Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phòng, chống hạn, mặn
Thời điểm này, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào cao điểm của mùa khô, chính vì vậy, các địa phương trong khu vực này đã và đang có những biện pháp tích cực để phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Theo ông Đặng Hoàng Lam – Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, mặc dù tình hình hạn mặn trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này diễn ra ít gay gắt so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên không thể lơ là trong công tác phòng chống nhiễm mặn, khô hạn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo đó, về trồng trọt, người dân cần xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng, sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn mặn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt; lưu ý mức độ chịu mặn của các loại cây trồng và lấy nước tưới cho phù hợp, không sản xuất ở những khu vực thiếu nước tưới.
Trong chăn nuôi, cần dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi; thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô. Theo dõi và tuân thủ lịch xuống giống thủy sản của các cơ quan chức năng, đồng thời theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước như nhiệt độ, độ mặn, độ pH để sản xuất cho phù hợp.
Công tác chuẩn bị ứng phó với hạn mặn được các cấp chính quyền địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai sớm từ cuối mùa mưa, đầu mùa khô năm nay. Các cũng đã được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, ở những vùng diễn ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt, hầu hết người dân đã được trang bị phương tiện trữ nước ngọt. Đồng thời đã được thông tin, hướng dẫn về trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm nước trong mùa khô. Công tác dự báo độ mặn được thực hiện thường xuyên, cập nhật trên hệ thống thông tin công cộng.
Tại huyện Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang, đây là vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn và khô hạn nặng nề nhất trong những năm qua, nhất là năm 2016. Chính vì vậy, công tác phòng chống hạn, mặn tại đây luôn được quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành chức năng…Mỗi khi mùa khô đến, nhiều hộ dân ở huyện Tân Phú Đông lại dự trữ nước ngọt ở các lu, hồ, đào hố lót bạt chứa nước… để sử dụng. Bà Nguyễn Thị Đua, người dân xã Phú Tân cho biết, nhờ được Nhà nước hỗ trợ các hồ chứa nước cộng với sử dụng nước tiết kiệm, nên nguồn nước sinh hoạt của gia đình trong mùa khô cơ bản được đảm bảo.
Người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thay đổi cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu
Ông Võ Trung Hiệp – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông cho biết, hiện toàn xã có khoảng 30% hộ dân sử dụng nước máy, trong đó nguồn nước máy đảm bảo chủ yếu ở các hộ dân sống cặp đường tỉnh 877B, các tuyến đường còn lại nước máy rất yếu. Do vậy, để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, dự kiến năm nay xã Phú Tân sẽ mở 4 vòi nước công cộng để người dân đến lấy nước về sử dụng. Ngoài ra, xã cũng tích cực vận động người dân tích trữ nước ngọt để sử dụng trong mùa khô. Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, mùa khô năm nay huyện Tân Phú Đông dự kiến sẽ mở 26 vòi nước công cộng. Ngoài ra, huyện cũng thi công 6 tuyến đường ống dẫn nước mới, trong đó có 2 tuyến đã hoàn thành. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, thời điểm này nước mặn đang bắt đầu xâm nhập mạnh vào các cửa sông. Độ mặn đo được ở ngoài đê bao cao hơn cùng kỳ năm trước 1,2 g/l. Do vậy, hiện hệ thống cống trên địa bàn huyện đã ngưng lấy nước do độ mặn vượt mức cho phép. Tuy độ mặn ở khu vực ngoài đê bao có tăng hơn so với cùng kỳ, nhưng nhờ huyện chủ động làm công tác thủy lợi nên hiện mực nước ở các kinh, rạch còn tương đương cùng kỳ năm 2017.
Ông Trần Bình Trọng, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho hay, để chống mặn, ngành chức năng đã tiến hành đắp đập kênh 6; song song đó xem xét diễn biến tình hình để điều tiết hợp lý các cống Lung Lớn 1, 2, cống Cái Tre. Riêng cống Ba Hòn, sẽ mở để tháo mặn ngay khi mực nước phù hợp nhất. Ngoài ra, huyện cũng đã chuẩn bị 4 máy bơm công suất lớn để bơm nước mặn ra ngoài nếu mở cống không được… Công việc bảo vệ lúa đang được tích cực triển khai”.
Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đánh giá, sau khi kiểm tra tình hình hạn, mặn ở địa bàn thành phố Vị Thanh cho thấy, hiện nay độ mặn đo được còn ở mức thấp, nhưng theo dự báo của ngành chức năng thì năm nay tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt. Do đó, các ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp ngăn mặn, không lơ là chủ quan; phải thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn tại các điểm chính, khi phát hiện nồng độ vượt mức cho phép thì thông báo cho người dân biết để phòng tránh hiệu quả, không để thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.
Nhằm chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hạn, mặn, nguồn nước; thường xuyên kiểm tra các hồ chứa, sông, kênh, rạch; có kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương cạn kiệt, cửa vào các cống lấy nước, khơi thông dòng chảy, đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong suốt mùa khô./..
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()