Đông Bắc Á 2023: Nỗ lực phá băng
Những chuyển động ngoại giao bất ngờ trong năm 2023 phần nào đã đem tới những thời khắc lạc quan, mở ra triển vọng giải quyết những căng thẳng địa chính trị phức tạp ở khu vực Đông Bắc Á, dẫu rằng đó chỉ là sự lạc quan một cách dè dặt.
Dễ nhận thấy, tâm điểm của Đông Bắc Á trong năm qua là những chuyển động ngoại giao xoay quanh 3 cường quốc kinh tế khu vực, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, khởi nguồn từ chiến thắng của ông Yoon Suk Yeol trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc. Đến giờ, cũng có thể khẳng định sự thay đổi chiếc ghế quyền lực ở Nhà Xanh đã mở ra những bước tiến mang tính “đột phá” trong mối bang giao giữa 3 quốc gia này. Nếu như chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến Hàn Quốc đánh dấu việc hai nước nối lại toàn diện các hoạt động ngoại giao chính thức sau hơn một thập niên bị đóng băng thì cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco (Mỹ) đã kết thúc bằng cam kết thúc đẩy “mối quan hệ chiến lược cùng có lợi”, trong đó, hai bên nhấn mạnh tới lợi ích kinh tế chung và nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ tại mọi cấp độ. Tương tự, quan hệ Trung-Hàn cũng cho thấy dấu hiệu tích cực khi trong Tuyên bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Hàn Quốc đưa ra, nước này gọi Trung Quốc là “đối tác quan trọng”.
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 3 giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản |
Khi các trục song phương được “bôi trơn”, cỗ xe đóng vai trò “phá băng” trong mối quan hệ Trung-Nhật-Hàn cũng rục rịch lăn bánh, thể hiện qua cuộc hội đàm giữa các quan chức ngoại giao của 3 nước tại Seoul hồi cuối tháng 9. Điều mà người ta nhắc đi nhắc lại sau cuộc gặp này là việc Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhất trí nối lại hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của mỗi nước, vốn đã bị đình trệ suốt 4 năm qua. Dư luận cho rằng, động lực lớn nhất dẫn tới động thái xích lại gần nhau giữa 3 quốc gia này là bài toán lợi ích và nhu cầu hợp tác về an ninh, kinh tế. Nếu tạm gác lại những vấn đề còn tồn tại trong các mối quan hệ song phương, trong đó có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, nhu cầu hợp tác về kinh tế trong tam giác Trung-Nhật-Hàn vẫn rất lớn, bởi Trung Quốc vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới đang phập phồng bất ổn, cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên nếu được khôi phục sẽ là kênh đối thoại cần thiết để thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Thế nhưng, với việc Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ, người ta buộc phải đưa ra cái nhìn lạc quan có phần dè dặt về triển vọng “phá băng” trong mối quan hệ giữa 3 nền kinh tế hàng đầu Đông Bắc Á. Nói cách khác, “nhân tố Mỹ” vẫn đang ít nhiều có tác động đến chính sách, chiến lược đối ngoại của từng quốc gia, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán sắp tới liên quan tới việc bảo vệ lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia của mỗi nước.
Việc Mỹ điều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Missouri tới một căn cứ hải quân quan trọng ở Busan, Hàn Quốc hôm 17-12 và vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên một ngày sau đó cũng nhắc nhở thế giới rằng, vẫn còn đó trên bán đảo Triều Tiên chiếc ngòi nổ hạt nhân đang chực chờ bất cứ sai lầm nào để điểm hỏa. Tính cả vụ phóng này thì trong năm 2023, Triều Tiên đã thực hiện tổng cộng 5 vụ phóng ICBM. Mới đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng không ngần ngại nhắc tới khả năng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân nếu bị đối thủ khiêu khích. Đáp lại, giới chức Mỹ và Hàn Quốc đưa ra một động thái như “đổ thêm dầu vào lửa” khi đề ra mục tiêu thiết lập các hướng dẫn liên quan đến việc hoạch định và vận hành chiến lược hạt nhân chung, đồng thời nhất trí lồng ghép các kịch bản triển khai hạt nhân vào các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn trong năm tới. Tất cả những điều này là chỉ dấu cho thấy, vấn đề hạt nhân Triều Tiên tiếp tục là bài toán khó giải, không chỉ với khu vực mà với cả thế giới.
Những ngày cuối năm, các quốc gia Đông Bắc Á phải gồng mình vượt qua đợt giá rét và băng tuyết. Một cuộc phá băng trong các mối quan hệ song phương, đa phương cũng như trong việc giải quyết các vấn đề gai góc ở khu vực có lẽ cũng phải chờ vào những đột phá trong năm mới.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/dong-bac-a-2023-no-luc-pha-bang-756501
qdnd.vn
Ý kiến ()