LSO-Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày 15/10/2006, khi Nhà máy xi măng Đồng Bành chính thức được khởi công xây dựng. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2010, nhiều người dân thị trấn Chi Lăng – nơi nhà máy tọa lạc cũng như quan khách qua lại trên quốc lộ 1A đều có ý dò tìm một làn khói thoảng nơi đỉnh cột cao chót vót. Chính vì vậy, ngày 16/10/2010, khi ngọn lửa đỏ rực tỏa sáng lò nung thì cũng là lúc đông đảo cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành và cán bộ, công nhân nhà máy tham dự buổi lễ hoan hô vang dội. Ngọn lửa âm ỉ suốt 4 năm qua đã đủ độ để bùng lên thắp sáng tiềm năng miền đất ải hào hùng. Nổi lửa lò nung xi măng Đồng Bành ngày 16/10/2010Nhà máy xi măng Đồng Bành sừng sững mà yên ả giữa lòng chảo Chi Lăng – nơi còn lưu dấu tích vẻ vang của vùng đất lịch sử giàu truyền thống cách mạng, cũng là nơi nức tiếng gần xa bởi hương vị đậm đà của na dai đặc sản. Đây cũng là vùng nguyên liệu dồi...
LSO-Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày 15/10/2006, khi Nhà máy xi măng Đồng Bành chính thức được khởi công xây dựng. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2010, nhiều người dân thị trấn Chi Lăng – nơi nhà máy tọa lạc cũng như quan khách qua lại trên quốc lộ 1A đều có ý dò tìm một làn khói thoảng nơi đỉnh cột cao chót vót.
Chính vì vậy, ngày 16/10/2010, khi ngọn lửa đỏ rực tỏa sáng lò nung thì cũng là lúc đông đảo cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành và cán bộ, công nhân nhà máy tham dự buổi lễ hoan hô vang dội. Ngọn lửa âm ỉ suốt 4 năm qua đã đủ độ để bùng lên thắp sáng tiềm năng miền đất ải hào hùng.
|
Nổi lửa lò nung xi măng Đồng Bành ngày 16/10/2010 |
Nhà máy xi măng Đồng Bành sừng sững mà yên ả giữa lòng chảo Chi Lăng – nơi còn lưu dấu tích vẻ vang của vùng đất lịch sử giàu truyền thống cách mạng, cũng là nơi nức tiếng gần xa bởi hương vị đậm đà của na dai đặc sản. Đây cũng là vùng nguyên liệu dồi dào với trữ lượng hàng tỷ m3 đá vôi, đất sét… đủ phục vụ cho hàng chục, hàng trăm năm sản xuất xi măng… Đồng chí Hoàng Trúc, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng cho biết : khi bước vào sản xuất ổn định, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương và đóng góp 70 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách, gấp 5 lần tổng thu ngân sách trên địa bàn của huyện Chi Lăng hiện nay (khoảng 14 – 15 tỷ đồng/năm). Đó là chưa kể tới lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho nhà máy xi măng. Từ dự án này sẽ tạo sức hút các nhà đầu tư đến với Chi Lăng. Công nghiệp phát triển sẽ thúc đẩy các lĩnh vực thương mại dịch vụ phát triển. Điều đó tác động rất lớn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Chi Lăng.
Do tầm quan trọng đặc biệt của nhà máy với việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Chi Lăng nói riêng và cả tỉnh nói chung, trong quá trình thi công, nhà máy đã vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và có những ý kiến chỉ đạo xác đáng (ngày 19/5/2009 và 26/5/2010). Theo đó, phải tập trung xây dựng Nhà máy xi măng Đồng Bành trở thành trụ cột công nghiệp của Lạng Sơn.
