Ðồn thổi học phí đào tạo lái xe tăng vọt để lôi kéo người học
Một cơ sở đào tạo lái xe.
Không tăng học phí
Một trong những điểm mới tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT thay thế Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ bổ sung quy định ứng dụng công nghệ như đào tạo, sát hạch qua ca-bin, phần mềm mô phỏng, giám sát trực tuyến học lý thuyết và thực hành với mục tiêu siết chặt, nâng cao chất lượng đào tạo. Ðiều này khiến thời gian qua, dư luận rộ lên thông tin cho rằng, học phí lái ô-tô năm 2020 sẽ lên tới 30 triệu đồng do phát sinh thêm nội dung đào tạo, cơ sở vật chất để theo dõi học và thi. Thông tư 38 về đào tạo cấp GPLX bổ sung nhiều quy định mới như thêm hai môn học là xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên ca-bin. Những ca-bin tập lái được tích hợp nhiều bài thi, nhiều điều kiện thời tiết, cũng như những cung đường sẽ gặp trên thực tế. Thời gian học với thiết bị mô phỏng là ba giờ trước khi tập lái trên đường. Trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết – mô phỏng – trong hình – trên đường, nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng sẽ không được sát hạch trên ô-tô.
Một thay đổi đáng lưu ý so với chương trình đào tạo cũ là môn Ðạo đức người lái xe và văn hóa giao thông được đổi thành Ðạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Trong đó, nội dung “Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông” chiếm hai giờ. Ngoài ra, từ ngày 1-6-2020, GPLX cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý, bao gồm cả mã số của cơ sở đào tạo lái xe. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng thống kê được số lượng và loại lỗi vi phạm của học viên theo từng cơ sở đào tạo lái xe.
Là đơn vị đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Ðông Ðô (Bắc Ninh) Trần Văn Toản chỉ ra thực tế, Trung tâm chưa tăng giá học phí đào tạo lái xe mà chỉ điều chỉnh dần về mức phí thực của việc đào tạo bằng lái xe. “Trước đây, việc tuyển sinh đào tạo học viên lái xe cạnh tranh nên một số trung tâm đưa ra mức giá ba đến bốn triệu đồng, sau đó trong quá trình học tiếp tục thu thêm. Trung bình, mức phí học lái xe hàng chục năm nay vẫn dao động quanh mức từ 10 đến 15 triệu đồng và đây là điều hết sức bình thường”, ông Toản khẳng định. Nhấn mạnh mỗi đơn vị trung tâm đào tạo có mức giá đào tạo khác nhau để cạnh tranh nhưng không thể “bắt tay” tăng giá, ông Toản cho rằng, thời gian qua, việc đào tạo, sát hạch lái xe được thực hiện theo hình thức xã hội hóa đào tạo, bản thân các cơ sở đào tạo tự xây dựng thương hiệu, các thông tin tuyển dụng học viên, học viên tự đăng ký cơ sở đào tạo không cần qua trung gian hoặc cò mồi gây nên thông tin sai lệch.
Né Thông tư 38, nhiều cơ sở quá tải học viên
Theo Vụ trưởng Phương tiện và người lái (Tổng cục ÐBVN) Lương Duyên Thống, không có chuyện giá đào tạo lái xe ô-tô tăng lên mức vài chục triệu đồng. Ðối với quy định các trung tâm đầu tư cơ sở vật chất mới như ca-bin tập lái, thiết bị mô phỏng, năm nay Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng quy chuẩn, sau 6 tháng quy chuẩn có hiệu lực thi hành cơ sở mới phải đầu tư, nên chưa thể nói tăng phí đào tạo. Cơ quan quản lý không chi phối mức học phí của các trung tâm đào tạo lái xe. Cơ sở đào tạo lái xe tự xây dựng mức phí trên cơ sở nội dung, chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, chi phí đào tạo,… Sau khi xây dựng, cơ sở đào tạo phải công khai mức học phí và trình cơ quan quản lý nhà nước địa phương theo dõi giám sát. Khi đầu tư thêm cơ sở vật chất, các cơ sở đào tạo sẽ tính toán lại để ban hành mức phí phù hợp. Tuy nhiên, theo cơ chế thị trường, nếu trung tâm nào tăng cao quá sẽ bị người học tẩy chay. Thời gian gần đây, Tổng cục ÐBVN nhận được thông tin, nhu cầu đào tạo lái xe năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhất là ở các thành phố lớn, tăng nhiều nhất là các địa phương phía bắc. Việc tăng số lượng người học xuất phát từ nhu cầu người muốn tham gia học để điều khiển phương tiện. Khi số lượng học viên tăng đột biến thì các cơ sở đào tạo không đủ cơ sở vật chất để đào tạo học viên, dẫn đến việc ùn và chờ đợi tham gia học và sát hạch bằng lái.
Chỉ ra nguyên nhân về lượng học viên đăng ký học bằng lái xe tăng đột biến, theo ông Toản, Thông tư 38 có sự thay đổi về việc siết chặt việc học tập trung như quy định từ ngày 1-5-2020 điểm danh học viên học môn pháp luật giao thông đường bộ, đến tháng 1-2021 điểm danh về thời gian lái xe thực hành,… Do đó, học viên muốn “né” điểm danh nên đăng ký học đông, dẫn đến khó khăn cho trung tâm trong việc đào tạo học viên. Chất lượng đào tạo sát hạch lái xe đang làm tốt nhưng hiện nay phần nào gây khó khăn cho cơ sở đào tạo và người học, chưa phù hợp thực tế như học tập trung lý thuyết, học và sát hạch bằng lái xe thông qua thiết bị mô phỏng, bổ sung thêm nội dung lái xe an toàn và tác hại của rượu, bia… ông Toản kiến nghị, Nhà nước nên siết chặt công tác sát hạch bằng cách tăng điểm thực hành lên tới 90 điểm mới đỗ (so với 80 điểm hiện nay). Liên quan phản ánh nhiều hồ sơ học viên bị ùn lại do các trung tâm đào tạo lái xe khóa sổ, dừng nhận học viên, theo ông Toản, Trung tâm Ðông Ðô cũng đang bị quá tải hồ sơ đến tháng 6-2020 do học viên đăng ký học quá đông. So với lưu lượng đào tạo (cơ sở phòng học lý thuyết, lượng xe học thực hành, giáo viên của trung tâm) chỉ đào tạo được từng khóa, nên giờ học viên đăng ký phải sau tháng 6 tới mới có thể vào khóa học mới. Các trung tâm khác trên cả nước cũng đều rơi vào tình trạng này.
Ðể khắc phục tình trạng ùn ứ học viên, tăng phí đào tạo, Tổng cục ÐBVN yêu cầu các cơ sở đào tạo tăng đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu tăng. Người học nếu có nhu cầu thật sự mới nên đăng ký học, tránh hiện tượng đăng ký nhằm “né” quy định gây quá tải, để các cơ sở đào tạo lấy lý do tăng học phí. Tổng cục cũng yêu cầu các sở giao thông vận tải kiểm tra, giám sát tuyển sinh cũng như thu phí đào tạo, bảo đảm việc thực hiện theo đúng quy định.Về vấn đề này, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh đề xuất, cơ quan quản lý Nhà nước phải tiến hành thanh tra tại một số trung tâm và đề ra các giải pháp chấn chỉnh kịp thời, tuyên truyền cho người dân khi nộp hồ sơ nhận thức đúng đắn, học và thi nghiêm túc, lấy GPLX hợp lệ chính là bảo đảm an toàn cho bản thân và nâng cao trách nhiệm cá nhân khi điều khiển phương tiện.
Ý kiến ()