Ðồng bằng sông Cửu Long đối phó lũ lớn
Nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ bị ngập do nước lũ và triều cường. * Không khí lạnh tăng cường * Khẩn cấp bảo vệ hồ Dầu Tiếng * Triều cường làm vỡ đê bao gây ngập nặng nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí MinhTheo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày và đêm nay (28-10), không khí lạnh ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh phía bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp hội tụ gió trên cao cho nên ở Bắc Bộ có mưa rào và dông; các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy mạnh. Vùng núi đêm và sáng trời lạnh. Các tỉnh phía nam có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng.Hiện nay, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đang xuống, các trạm trên sông chính vùng cuối nguồn ĐTM và TGLX lên theo kỳ triều cường. Dự báo, trong năm ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng ĐTM và TGLX tiếp tục...
|
* Không khí lạnh tăng cường
* Khẩn cấp bảo vệ hồ Dầu Tiếng
* Triều cường làm vỡ đê bao gây ngập nặng nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, ngày và đêm nay (28-10), không khí lạnh ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh phía bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp hội tụ gió trên cao cho nên ở Bắc Bộ có mưa rào và dông; các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy mạnh. Vùng núi đêm và sáng trời lạnh. Các tỉnh phía nam có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng.
Hiện nay, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đang xuống, các trạm trên sông chính vùng cuối nguồn ĐTM và TGLX lên theo kỳ triều cường. Dự báo, trong năm ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng ĐTM và TGLX tiếp tục xuống nhưng còn ở mức cao.
Trong một, hai ngày tới, mực nước các trạm trên sông chính vùng cuối nguồn ĐTM và TGLX tiếp tục lên do ảnh hưởng của triều cường và hầu hết đều vượt mức lũ lịch sử, sau đó xuống dần. Đến ngày 31-10, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,43m, dưới BĐ3: 0,07m; sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,05m, trên BĐ3: 0,05m; tại các trạm chính vùng nội đồng ĐTM và TGLX ở mức BĐ3 và trên BĐ3: 0,1-0,3m. Đến đầu tháng 11, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng TGLX và ĐTM sẽ xuống nhanh.
Do tiếp tục có mưa lớn ở khu vực đầu nguồn, mực nước trong hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) đang ở mức trên báo động II, Ban chỉ huy PCLB công trình thủy lợi Dầu Tiếng đang thực hiện chế độ khẩn, duy trì trực chiến 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó bảo vệ hồ khi có sự cố. Hiện trung bình mỗi ngày mực nước tăng lên 6-8cm, ứng với lưu lượng 175-228 m3/giây. Các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh chủ động đề phòng và ứng cứu trong mọi tình huống, nhằm hạn chế thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Trước thông báo xả lũ của các hồ thủy điện Sor Phu Miêng, Trị An, cộng với nhà máy thủy điện Cần Đơn công trình thủy điện ở đầu nguồn, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị kiểm tra vùng trũng, ven sông Đồng Nai thường bị ngập úng, sạt lở, đề phòng khả năng bị ngập; chủ động thông báo cho người dân ở các vùng trên sẵn sàng di dời người và tài sản.
Chủ động đối phó với triều cường dâng cao, tỉnh An Giang huy động hàng chục nghìn người kiểm tra thường xuyên các tuyến đê bao, cống bọng để phát hiện xử lý kịp thời; duy trì 392 chốt cứu hộ cứu nạn trực xuyên suốt trên các tuyến sông xung yếu, ngã ba, ngã tư sông rạch, vùng nước xoáy, lộ giao thông bị ngập; khẩn trương bơm tiêu chống úng cứu hơn 30 nghìn ha lúa và hoa màu. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ các huyện hơn 4,584 tỷ đồng chống lũ.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng được hơn 250 cụm, tuyến dân cư (giai đoạn 2) và đã bố trí hơn 38 nghìn hộ dân vào ở. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã huy động hơn 200 nghìn lượt ngày công tham gia chống lũ. Đồng thời, lực lượng vũ trang còn phối hợp các ngành, đoàn thể địa phương vận động và hỗ trợ 363 hộ vùng sạt lở nguy hiểm di dời; sơ tán 2.184 hộ vùng ngập sâu đến nơi an toàn và kê kích 7.219 hộ dân.
