Đông - bắc Thái-lan, thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam
Trong ASEAN, Thái-lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; và hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD năm 2020. Trong đó, khu vực đông - bắc Thái-lan là một thị trường tiềm năng, điểm đột phá để hàng hóa Việt Nam có mặt và giành được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Thái-lan.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Thái-lan năm 2014 đạt 10,6 tỷ USD; năm tháng đầu năm 2015, con số này là gần 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, vài năm gần đây, cán cân thương mại mất cân bằng với mức thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2012 tới nay, mức thâm hụt của Việt Nam trong quan hệ thương mại hai nước luôn ở mức hơn ba tỷ USD. Trong khi hàng hóa Thái-lan ồ ạt vào Việt Nam, sản phẩm Việt Nam có mặt tại thị trường Thái-lan lại rất ít ỏi. Dạo quanh các siêu thị lớn của Thái-lan, có thể thấy hàng Việt bán ở đây mới chỉ có cà-phê G7 của Trung Nguyên và một số ít loại bánh, kẹo. Ngoài ra, có nhiều hàng điện tử, may mặc, dù sản xuất ở Việt Nam nhưng đều mang thương hiệu của nước khác.
Lý giải về khó khăn của hàng Việt trên thị trường Thái-lan, ông Nguyễn Thành Hải, thuộc Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái-lan cho rằng: “Các mặt hàng của Thái-lan và Việt Nam khá tương đồng. So với hàng hóa Việt Nam, từ lâu hàng Thái-lan đã tạo dựng được thương hiệu có uy tín về chất lượng. Bởi vậy, khi hàng hóa Thái-lan xâm nhập thị trường Việt Nam được hoan nghênh. Trong khi đó, người Thái-lan chưa biết nhiều về các thương hiệu cũng như chất lượng của hàng Việt Nam. Vì thế, hàng Việt Nam trước hết phải tìm cách đi vào các thị trường ngách, sau đó dần tìm cách mở rộng ra các thị trường khác”.
Đông-bắc Thái-lan là một trong những thị trường ngách như vậy. Khu vực này, còn được gọi là I-xản, gồm 20 tỉnh nằm trên cao nguyên Cò-rạt, tiếp giáp Lào về phía bắc và phía đông, với Cam-pu-chia về phía nam. Đây là một vùng đất rộng lớn với diện tích 160 nghìn km 2và số dân khoảng 21 triệu người. Do các điều kiện địa lý, khí hậu khắc nghiệt, khu vực này là vùng nghèo nhất Thái-lan. Trong những năm gần đây, với sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ, vùng đông – bắc Tháilan đang có sự phát triển mạnh mẽ. Dù vừa trải qua hơn một năm trì trệ do những biến động về chính trị, kinh tế nơi đây đang dần phục hồi và khởi sắc. Thời gian tới, vai trò của khu vực này sẽ còn gia tăng đáng kể khi hoàn tất dự án Hành lang kinh tế Đông – Tây, kéo dài từ cảng Mo-la-mi-in của Mi-an-ma tới TP Đà Nẵng của Việt Nam. Khi đó, hàng hóa từ Việt Nam, trung chuyển qua Lào, sẽ nhanh chóng và dễ dàng có mặt tại đông – bắc Thái-lan với chi phí vận chuyển thấp. Sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cuối năm 2015, nhiều nhà máy và trung tâm phân phối cũng sẽ được xây dựng tại đây.
Khu vực I-xản cũng là nơi cộng đồng người Việt tập trung đông đảo nhất ở Thái-lan, với hơn 100 nghìn người. Đây có thể coi là một lực lượng ủng hộ tự nhiên và mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập thị trường địa phương. Các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể nhận được sự trợ giúp đáng kể từ cộng đồng hơn một nghìn doanh nghiệp Việt kiều. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp làm ăn phát đạt, được chính quyền và cộng đồng sở tại đánh giá cao.
Theo đánh giá của Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái-lan, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Thái-lan ở đông – bắc Thái-lan ở mức vừa phải. Họ không đòi hỏi các hàng hóa quá cao cấp, đắt tiền. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam vừa có chất lượng tốt, mà mức giá lại rất phù hợp mức thu nhập của người dân ở đây. Nhờ sự hiện diện của cộng đồng Việt kiều tại khu vực này từ gần 100 năm qua, người Thái bản địa đã quen thuộc với các đồ ăn Việt, những hàng hóa mang đặc trưng Việt Nam. Bởi vậy, họ sẽ nhanh chóng và dễ dàng chấp nhận các hàng hóa Việt Nam hơn.
Hiện nay, một số mặt hàng Việt Nam đã có mặt và từng bước xây dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường đông bắc Thái-lan. Đó là các mặt hàng cà-phê của tập đoàn Trung Nguyên, chiếu cói và tôn lạnh. Đầu tháng 7 vừa qua, tại Hội chợ Thương mại quốc tế tại tỉnh U-don Tha-ni, nhiều doanh nghiệp Việt đã mang sản phẩm tới giới thiệu và được người tiêu dùng địa phương đánh giá cao. Người Thái-lan rất thích các sản phẩm mỹ nghệ, hàng thực phẩm, dệt, may truyền thống của Việt Nam.
Theo ông Hải, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng các kênh thông tin, quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng Thái-lan. Ông đánh giá, nhiều mặt hàng của Việt Nam có chất lượng mẫu mã hơn hẳn hàng Thái mà giá cả lại thấp hơn đáng kể. Có điều, hiện chưa có kênh phù hợp để giới thiệu những mặt hàng này tới người Thái. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái-lan đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm giới thiệu hàng Việt Nam tại Thái-lan. Tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam có thể trưng bày sản phẩm, giới thiệu doanh nghiệp tới người tiêu dùng và đối tác Thái-lan.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()