Đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý và Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
Bộ Tư pháp cho biết, trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp yêu cầu đơn giản hóa 05 thủ tục hành chính:
(1) Thủ tục Yêu cầu trợ giúp pháp lý: Bổ sung trường thông tin về số căn cước công dân, bỏ trường thông tin về ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc tại mẫu “Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý”.
(2) Thủ tục Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý: Mẫu hóa mẫu “Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý”. Mẫu đơn gồm hai phần: Thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, đối với thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
(3) Thủ tục Khiếu nại về từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, không thực hiện trợ giúp pháp lý, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý: Mẫu hóa mẫu “Đơn khiếu nại về từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, không thực hiện trợ giúp pháp lý, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý”. Mẫu đơn gồm hai phần: Thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, đối với thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
(4) Thủ tục Công nhận và cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý: Bổ sung trường thông tin về số căn cước công dân, bỏ trường thông tin ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch tại mẫu “Đơn đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý”.
(5) Thủ tục Cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý: Mẫu hóa mẫu “Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý”. Mẫu đơn gồm hai phần:
Thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, đối với thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 (Đề án 06) đặt ra một số yêu cầu cần phải chuyển đổi phương thức thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự từ phương thức trực tiếp sang thực hiện trên môi trường điện tử (tái cấu trúc quy trình, áp dụng dịch vụ công trực tuyến; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu công dân đã có trong hệ thống cơ sở dữ liệu…). Yêu cầu ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia khác, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo hướng: khai thác, sử dụng thông tin trong các Cơ sở dữ liệu để không yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ, tài liệu, thông tin đã được lưu trữ trong các Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; bổ sung quy định về giá trị sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, giá trị sử dụng của các thông tin được tích hợp trong thẻ căn cước công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, xử lý vi phạm hành chính.
Thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 58/NQ-CP và Đề án 06, Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu rà soát, sửa đổi một số văn bản sau:
– Ngày 15/11/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL đã bổ sung trường thông tin về số căn cước công dân, bỏ trường thông tin dân tộc, quốc tịch tại mẫu “Đơn đề nghị làm cộng tác viên TGPL”, ban hành mẫu “Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên TGPL”.
– Ngày 28/8/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTP hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL, trong đó ban hành: (1) mẫu “Đơn yêu cầu TGPL” (mẫu số 02-TP-TGPL); (2) mẫu “Đơn khiếu nại” (Mẫu số 03-TP-TGPL); (3) mẫu “Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện TGPL” (Mẫu số 04-TP-TGPL).
– Ngày 31/12/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BTP ngày 30/12/2022 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực TGPL, hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, trong đó bỏ thông tin “dân tộc” tại mẫu “Đơn yêu cầu TGPL” (Mẫu số 02-TP-TGPL); bãi bỏ nội dung “ngày cấp… nơi cấp….” và nội dung “nghề nghiệp” tại mẫu “Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện TGPL” (Mẫu số 04-TP-TGPL) ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP.
Ngoài những nội dung đã sửa đổi nêu trên, qua rà soát Cục Trợ giúp pháp lý nhận thấy một số biểu mẫu trong công tác TGPL được quy định trong Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ dùng trong hoạt động TGPL, Thông tư số 12/2018/TT-BTP hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL vẫn còn thông tin về ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ thường trú của người nộp đơn trong một số mẫu đơn: Đơn đề nghị làm cộng tác viên TGPL; Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên TGPL; Đơn yêu cầu TGPL; Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện TGPL; Đơn đề nghị rút yêu cầu TGPL.
Đối với yêu cầu chuyển đổi phương thức thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự từ phương thức trực tiếp sang thực hiện trên môi trường điện tử: Qua rà soát hiện còn hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung đăng ký tham gia TGPL, hồ sơ đề nghị chấm dứt đăng ký tham gia TGPL, đơn khiếu nại chưa có quy định nộp qua qua fax, hình thức điện tử.
Từ những yêu cầu trên, việc xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 08/2017/TT-BTP và Thông tư số 12/2018/TT-BTP là cần thiết nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính cũng như đơn giản phương thức thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
Bỏ yêu cầu khai thông tin ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP, qua rà soát, Cục Trợ giúp pháp lý nhận thấy, một số trường thông tin liên quan đến ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú được quy định tại Mẫu số TP-TGPL-10, Mẫu số TP-TGPL-11 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP. Hiện nay, Cục Trợ giúp pháp lý đang xây dựng cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý, dự kiến trong thời gian tới sẽ kết nối Cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và một số Cơ sở dữ liệu khác. Các tổ chức trợ giúp pháp lý có thể khai thác một số thông tin về ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú trên các cơ sở dữ liệu trên.
Do vậy, Mẫu số TP-TGPL-10: Đơn đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Mẫu số TP-TGPL-11: Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý: bỏ yêu cầu khai các thông tin liên quan đến ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú. Các biểu mẫu đã được bãi bỏ một số nội dung và được thay thế bằng các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
Bên cạnh đó, để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo thuận tiện cho tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý khi thực hiện các thủ tục liên quan đến tham gia trợ giúp pháp lý, dự thảo Thông tư bổ sung thêm hình thức nộp qua fax, hình thức điện tử, cụ thể như sau:
Khi muốn thay đổi nội dung của Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc qua fax hoặc hình thức điện tử hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đã đăng ký.
Trường hợp chấm dứt theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 2 Điều 16 của Luật Trợ giúp pháp lý thì tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc qua fax hoặc hình thức điện tử hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính
Đề xuất thay thế một số biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP.
Qua rà soát, Cục Trợ giúp pháp lý nhận thấy, một số trường thông tin liên quan đến ngày tháng năm sinh, giới tính của người được trợ giúp pháp lý được quy định tại Mẫu số 02-TP-TGPL (Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý), Mẫu số 04-TP-TGPL (Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý) và Mẫu số 05-TP-TGPL (Đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý) ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP có thể được các tổ chức trợ giúp pháp lý khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và một số Cơ sở dữ liệu khác…
Do vậy, Điều 2 dự thảo Thông tư bãi bỏ thông tin ngày tháng năm sinh, giới tính của các biểu mẫu: Mẫu số 02-TP-TGPL, Mