Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường liên kết vùng phát triển ngành hàng chủ lực
Trong giai đoạn Đồng bằng sông Cửu Long vừa tập trung đầu tư sản xuất, vừa mở rộng thị trường, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn khi nguồn lực còn giới hạn, thì liên kết vùng được đánh giá là giải pháp căn cơ nhằm đi tắt, đón đầu, giúp tăng tốc độ phát triển nông nghiệp của vùng.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nhất là sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của nước ta. Với gần 3 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm khoảng 75% diện tích đất toàn vùng), hàng năm, ĐBSCL sản xuất hơn 50% sản lượng lúa và cung cấp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước (chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu gạo của thế giới). Ngoài ra, ĐBSCL cung cấp hơn 70% sản lượng trái cây và 58% sản lượng thuỷ sản của cả nước. N ông nghiệp ĐBSCL đã đóng góp khoảng 41% tổng GDP của toàn vùng.
Tuy nhiện, hiện nay, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, đối với 4 mặt hàng chủ lực: lúa, gạo, cây ăn quả, thủy sản đang còn nhiều yếu tố hạn chế. Đó là sản phẩm không đồng nhất, chuỗi giá trị sản phẩm còn qua nhiều bước trung gian; dự báo và xử lý thông tin thị trường còn chậm; kỹ thuật còn kém dẫn đến chi phí sản xuất cao.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều diện tích đất sản xuất của vùng bị mất do thiếu quy hoạch và đô thị hóa. Năm 2008 đã giảm còn khoảng 1,85 triệu ha và trong những năm tới dự đoán sẽ còn giảm nhiều hơn do ảnh hưởng đô thị hóa, chuyển đổi sử dụng đất không đúng mục đích. Thêm vào đó, ĐBSCL còn phải đối mặt với hiện tượng biến đổi khí hậu. T heo dự đoán tác động biến đổi khí hậu, đến năm 2050 có khoảng 26,7% dân số và khoảng 31% đất của vùng bị ảnh hưởng. Việc xâm nhập mặn, hạn hán và lũ lụt, mất đất nông nghiệp sẽ làm giảm khả năng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, ảnh hưởng đến nguồn sinh kế người nông dân. Điều này sẽ đe dọa an ninh lương thực quốc gia và tiềm năng sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong tương lai của vùng.
Bởi vậy, trong điều kiện ĐBSCL vừa tập trung đầu tư sản xuất, vừa mở rộng thị trường, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết những khó khăn còn tồn đọng khi bối cảnh nguồn lực (đặc biệt về vốn còn giới hạn) thì liên kết vùng được xem là giải pháp căn cơ, đi tắt, đón đầu nhằm tăng tốc phát triển sản xuất nông nghiệp của vùng.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL – Đại học Cần Thơ) liên kết vùng là cơ hội để “4 nhà” tham gia thúc đẩy phát triển các yếu tố cơ bản phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Đó là: phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội; sử dụng nguồn tài nguyên nông thôn hợp lý qua phát triển quy hoạch và sử dụng quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực liên quan đến chất lượng lao động; tăng đầu tư vốn vào nông thôn do nhu cầu phát triển kinh tế và thương mại nông thôn; rà soát lại cơ chế, chính sách về liên kết vùng và tham gia “4 nhà”.
Trong quá trình thực hiện liên kết vùng cần chú trọng đến vấn đề cân bằng sinh thái vùng, đặc biệt cân bằng nước toàn vùng khi phát triển quy hoạch. Bên cạnh đó, thực hiện liên kết vùng cần nhân rộng các mô hình sản xuất cấp địa phương và cộng đồng liên quan như: Nông dân nhỏ cánh đồng lớn; mô hình canh tác lúa giảm khí thải nhà kính (theo dự án VLCRP) đã thực hiện tại An Giang, Kiên Giang, giúp nông dân tăng thu nhập khoảng 15 – 20% và giảm khoảng 4-5 tấn CO2/ha. Với vùng nội địa ĐBSCL, liên kết vùng sẽ tạo điều kiện phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực như lúa –gạo, cây ăn quả, thủy sản; nâng cao sinh kế cho người dân nông thôn theo 7 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và theo lợi thế từng địa phương. Bên cạnh đó, với vùng ven biển, liên kết vùng sẽ tạo điều kiện bảo vệ hệ sinh thái thông qua việc đồng thời áp dụng những giải pháp thiết thực như: Đầu tư các trạm quan trắc, theo dõi cảnh báo sạt lở; chọn giống, nhân giống cây ngập mặn, phục hồi rừng ngập mặn ven biển; phát triển và khai thác hợp lý rừng ngập mặn,…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()