Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đầu tư từ thành phố Hồ Chí Minh
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tính từ năm 2001 đến nay, các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư vào 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 23 khu - cụm công nghiệp với khoảng trên 1 nghìn dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị, kinh doanh thương mại, du lịch.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tính từ năm 2001 đến nay, các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư vào 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 23 khu – cụm công nghiệp với khoảng trên 1 nghìn dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị, kinh doanh thương mại, du lịch.
Một nhà máy sản xuất xi măng ở Kiên Giang đã đi vào hoạt động |
Được biết, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long đến nay là 263.937 tỉ đồng. Địa phương thu hút được nhiều dự án nhất là tỉnh Kiên Giang với 115 dự án, tổng vốn đăng ký là trên 117 nghìn tỉ đồng. Tiếp đó là tỉnh Long An với trên 628 dự án, tổng số vốn đăng ký là trên 88 nghìn tỉ đồng. Các địa phương lần lượt xếp sau là An Giang, Tiền Giang, thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre và Trà Vinh.
Riêng tại tỉnh An Giang, chỉ tính từ năm 2007 đến nay, sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký kết biên bản thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa hai địa phương, hiện đã có 42 doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh triển khai 54 dự án tại địa phương này, với tổng vốn đầu tư khoảng trên 6 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là trung tâm thương mại, siêu thị, chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, sản xuất công nghiệp, hạ tầng kết nối giao thông, khu dân cư. Trong đó, có 26 dự án thực hiện hoàn thành đưa vào sử dụng; 14 dự án đang triển khai thực hiện, còn lại 14 dự án chưa triển khai, tổng vốn thực tế đầu tư hơn 2.593 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Thành Nhơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, việc hợp tác, liên kết phát triển kinh tế, xã hội với thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đạt được nhiều kết quả thiết thực; công tác phối hợp, gặp gỡ trao đổi rất tốt, chặt chẽ giữa hai địa phương, giữa địa phương và doanh nghiệp; qua hơn 6 năm hợp tác đã có nhiều doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện tham gia, đặc biệt là công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí giúp cho hình ảnh của An Giang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu biết nhiều hơn về tiềm năng, thế mạnh của địa phương; qua kết quả đầu tư của các doanh nghiệp giúp An Giang tạo ra một hệ thống hạ tầng xã hội cần thiết xung quanh các dự án, đã xây dựng được một mạng lưới khách sạn, siêu thị tại tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ và du lịch, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Cũng theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, thông qua việc hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã cho thấy tính thiêt thực và hiệu quả, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh giao thương, phân phối sản phẩm của hai địa phương./
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()