Ðơn giản thủ tục hành chính thông qua số hóa
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT (Thông tư 09) sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn Luật Ðất đai, có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Theo đó, có tới chín thông tư được sửa đổi, bổ sung; bao gồm: Thông tư 23 quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Thông tư 24 quy định về hồ sơ địa chính; Thông tư 25 quy định về bản đồ địa chính; Thông tư 37 quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư 02 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 43/2014/NÐ-CP và Nghị định 44/2014/NÐ-CP; Thông tư 61 quy định về cấp và quản lý Chứng chỉ định giá đất; Thông tư 07 quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; Thông tư 33 về hướng dẫn Nghị định 01/2017/NÐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật Ðất đai và sửa đổi thông tư hướng dẫn thi hành Luật Ðất đai; Thông tư 27 về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Theo quy định tại Thông tư nêu trên, việc làm thủ tục về nhà đất của các tổ chức, cá nhân sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây. Do đó, từ ngày 1/9, người dân nộp hồ sơ làm sổ đỏ sẽ không cần nộp kèm bản sao các giấy tờ để chứng minh nhân thân như sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, căn cước theo yêu cầu như các văn bản hướng dẫn trước đây. Cùng với đó, sẽ có thêm các trường hợp đăng ký biến động được cấp sổ đỏ, bao gồm: thửa đất được tách ra để cấp riêng sổ đỏ với trường hợp sổ đỏ đã được cấp chung cho nhiều thửa và trường hợp thay đổi diện tích đất trong thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở do xác định lại diện tích đất ở.
Mặt khác, nếu chủ sử dụng đất, sở hữu tài sản trên đất tặng, cho, hiến đất để làm đường giao thông, thủy lợi hoặc công trình công cộng thì sẽ được ghi rõ trên sổ đỏ phần diện tích đã cho, hiến, tặng. Trường hợp trên sổ đỏ đã cấp chung cho nhiều thửa đất, có thửa đất được tách ra để cấp riêng một sổ đỏ thì trên sổ đỏ đã cấp ghi rõ số diện tích được tách ra và cấp riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích đã tách theo quy định…
Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung phối hợp các bộ, ngành hữu quan thực hiện chia sẻ trực tuyến dữ liệu về lĩnh vực này. Ðơn giản hóa các thủ tục hành chính gắn với số hóa nhằm minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho các đối tượng quản lý dễ dàng sử dụng, giám sát và tiếp cận thông tin, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển là việc làm tất yếu trong xu thế hội nhập.
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao triển khai cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương; kết nối với Trung tâm thông tin điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai ngoài phục vụ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai còn là cơ sở để cung cấp thông tin đất đai nói riêng, tài nguyên và môi trường nói chung cho việc phát triển chính quyền điện tử, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Từ trước đến nay, việc xử lý các quan hệ liên quan đến nhà đất, thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, gây nhiều ách tắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí xảy ra tiêu cực trong hoạt động quản lý nhà nước có liên quan, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Khi số hóa, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Đơn giản thủ tục hành chính thông qua số hóa trong lĩnh vực đất đai là bản chất của một nền hành chính phục vụ. Người dân, doanh nghiệp mong muốn cú “click chuột” sớm thành hiện thực để tháo bớt phiền muộn không chỉ cho họ mà cho cả sự phát triển nhanh, đủ sức hội nhập của nền kinh tế, xã hội quốc gia.
Ý kiến ()