“Dọn ổ” đón đại bàng
Thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, cộng với nỗ lực cải cách giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc chạy đua thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các quốc gia khác trong khu vực đang tạo sức ép cạnh tranh lớn chưa từng có đối với chúng ta.
Không phải “một mình một chợ”
Dịch Covid-19 đang làm tăng khả năng xuất hiện những chiếc điện thoại và máy tính xách tay “Made in Vietnam” ngay trong năm nay. Hai “gã khổng lồ” là Google và Microsoft đã tăng tốc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông – Nam Á trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều tác động khó lường. Việt Nam lọt mắt xanh của Google và Microsoft để chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang. Trong làn sóng dịch chuyển này, Mỹ xác định, Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng.
Một hãng sản xuất tên tuổi khác là Panasonic cũng đã quyết định sẽ chuyển nhà máy đến Hà Nội nhằm hiện thực hóa chiến lược hình thành một trung tâm sản xuất máy giặt và máy lạnh lớn nhất tại Đông – Nam Á. Thêm nữa, trong số 30 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản được nhận trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản thông qua Chương trình tăng cường chuỗi cung ứng ở nước ngoài, mới đây, có tới 15 DN đăng ký mở rộng đầu tư sang Việt Nam.
Theo bà Vân Nguyễn, Giám đốc bộ phận thị trường của Công ty Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, xu hướng dịch chuyển các nhà máy rời khỏi Trung Quốc đã có từ cách đây vài năm bởi chi phí nhân công và thuê đất ở quốc gia này đang tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Giai đoạn này, làn sóng chuyển dịch đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi những tác động của dịch Covid-19. Có nhiều lý do để Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Nhưng, thị phần FDI không dễ dàng mở rộng khi mà nhiều nước như Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Băng-la-đét… cũng đang tăng tốc chạy đua để khiến mình hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng của mình.
Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a vốn là những thị trường được các DN quan tâm, vì đây là nước có lợi thế về diện tích lớn, nguồn lao động tốt, cũng đã cho thấy quyết tâm nắm bắt cơ hội. Rất nhạy bén, Ấn Độ chủ động tiếp xúc với hơn 1.000 công ty của Mỹ và nhiều quốc gia khác để mời gọi đầu tư. Hàng loạt nỗ lực được chính phủ nước này cùng lúc triển khai như chủ động đưa ra các ưu đãi thu hút đầu tư, nỗ lực chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch, hạ tầng để chào mời nhà đầu tư, nghiên cứu các chính sách miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư trong một số lĩnh vực ưu tiên, cam kết quỹ đất… Ấn Độ cũng chọn 10 ngành chủ chốt để tập trung thúc đẩy sản xuất, mở rộng các kênh tiếp cận những công ty đang tìm nơi đầu tư và di chuyển. Còn In-đô-nê-xi-a cũng đã giảm thuế, đưa ra cam kết quỹ đất cho các nhà đầu tư. Thêm nữa, các nhà lãnh đạo cấp cao cũng đã đưa ra cam kết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhận định, trong cuộc đua thu hút FDI, rõ ràng Việt Nam không phải “một mình một chợ”. Sau khi nhiều tập đoàn đa quốc gia quyết định đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Đông – Nam Á được coi là điểm đến hấp dẫn và ngoài Việt Nam, các nước khác cũng đều nhận thức điều này nên rất nỗ lực để thu hút đầu tư.
Đâu là giải pháp đột phá?
Dù Việt Nam đứng trước cơ hội hay những áp lực cạnh tranh thì theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chúng ta cũng cần một góc độ tiếp nhận điềm tĩnh. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, trước mắt cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón cả “đại bàng” và “chim sẻ” theo đúng tinh thần của Nghị quyết 50/NQ-TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, như ổn định kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thích hợp… Đặc biệt phải có đất sạch, không gian tốt trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, nguồn lao động đủ cung ứng và thể chế phải đủ sức cạnh tranh, bởi các nước khác cũng đang chào đón làn sóng dịch chuyển này.
Đáng chú ý, Việt Nam cần phải có những giải pháp đột phá để thu hút FDI chất lượng cao, chứ không phải đại trà. Bởi hiện nay, Việt Nam phần lớn mới chỉ nhận đầu tư từ các nước châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po, gần đây là Trung Quốc, rất ít vốn đầu tư từ Mỹ, châu Âu. Trong khi, đây mới là những nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, phù hợp với chúng ta trong chuyển đổi tái cơ cấu.
Chia sẻ cách tiếp cận này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam nên có chế độ và chính sách đối với từng nhà đầu tư khác nhau, gọi là “chính sách may đo”. Đó là cuộc chơi cùng thắng cho cả hai và chúng ta phải hành động, phát hiện và xử lý đúng vấn đề mà nhà đầu tư đang cần.
Bên cạnh chính sách đột phá thu hút FDI, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có chiến lược nâng trình độ DN nội lên một tầm cao mới để có sự liên kết với các DN nước ngoài, phát huy thế mạnh và tiềm năng của các tập đoàn lớn, đây chính là những cánh chim đầu đàn, là các đầu tàu kéo nền kinh tế tăng trưởng. Đồng thời, phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm quản lý cấp cao và lao động có tay nghề. Muốn vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần triển khai các chương trình liên kết đào tạo để đáp ứng được yêu cầu này.
Đón được “đại bàng” là điều ai cũng mong muốn, song điều quan trọng là các “đại bàng” này mang lại hiệu quả thực tế ra sao cho nền kinh tế nước nhà. Để tận dụng hiệu quả cả trước, trong và sau làn sóng đầu tư mạnh mẽ này, thiết nghĩ “chiếc ổ” cho “đại bàng” phải được hoàn thiện, không chỉ bằng thành tích trong chống dịch bệnh mà còn là trình độ của DN nội địa, nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách thể chế để phát huy tốt nhất hiệu quả các dự án.
Sau khi bị chững lại vào những tháng đầu năm 2020, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt 19,54 tỷ USD trong tám tháng của năm nay. Cả vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tại Việt Nam đều tăng so cùng kỳ tám tháng của năm 2019, với mức tăng lần lượt là 6,6% và 22,2%.
Ý kiến ()