Đơn vị nhận vốn có vô can khi các dự án ODA đội chi phí?
‘Nhược điểm trong các dự án ODA, đặc biệt tại những dự án song phương là tình trạng đội vốn và một trong những nguyên nhân được biết đến là quá trình khảo sát ban đầu không kỹ.’
Mặc dù vốn ODA thường có lãi suất thấp song do phụ thuộc quá nhiều vào đối tác cấp vốn với những điều kiện ràng buộc về nhà thầu, cung cấp thiết bị kỹ thuật, chuyên gia tư vấn… đã dẫn đến giá thành cao.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội: “ Những dự án ODA đi vay với lãi suất có vẻ thấp song tổng chi phí thường rất cao. Như người ta nói, vốn giá rẻ mà thành giá đắt.”
Trách nhiệm của đơn vị nhận vốn?
– Nhiều dự án dùng vốn ODA đang có tình trạng đội vốn lớn. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này từ đâu?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Nhược điểm của các dự án ODA , đặc biệt ở những dự án song phương là tình trạng đội vốn. Một trong những nguyên nhân chính là do quá trình khảo sát ban đầu không kỹ nên quá trình thực hiện luôn phải điều chỉnh, khiến công trình bị tăng vốn đồng thời kéo dài thời gian.
Dĩ nhiên, hiệu quả của dự án chắc chắn bị ảnh hưởng vì không chỉ khối lượng vốn đội lên mà còn bởi dự án không được đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch.
Một nguyên nhân cơ bản khác là quá trình xây dựng dự án thường phụ thuộc quá nhiều vào đối tác cung cấp vốn, thường yếu tố bất lợi lại thuộc về phía Việt Nam khi làm hợp đồng.
Cụ thể, khi nhận vốn ODA song phương, đối tác thường có những yêu cầu đi kèm, như điều kiện sử dụng nhà thầu của các nước trong giới hạn của đơn vị cấp vốn; thiết bị kỹ thuật và nguyên vật liệu thường do các nước đó cung cấp; thậm chí phải sử dụng đội ngũ chuyên gia của họ với giá cao.
Đôi khi, những dự án ODA lãi suất vay lúc đầu có vẻ thấp nhưng tổng chi phí về sau lại thành cao. Như người ta nói, vốn giá rẻ mà thành giá đắt.
– Vậy làm thế nào để thay đổi sự lệ thuộc trên, thưa ông?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường:Tôi cho rằng, việc huy động vốn ODA là cần thiết vì Việt Nam đang cần đầu tư nhiều trong khi lại thiếu vốn, tuy nhiên cần thay đổi phương thức.
Trước hết, vai trò, trách nhiệm của đơn vị nhận vốn ODA phải được tăng lên với điều kiện nhận vốn phải có trách nhiệm về hiệu quả của dự án. Nâng cao yếu tố tự vay tự trả, không thể tiếp tục để tình trạng đơn vị chỉ biết nhận vốn song trách nhiệm trả lại thuộc Nhà nước.
Khi tăng phần tự vay tự trả, các đơn vị nhận vốn chắc chắn sẽ có trách nhiệm hơn từ thiết kế dự án, thảo thuận điều khoản để làm sao ít bất lợi nhất cho người sử dụng vốn.
Thêm vào đó, các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện 100% của Nhà nước cần phải tăng cường vai trò của cơ quan, ban ngành trong việc thiết kế dự án để tránh sai lệch trong quá trình triển khai. Ngoài ra, quá trình thỏa thuận phải tránh lệ thuộc vào những điều khoản bất lợi như thời gian vừa qua.
C ố tình nhận rẻ để có dự án
– Trên thực tế, t ình trạng đội vốn đã kéo dài nhiều năm v à đã có không ít các giải pháp được đưa ra nhưng tới nay vẫn chưa khắc phục được. Vậy, n hững giải pháp trên liệu có đủ sức nặng , thưa ông?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường:Tôi cho rằng, tình trạng đội vốn kéo dài một phần do cơ quan tư vấn lập thiết kế không đủ tốt và không quy trách nhiệm cho họ.
Do đó, các đơn vị tư vấn, lập dự án cần được quy trách nhiệm và phải bị xử lý nếu quá trình triển khai nảy sinh ra các vấn đề. Song trên thực tế, các cơ quan này chưa bao giờ bị xử lý nên họ cứ lập dự án và hưởng thù lao, quá trình triển khai có trách nhiệm ra sao thì gần như chưa nhiều.
Một yếu tố khác là khi tiến hành các hợp đồng ký kết, các nhà thầu phải tham gia quá trình khảo sát các phương án triển khai. Và, các đơn vị đã nhận thầu thì sự thay đổi, sự phát sinh phải hạn chế tối thiểu.
Trong trường hợp, dự án có những thiết kế đúng, khảo sát đúng, phê duyệt dự án đúng nhưng quá trình thi công làm phát sinh, đơn vị thi công sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
Do, từ trước đến nay không có thông lệ truy cứu trách nhiệm, vì vậy các cơ quan tư vấn, phê duyệt chỉ cần làm cho xong miễn làm sao được nhận vốn, được phê duyệt, rồi nảy sinh vấn đề sẽ điều chỉnh sau. Thậm chí, đơn vị lập dự án đã biết trước sẽ có điều chỉnh nhưng họ vẫn đưa ra mức vốn ban đầu thấp nhằm được phê duyệt nhanh, vì nếu vốn cao dự án có thể sang nhóm khác, cấp phê duyệt khác nên chậm. Vì thế, người ta cố tình làm để có dự án.
– Thưa ông , công tác giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung rất chậm trễ , do đó cần có những giải pháp gì?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường:Theo tôi trong Luật Đầu tư công phải chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Giải ngân chậm một phần do quy trình thực hiện dự án quá nhiều khâu phức tạp, vì vậy Luật Đầu tư công phải thay đổi với mục tiêu đơn giản hóa các khâu.
Một điểm lớn khác là lựa chọn dự án nào có thể sẵn sàng giải ngân là vấn đề. Hiện có nhiều dự án được phê duyệt, được cấp vốn nhưng không giải ngân được, nguyên nhân do các đơn vị chuẩn bị dự án vội vàng để có dự án và dẫn đến tình trạng xếp hàng chờ đợi. Thêm vào đó, nhiều dự án chuẩn bị ban đầu chưa tốt nên khi có khi rót vào cả năm trời nhưng vẫn không triển khai được. Theo tôi đã đến lúc cần phải thay đổi quy trình lựa chọn dự án đầu tư./.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()