Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá tra giống tăng mạnh
Cùng với giá cá tra nguyên liệu đang tăng, giá cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tăng 20 nghìn đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2016, hiện giá cá tra giống ở khu vực này đang dao động từ 40 - 50 nghìn đồng/kg loại 20 con/kg.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, giá cá tra tăng kỷ lục thời gian qua là do khan hiếm con giống và sự gia tăng nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Theo đó, giá cá tra nguyên liệu đang tăng ở mức khá cao với 27.000 đồng/kg, và đang được thị trường Trung Quốc gia tăng nhập khẩu, chính vì vậy, nhiều hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tìm thuê, cải tạo ao hồ để nuôi cá tra. Ngoài ra do thời tiết những tháng đầu năm nay nay diễn biến bất lợi, đã khiến tỉ lệ cá tra giống bị bệnh, nên hao hụt nhiều về số lượng. Hiện, có nhiều hộ dân ở các địa phương như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp… đã chuyển đổi các diện tích nuôi cá lóc sang nuôi cá tra, do giá cá lóc đang bị giảm sâu.
Được biết, từ cuối năm 2016, đã có 4 tỉnh là Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp ban hành quy hoạch vùng nuôi cá tra; các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và TP. Cần Thơ đã hoàn thiện công tác rà soát quy hoạch chờ phê duyệt. Đến nay cũng đã có trên 4.700 ao nuôi được cấp mã số nhận diện và cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu. Việc sắp xếp ao nuôi, cấp mã số quả là việc cần làm để kiểm soát chất lượng và thuận lợi truy xuất nguồn gốc, quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó cơ quan chuyên trách quản lý quy hoạch, lên kế hoạch sản xuất cần tính toán thống kê sức mua đáp ứng phù hợp theo mức độ thâm nhập ở từng thị trường xuất khẩu, tạo lợi thế ổn định cho ngành hàng cá tra.
Từ thực tế liên quan hoạt động sản xuất, tiêu thụ cá tra và nhu cầu của thị trường, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề xuất kế hoạch sản xuất năm 2017 diện tích nuôi cá tra thương phẩm từ 5.000 – 5.500ha, sản lượng dự kiến trên 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá tra ở khu vực này phấn đấu đạt từ 7.600 – 7.800 ha, sản lượng cá tra nuôi là từ 1.800.000 – 1.900.000 tấn; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt 15 – 20%; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2,6 – 3 tỷ USD.
Về nội dung quy hoạch, sản xuất giống cá tra ở các tỉnh, thành phố nuôi trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu đến năm 2020 đạt 3,5 tỷ con giống. Bên cạnh đó, sản xuất cá bột nòng cốt do Trung tâm giống thủy sản của địa phương và các trại sản xuất giống cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang thực hiện. Giai đoạn 2017 – 2020, căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất cá tra nguyên liệu, có thể đầu tư thêm các cơ sở chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cá tra; không đầu tư phát triển thêm cơ sở chế biến sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh. Tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị và công nghệ mới hiện đại vào chế biến sản phẩm chính và phụ phẩm cá tra để tạo ra các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm giá trị gia tăng cao. Đưa hiệu suất sử dụng thiết bị chế biến vào năm 2020 đạt từ 80 – 90%; tỷ trọng sản phẩm cá tra chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt từ 15 – 20%./..
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()