mủn-kẹo Ọ-la-bun đã trích dẫn lời Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản ngày 5-9-1969: “Đồng chí Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xứng đáng với tên gọi là nhà yêu nước vĩ đại, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, là nhà Mác-xít – Lê-nin-nít kiệt xuất và lỗi lạc, là chiến sĩ kiên cường và sắc bén của phong trào hoạt động cộng sản quốc tế, là bạn chiến đấu thân thiết nhất của nhân dân Lào và các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập và tự do”.
Theo phóng viên TTXVN tại Băng-cốc (Thái-lan), nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới sự kiện Thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, Hội Văn hóa Thái-lan – Việt Nam phối hợp Bộ môn Tiếng Việt, Khoa Ngữ Văn, Trường đại học Chu-la-long-con, ngày 16-5 tổ chức Triển lãm – Hội thảo – Mạn đàm với chủ đề “Bác Hồ – Vĩ đại trong sự giản dị” tại Viện Prít-đi Pha-nôm-dông ở Thủ đô Băng-cốc.
Với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu của Thái-lan và Việt Nam về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội thảo và triển lãm đã giới thiệu với bè bạn Thái-lan và quốc tế hình ảnh về Bác Hồ – một nhân cách giản dị mà vĩ đại, một tâm hồn thi nhân, một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam và quốc tế.
Qua những câu chuyện kể về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân và đất nước Thái-lan, đây là dịp để ghi nhớ công ơn của Người trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Thái-lan và Việt Nam.
Tại hội thảo đã chiếu phim về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển lãm tranh, ảnh, sách báo về Việt Nam cũng như về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Theo phóng viên TTXVN tại Béc-lin, ngày 16-5, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dự lễ, có toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện nhiều tổ chức, đoàn thể của cộng đồng người Việt tại Béc-lin và các vùng lân cận. Tới dự lễ còn có những người bạn Đức thủy chung, son sắt, có quan hệ gắn bó, thân thiết với Việt Nam và có những tình cảm sâu đậm với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Mê-hi-cô, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạp chí Mê-hi-cô, “Những thông tin rất hấp dẫn” số ra tháng 5 đã đăng bài “Huyền thoại về Bác” của nữ tác giả M.Ga-bri-ê-la Mun-hốt, trong đó ca ngợi Bác Hồ là một trong những nhân vật chính của lịch sử thế giới cận đại. Sau khi nêu bật công lao to lớn của Bác Hồ đối với phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản thế giới, bài viết khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà tư tưởng giàu tính nhân văn và dân chủ, mà còn là nhà văn hóa lớn và nhà thơ nổi tiếng.
Ý kiến ()