Dồn lực tái cơ cấu để sản xuất kinh doanh bền vững
LSO-Trong 3 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trung ương trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh đầu tư, cơ cấu lại sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả để tiếp tục phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Lạng Sơn đã có cuộc trao đổi ngắn với đại diện hai doanh nghiệp trung ương đứng chân trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Tuyên, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV: “Tái cơ cấu gắn với cải tiến công nghệ để bảo vệ môi trường”.
Hiện Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV đang thực hiện tái cấu trúc để đảm bảo phát triển bền vững. Theo đó, công ty đã xây dựng kế hoạch, hiện đang tập trung đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời kỳ mới cho 15 cán bộ kỹ thuật. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản trị và kỹ năng vận hành nhà máy cũng như khai thác các công nghệ thiết bị hiện đại, tiên tiến công ty đã và đang đầu tư, cải tạo nâng cấp. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục cơ cấu lại lao động theo hướng tinh giản biên chế, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phấn đấu giảm lực lượng lao động từ 330 lao động năm 2017 xuống còn 270 lao động vào năm 2020. Ngoài ra, đơn vị tập trung ứng dụng công nghệ tự động hóa nhằm đánh giá hiệu suất của tổ máy và tính liên tục trong vận hành nhà máy. Song song với đó, công tác bảo vệ môi trường đang được công ty đặc biệt quan tâm, hiện công ty đang triển khai gói đầu tư lắp đặt thiết bị phần mềm giám sát online dự kiến hoàn thành cuối năm 2017 trị giá 5,3 tỷ đồng. Hệ thống này sẽ truyền trực tiếp tất cả các dữ liệu về rác thải của công ty, những thông số trung thực nhất đến các trung tâm giám sát môi trường của địa phương để quản lý xả thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Đầu tư, Công ty Than Na Dương: “Tập trung đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất gắn với bảo vệ môi trường”.
Với đặc thù hoạt động khai thác than lộ thiên, do vậy vấn đề đổi mới công nghệ khai thác, xử lý môi trường tại khai trường sản xuất luôn là vấn đề cấp bách đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Vì thế, trong những năm gần đây, công ty đã và đang đẩy mạnh đầu tư thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Năm 2013, công ty đã đầu tư 34 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại để bảo vệ môi trường. Năm 2017, đơn vị tiếp tục đầu tư 1 tỷ đồng để lắp đặt thiết bị xử lý nước thải nhiễm dầu tại phân xưởng cơ điện. Bên cạnh đó, việc đầu tư thay thế thiết bị xe vận chuyển than, máy móc thiết bị phục vụ khai thác do công ty lập đề án đã được Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam chấp thuận và đang được triển khai thực hiện. Trong năm 2017, tổng mức đầu tư để thay thế thiết bị xe vận chuyển than và máy móc cũ, lạc hậu bằng các thiết bị hiện đại có hiệu suất sử dụng cao, phục vụ sản xuất của công ty lên tới gần 37 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn tập trung giải phóng mặt bằng mở rộng khai trường sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển của tập đoàn với diện tích lên tới 254 ha. Tất cả các khoản đầu tư đã và đang được triển khai thực hiện nhằm nâng công suất khai thác than của công ty từ 600 nghìn tấn/năm lên 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2018, đảm bảo phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
TRANG NINH
Ý kiến ()