Giữa điệp trùng của rừng núi, cột silô của nhà máy cùng mái vòm trạm nghiền màu xanh hòa bình khoe dáng, khoe sắc trên nền trời trong xanh càng trở nên gắn kết, hút tầm mắt mê mải của người người lại qua. Tổ hợp này có công suất 2.500 tấn cli nke (Cpc50 TCVN 7024 -2002/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng PCB 40 TCVN 6260-2009/năm). Với dây chuyền công nghệ sản xuất xi măng lò quay, phương pháp khô tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, các công đoạn chính và các công đoạn phụ trợ đều được cơ khí hóa và tự động hóa hoàn toàn. Với công nghệ này, tất cả các công đoạn đều được vận hành theo chu trình khép kín, sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định, thân thiện với môi trường.
Nhà máy xi măng Đồng Bành chỉ chiếm diện tích 30 ha trong quy hoạch rộng lớn của Khu công nghiệp Đồng Bành (321,7 ha) – một trong hai khu công nghiệp được quy hoạch của Lạng Sơn. Khu công nghiệp này nằm trên địa bàn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng và xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng, đã hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án : dự án nhà máy xi măng Đồng Bành; dự án sản xuất nồi hơi dùng năng lượng sinh học và dự án đầu tư xây dựng chế biến quặng sắt và antimoan. Do một số khó khăn khách quan nên hai dự án kia triển khai chậm. Do vậy, Xi măng Đồng Bành có thể coi là bước khởi động, tạo đà bứt phá cho các dự án khác trong khu công nghiệp này. Cũng chỉ mới đi vào sản xuất có vài tháng, nhưng xi măng Đồng Bành đã sản xuất được 55.000 tấn, tiêu thụ được 41.000 tấn, đạt giá trị gần 35 tỷ đồng. Ông Trần Đức Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Đồng Bành hồ hởi thông báo.
|
Những sản phẩm xi măng Đồng Bành đầu tiên ra lò |
Nhìn chung, việc phát triển Khu công nghiệp Đồng Bành có nhiều thuận lợi. Khu công nghiệp này nằm trong hành lang kinh tế Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, hơn nữa, nó nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, thuận lợi về đường giao thông. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh ngày càng có sự quan tâm, xây dựng cơ chế ưu đãi, tăng cường các hoạt động hỗ trợ. Tuy vậy, những khó khăn khách quan cũng không nhỏ. Đó là hạ tầng kinh tế – xã hội nói chung của tỉnh còn yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực và khả năng huy động các nguồn lực tài chính của các thành phần kinh tế đầu tư vào các khu công nghiệp – cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế. Đáng kể là Khu công nghiệp Đồng Bành được xác định nằm trong khu vực đông dân cư, địa hình phức tạp, có nhiều cây lâu năm và đất trồng lúa. Do đó và trên thực tế đã gặp phải một số trở ngại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến suất đầu tư lớn làm giảm sút hiệu quả kinh doanh – điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng lo ngại. Không phải ngẫu nhiên mà Nhà máy xi măng Đồng Bành nhiều phen lận đận trong quá trình đi tìm pháp nhân chấp nhận bảo lãnh để được vay vốn trong quá trình thi công. Cũng thật đáng ghi nhận đối với chủ đầu tư nhà máy khi phải vài lần lỗi hẹn, kiên trì vượt qua những khó khăn bời bời để thực hiện đến cùng dự án, giữ niềm tin với người lao động và đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Chi Lăng xưa, gần xa chỉ biết đến tên qua những truyền thuyết, trang sử hào hùng ghi công cha ông mưu trí, dũng cảm đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đến khi nước nhà thống nhất, đất và người Chi Lăng cũng phải bao phen chật vật vươn lên trong đói khổ. Để rồi khi cây na dai đơm đầy quả ngọt trên những triền núi cheo leo đá, trong những thung lũng cũng toàn đá, cái tên Chi Lăng lại được nhiều tỉnh thành trong nước biết đến như một thương hiệu của hương vị ngọt ngào hiếm có. Hôm nay đây, tiềm năng của vùng núi đá Chi Lăng vốn nổi tiếng cằn cỗi đã thực sự có cơ hội thắp sáng, khai thác hiệu quả để nhanh chóng vươn lên bắt kịp xu thế phát triển của tương lai.
Hoàng Thái
Ý kiến ()