Đông Bắc Á 2021: Hai công cuộc “làm lành”
Tiếp đà tàn phá từ năm ngoái,“bóng ma” Covid-19 không buông tha cho bất cứ nơi nào trên thế giới, bao gồm Đông Bắc Á.
Trong bức tranh ảm đạm vì dịch bệnh của năm nay, khu vực này lại ghi nhận một số tín hiệu chính trị-an ninh khá tích cực.
Những tưởng việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng sẽ giúp các nước Đông Bắc Á sớm kiểm soát được cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, thì virus SARS-CoV-2 vẫn như con ngựa hoang tung vó cày xới. Thực sự, Đông Bắc Á phải vật lộn trong phòng, chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội để dần hàn gắn “vết thương” do Covid-19.
Chẳng khác là bao so với năm 2020, “bóng ma” Covid-19 tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh của khu vực khi những ngày cuối cùng của năm 2021 đang cận kề. Trung Quốc đã ngăn chặn các đợt bùng phát cộng đồng hiệu quả với các biện pháp cứng rắn, bao gồm việc đóng cửa biên giới hơn một năm nay.
Dẫu vậy, những đợt bùng phát lẻ tẻ không ngừng suốt nhiều tuần qua cho thấy thách thức ngày càng tăng khi Bắc Kinh theo đuổi Chiến lược “zero Covid” (không có ca nhiễm). Tương tự, sau khi giữ số ca nhiễm ở mức thấp trong hơn 6 tháng đầu năm cùng chính sách mở cửa hướng tới “sống chung” với Covid-19, Hàn Quốc gần đây lại liên tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao chưa từng thấy.
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc, hôm 8-12. Ảnh: Vnexpress |
Chính quyền Seoul đứng trước sức ép phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn dù Tổng thống Moon Jae-in từng tuyên bố đất nước sẽ không “lùi về quá khứ”. Ngoài ra, “chuyện lạ” xuất hiện ở Nhật Bản khi số ca nhiễm mới bất ngờ giảm mạnh, trái ngược hẳn với tình hình dịch ở châu Âu hay một số nơi khác, cũng khiến giới chức nước này bối rối thay vì vui mừng. Trước việc các biến chủng cũ và mới lây lan nhanh, đe dọa đảo ngược thành quả phòng dịch, các nước Đông Bắc Á vẫn cần phải đề cao cảnh giác.
Không những vậy, các “cú giáng” bất ngờ của Covid-19 đã làm gia tăng lo ngại về đà phục hồi của Đông Bắc Á-khu vực được xem là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Năm ngoái, những biện pháp phòng dịch quyết liệt đã giúp Trung Quốc khởi động lại nền kinh tế trước các quốc gia lớn khác.
Tuy nhiên, cái giá của Chiến lược “zero Covid” đang lộ rõ. Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý III-2021 chỉ đạt mức 0,2% so với quý trước đó, đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ giai đoạn suy giảm lịch sử của quý I-2020.
Tác động của đại dịch cũng khiến Nhật Bản có thể không đạt được mục tiêu phục hồi về lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay. Theo thông báo từ Văn phòng Nội các Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III-2021 giảm khoảng 0,8% so với quý trước đó và 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nền kinh tế Hàn Quốc chứng kiến xuất khẩu thiết bị bán dẫn và ô tô tăng mạnh, nhưng số ca nhiễm mới gia tăng kéo theo việc áp dụng các quy định phòng dịch chặt chẽ hơn đang làm dấy lên quan ngại bất ổn kinh tế.
Trong một năm đầy biến động vì dịch bệnh như vậy, bầu không khí chính trị-an ninh ở Đông Bắc Á cũng có phần trầm lắng hơn. Không còn quá nhiều “lời qua tiếng lại” về tranh cãi chủ quyền lãnh thổ, về những cuộc tập trận chung rầm rộ hay về vấn đề hạt nhân.
Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, một trong những “điểm nóng” đối với hòa bình và ổn định của khu vực, vẫn trồi sụt nhưng không ở mức leo thang gay gắt.
Đường dây liên lạc trực tiếp giữa hai miền đã thông suốt. Seoul còn đưa ra đề xuất về việc chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai bên; trong khi Bình Nhưỡng cũng có những điều kiện tiên quyết nhất định như thể để ngỏ cơ hội chứ không cự tuyệt thẳng thừng. Điều đó hướng tới triển vọng mức độ căng thẳng liên Triều nếu không giảm bớt thì cũng sẽ không gia tăng.
Quan hệ quốc phòng bị gián đoạn vào năm 2017 giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã được nối lại. Thêm vào đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Hàn Quốc vào tháng 9 càng thể hiện mong muốn của Bắc Kinh xích lại gần hơn với Seoul trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực xây dựng lại quan hệ với các đồng minh châu Á để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực.
Ngược lại, Hàn Quốc cũng hy vọng Bắc Kinh có thể giúp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Với Nhật Bản và Hàn Quốc, cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp dự kiến diễn ra vào tháng 7 nhân sự kiện Olympic Tokyo 2020 tuy đã đổ vỡ nhưng lãnh đạo hai nước đã điện đàm, trong đó nhất trí tăng cường tham vấn ngoại giao nhằm thu hẹp bất đồng về các vấn đề lịch sử.
Dù vậy, những diễn biến tích cực trên thực tế vẫn không thể khỏa lấp được các bất đồng vốn dai dẳng và chưa tìm được lời giải khả dĩ tại một trong những khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng của thế giới. Tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách phía trước; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ Trung-Nhật, Trung-Hàn, Nhật-Hàn vẫn chưa tìm được mẫu số chung hợp lý; hay như vấn đề bồi thường chiến tranh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn còn quá nhiều khoảng cách, chưa thể đạt được một thỏa thuận làm hài lòng đôi bên…
Bước vào năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid 19 được dự đoán sẽ còn kéo dài, người ta hy vọng các nước trong khu vực sẽ hạn chế bất đồng, tăng cường hợp tác để ứng phó với dịch bệnh và tìm cách phục hồi nền kinh tế.
Ý kiến ()