Từ thay đổi cơ cấu giống cây trồng
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN và PTNT Kiên Giang tỏ ra rất tâm huyết với cụm từ: “sống chung với mặn”. Theo đồng chí Tâm, hạn mặn ở khu vực ĐBSCL nói chung và ở Kiên Giang nói riêng ngày càng khắc nghiệt, đặc biệt năm nay mặn về sớm cả tháng đã gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp và ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu đồng bào vùng châu thổ sông Cửu Long. “Nhưng nếu như ngày trước Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng đồng bào phải “sống chung với lũ” thì ngày nay họ cũng phải làm quen với khái niệm: “sống chung với hạn, mặn”. Có quán triệt dứt khoát như vậy thì mới tìm ra những giải pháp để cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nông dân thích ứng với điều kiện này” – đồng chí Tâm nói.
Với góc nhìn chiến lược, ông Trần Xuân Định Phó Cục trưởng cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) chỉ ra những giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, sản xuất trồng trọt cần có những thay đổi kịp thời về thời vụ, cơ cấu giống. Cụ thể về thời vụ: Cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của vụ hè – thu 2016 và vụ mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Thời vụ lúa hè thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5, điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL. Không xuống giống lúa xuân hè vì lượng nước phục vụ sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016, vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho hè thu chính vụ, làm cho việc quản lý sản xuất và mùa vụ sản xuất khó khăn hơn. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.
Về cơ cấu giống, ngoài ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới sự phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, nhất là tám tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị hạn mặn, trồng lúa kém hiệu quả: sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, lựa chọn các giống cây trồng chịu hạn mặn, sử dụng ít nước. Sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn (SRI, nông-lộ-phơi, nhỏ giọt, phun mưa…); điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất. Hoàn chỉnh gói kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn phổ biến rộng rãi trong toàn vùng ĐBSCL.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Bến Tre cung cấp thêm một kinh nghiệm về sản xuất cây ăn quả: Đối với các diện tích cây ăn trái bị nhiễm mặn thì không tiến hành rải vụ, kéo dài thời gian giữa hai lần tưới (hạn chế, không tưới nước nhiễm mặn có độ mặn > 2%o trong thời gian nhiễm mặn). Tạo lớp màng phủ để giữ ẩm cho cây trồng, có thể dùng rơm, rạ, cỏ, lục bình… phủ lên gốc để giữ ẩm cho cây. Với những diện tích trồng mới, nên thực hiện trong mùa mưa, không thực hiện trong mùa khô và giai đoạn xâm nhập mặn, đối với cây mới trồng cần dùng các biện pháp che bóng cho cây. Trong thời điểm nhiễm mặn, cần tăng cường bón phân hữu cơ và lân, kali, hạn chế bón phân hóa học khác.
Đến quy hoạch lại hệ thống thủy lợi
Như đã nói, hiện nay vấn đề cấp bách nhất, cái “gốc của vấn đề” là làm sao các tỉnh ĐBSCL xây dựng được một hệ thống thủy lợi có chiều sâu và đủ mạnh để ngăn mặn và chống hạn, giữ ngọt. Có thể nói qua đợt hạn mặn tàn khốc lần này, những địa phương nào làm tốt công tác quy hoạch, triển khai thực hiện các kế hoạch thủy lợi một cách bài bản, có chiều sâu thì sẽ hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, ở đây có thể xem tỉnh Tiền Giang như một thí dụ điển hình. Trong khi các tỉnh như Kiên Giang, Bến Tre… thiệt hại hàng chục nghìn ha lúa, cây ăn trái thì Tiền Giang chỉ thiệt hại khoảng 926 ha trong tổng số 74.134 ha vụ đông xuân. Người ta cho rằng vị thế địa lý là nguyên nhân khiến cho Tiền Giang bị thiệt hại ít, nhưng không thể phủ nhận địa phương này đã chủ động, tập trung thực hiện khẩn cấp, quyết liệt các giải pháp phòng, chống hạn, mặn.
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho biết: Để giải quyết tình trạng cây lúa thiếu nước nghiêm trọng trong điều kiện mặn lấn sâu đến TP Mỹ Tho, cống Xuân Hòa lấy nước ngọt hạn hẹp, Tiền Giang đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách hơn bốn tỷ đồng, đầu tư 16 thuyền với 32 máy bơm với công suất mỗi máy 1.000 m3/giờ để bơm nước ngọt bổ cập vùng dự án ngọt hóa Gò Công. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 1,6 tỷ đồng tổ chức bơm chuyền (bơm hai cấp), cho bốn huyện vùng ngọt hóa Gò Công mua máy bơm và xây dựng trạm bơm dã chiến để phục vụ chống hạn, phục vụ đủ lượng nước ngọt vào nội đồng cứu lúa. Ngoài ra, chính quyền địa phương các cấp thường xuyên tuyên truyền phổ biến đến nhân dân về diễn biến tình hình mặn, vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước, phát động nhân dân ra quân giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, tổ chức huy động đủ lượng máy bơm để bơm chuyền hai cấp, bơm trữ nước trên ruộng, ao đầm, trên kênh.
Từ trước, trong, sau Tết, tại cống Xuân Hòa, Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Tiền Giang đã cử lực lượng trực mỗi ca 10 nhân viên và hai cán bộ giám sát suốt 24 giờ tranh thủ lấy nước ngọt theo quy luật của triều cường để bơm phục vụ cứu lúa. “Nhờ tận dụng tối đa công suất các thuyền máy đã đầu tư bơm bổ cập, chắc chắn sẽ đủ lượng nước phục vụ cây lúa đông xuân khu vực Gò Công an toàn đến khi thu hoạch”.
Từ thành công bước đầu trong công tác thủy lợi chống mặn của Tiền Giang nhìn rộng ra khắp khu vực ĐBSCL, các chuyên gia ngành thủy lợi cho rằng, về lâu dài cần hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng cống ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây ăn trái. Tạo thay đổi cơ bản về nguồn nước ngọt trong bán đảo Cà Mau; nghiên cứu giải pháp kênh trục dẫn ngọt; bổ sung thêm các cống dọc theo các cửa sông nơi mặn 4g/l đã vượt qua.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi khu vực ĐBSCL cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, tranh thủ những đợt xả nước của các hồ lớn để lấy nước và tích trữ vào ao, hồ, trục sông, trục kênh; thực hiện tưới tiết kiệm nước, không để rò rỉ, thất thoát nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng. Nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước… để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ.
Mặt khác, theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước theo quy trình ngăn mặn, trữ ngọt, bảo đảm phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả; tận dụng tối đa thời gian mở cống lấy nước trong thời gian triều cường, độ mặn cho phép. Đồng thời, phối hợp với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cập nhật dự báo dài hạn, ngắn hạn và cập nhật thông tin độ mặn (trong ngày) trên các phương tiện thông tin đại chúng để ứng phó kịp thời.
Vùng bán đảo Cà Mau: Ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn. Giống chủ lực: OM4900, OM6976, OM2517, OM5451, IR50404…; giống bổ sung: ST5, GKG1, OM7347, OM5472, OM576, OM5954, Jasmine 85, RVT… Vùng ven biển Nam Bộ: Ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình – khá, chịu điều kiện khó khăn. Giống chủ lực: IR50404, OM2517, OM576, AS996, OM5451, OM6976, OM5472…; Giống bổ sung: ST5, OMCS2000, Jasmine 85, OM4900, OM7347, RVT, VD20…
Ý kiến ()