"Đóng băng" sản lượng làm giảm 50% mức dư cung dầu toàn cầu
Tại cuộc họp ngày 16/2 ở Doha, Qatar, Nga, nhà sản xuất lớn nhất ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), và Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất OPEC, đã đồng ý “đóng băng” sản lượng ở mức tương đương của tháng 1/2016 nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ, trong bối cảnh giá dầu đã giảm hơn 70% từ mức đỉnh điểm 116 USD/thùng hồi tháng 6/2014.
Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Venezuela cũng nhất trí tham gia đề xuất này. Tuy nhiên, Iran chỉ lên tiếng ủng hộ mà không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào.
Phát biểu trước báo giới cuối tuần này tại thành phố Krasnoyarsk (Nga), ông Texler nói rằng nếu thỏa thuận “đóng băng” sản lượng có hiệu lực và được các bên thực thi đầy đủ, mức dư cung hiện nay trên thị trường dầu mỏ thế giới có thể giảm một nửa.
Theo quan chức này, ngay cả khi không có Iran tham gia, thỏa thuận “đóng băng” sản lượng vẫn có thể có hiệu lực.
Hiện Tehran vẫn chưa đưa ra quyết định lựa chọn tăng sản lượng vào thời điểm giá dầu ngày càng suy giảm hay tham gia đề xuất “đóng băng” sản lượng nhằm bình ổn giá dầu.
Ông Texler cho biết Nga và OPEC đã bơm dầu ở gần mức cao kỷ lục trong tháng 1/2016, với sản lượng của Nga đạt 10,88 triệu thùng/ngày, so với mức bình quân 10,72 triệu thùng/ngày năm 2015.
Nếu thỏa thuận “đóng băng” sản lượng ở mức của tháng 1/2016 được thực thi, mức này sẽ cao hơn 1,5% so với mức trung bình của năm 2015.
Theo ông Texler, thỏa thuận dầu mỏ toàn cầu đầu tiên trong 15 năm qua nói trên sẽ phụ thuộc vào các nhà sản xuất khác và hiện vẫn chưa rõ liệu các nước có ký vào thỏa thuận hay không.
Ông cũng cho rằng nếu được đề nghị tham gia thỏa thuận “đóng băng” sản lượng, các nhà sản xuất khác như Mỹ, Brazil và Na Uy chắc chắn sẽ không đồng ý.
Ông Texler nhận định ngành dầu mỏ của Nga sẽ có lãi với giá dầu ở mức 35-40 USD/thùng. Đầu tư của Nga vào lĩnh vực năng lượng trong năm nay dự kiến sẽ thấp hơn năm 2015./.
Ý kiến ()