Nước lũ đã làm ngập nhiều đoạn đường nội ô TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), có đoạn ngập sâu 10-50 cm. Nguyên nhân ngập lũ tại trung tâm chợ TP Cao Lãnh là do các cống thoát nước đã bị nước lũ từ sông đưa vào và dâng lên cao, cộng với nước mưa. Ban chỉ huy PCLB thành phố đã cho lấp kín các miệng cống, cho bơm thoát nước.
Tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nước lũ dâng cao đã gây vỡ và bể 112 đoạn đê bao, với tổng chiều dài hơn 550 m, gây ngập úng, ảnh hưởng đến hơn 700 ha mía và hoa màu. UBND huyện đã huy động cán bộ về các địa bàn xung yếu chỉ đạo khắc phục hậu quả vỡ đê bao. Đến nay đã khắc phục 51 đoạn đê bao, còn hơn 60 đoạn vẫn đang ngập nặng và có nguy cơ vỡ.
Tỉnh Vĩnh Long huy động tổng lực gia cố hàng loạt tuyến đê nhằm bảo vệ hơn 45 nghìn ha vườn cây ăn trái. Sáu tuyến đê bao dọc sông Tiền vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng hơn 30 tỷ đồng đang phải tiếp tục gia cố thêm những đoạn bị nước lũ tràn vào. Hiện nay, nhiều diện tích vườn nằm dưới mặt đê khoảng 1-1,8m, rất nguy hiểm nếu vỡ đê.
Hai ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường làm mực nước sông Hậu trên địa bàn TP Cần Thơ dâng cao. Nước lũ dâng cao uy hiếp nhiều ngôi nhà và vườn cây ăn trái của các hộ dân sống ở các cồn trên sông Hậu như: cồn Sơn, cồn Khương, cồn Tân Lộc… Ban Chỉ huy PCLB thành phố đang tập trung gia cố các đê bao, bờ bao; túc trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Ngày 27-10, tại TP Hồ Chí Minh, triều cường dâng cao đã gây ngập nặng nhiều tuyến đường. Theo ghi nhận, các tuyến đường như: Lương Định Của, xa lộ Hà Nội, Quốc Hương (quận 2) ngập hơn 50 cm khiến nhiều nhà dân bị ngập, hư hỏng đồ đạc, các phương tiện lưu thông bị chết máy. Ở quận Bình Thạnh, các tuyến như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bùi Hữu Nghĩa… tình cảnh cũng diễn ra tương tự. Để bảo quản tài sản, nhiều gia đình phải đắp bao cát, dùng máy bơm để bơm nước ra khỏi nhà. Các quận, huyện ngoại thành như: Thủ Đức, quận 12… triều cường dâng cao cũng đe dọa nhiều đoạn đê bao ngăn triều. Triều cường cũng làm một đoạn bờ bao hơn ba m thuộc bến đò Bình Quới (thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức) bị vỡ. Nước tràn vào bất ngờ khiến hàng chục hộ dân ngập sâu hơn một m, nhiều đồ đạc của người dân bị cuốn trôi. Ngay khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng tại địa phương đã tiến hành đắp bờ bao, hỗ trợ người dân bị thiệt hại và bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân.
Xây dựng cộng đồng an toàn, giảm thiểu rủi ro Ngày 27-10 tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiến hành tổng kết dự án tăng cường năng lực đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi của cộng đồng trước thiên tai ở Việt Nam (DIPECHO 7). Dự án tiến hành từ tháng 9-2010 tại 16 xã của sáu tỉnh, thành phố, chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực, đánh giá rủi ro tiềm ẩn, cung cấp trang thiết bị, biện pháp cần thiết cho cộng đồng dân cư để giảm nhẹ rủi ro do thiên tai, thảm họa gây ra. Bên cạnh đó, dự án cung cấp cho người dân hàng nghìn áo phao, thuyền máy, thuyền cứu hộ, túi sơ cấp cứu, cáng cứu thương… |
Theo Nhandan
Ý kiến ()