Dồn nguồn lực cho DN công nghiệp hỗ trợ vượt khó sau dịch
Các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu khi xu hướng dịch chuyển đầu tư của các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đổ về Việt Nam.
DN CNHT TPHCM đẩy mạnh sản xuất sau dịch COVID-19 |
Đối với nhóm các ngành công nghiệp, trong 5 tháng đầu năm 2020, các ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, như hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 23,2%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 19,4%; điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,8%… Một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như sản xuất kim loại giảm 46,5%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 34,1%; sản xuất máy móc, thiết bị khác giảm 24,6%; sản phẩm kim loại đúc sẵn giảm 22,8%…
Hiện nay, TPHCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ DN công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phục hồi và phát triển sau dịch COVID-19.
Kích cầu đầu tư, hỗ trợ DN tiếp cận vốn ưu đãi
Theo Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (thuộc Sở Công Thương TPHCM) qua gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND Thành phố (Nghị quyết 16) về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018-2020 đã có 1.500 lượt DN, đơn vị tiếp cận các chính sách theo chương trình kích cầu.
Hiện đã có 24 dự án đầu tư của các DN công nghiệp hỗ trợ thực hiện đầu tư trên địa bàn Thành phố được UBND TPHCM phê duyệt tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay để đầu tư là 1.000 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa là 7 năm.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, chương trình kích cầu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố nhằm hỗ trợ DN trong nước có điều kiện đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị để sản xuất sản phẩm đạt yêu cầu cung ứng đến các DN lắp ráp đầu cuối, góp phần đưa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ TPHCM tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, Sở Công Thương đang xây dựng nghị quyết mới giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thông qua chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố.
Bên cạnh chương trình kích cầu đầu tư, Sở Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Thành phố và các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn Thành phố hỗ trợ các DN tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, cũng như hỗ trợ DN được khoanh nợ, giãn nợ… Kết nối DN tiếp cận lãi suất ưu đãi ngắn hạn bằng VNĐ (lãi suất không quá 5%/năm) đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực (DN nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao), dư nợ đến đầu tháng 5/2020 đạt gần 165.000 tỷ đồng, với 31.538 khách hàng vay vốn.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, ngoài chương trình cho vay vốn kích cầu đầu tư, Thành phố còn triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng; tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, có lợi thế để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tăng cường kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm
Ông Nguyễn Phương Đông cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nắm thông tin về nhu cầu nhập khẩu của các nước cũng như nguồn nguyên liệu sản xuất từ các nước, qua đó phân tích xác định các mặt hàng có thể xuất khẩu hoặc nhập khẩu, các thị trường xuất khẩu chia theo từng ngành để hỗ trợ các DN của Thành phố có khả năng xuất khẩu tận dụng cơ hội, đẩy mạnh sản xuất và gia tăng xuất khẩu các mặt hàng mà Thành phố có lợi thế cạnh tranh.
Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang triển khai xây dựng Kế hoạch phát động “60 ngày vàng khuyến mại” trên địa bàn Thành phố trong tháng 6 và tháng 7 năm 2020 nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.
Cùng với đó là chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 nhằm hỗ trợ DN trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho, phát triển thị trường tiêu thụ trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ
Ngoài ra, Sở Công Thương Thành phố cũng thành lập Tổ công tác hỗ trợ DN. Tổ công tác thường xuyên trao đổi với các hội ngành nghề để nắm bắt khó khăn của DN, từ đó làm việc với các sở, ngành có liên quan; chủ động bố trí lịch đi thăm DN, mời các ngành có liên quan cùng đi để thống nhất các nội dung hỗ trợ DN ngay buổi làm việc.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, nhấn mạnh, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ cùng phối hợp với các đơn vị chức năng của Thành phố hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ tăng cường xúc tiến thương mại; đào tạo, nâng cao các kỹ năng cho công nhân theo 5S-Kaizen; đồng thời tăng cường hoạt động trên “không gian số” bằng cách cải thiện các website bán hàng của DN để tăng tính tương tác với khách hàng trong nước cũng như trên thế giới.
Ý kiến ()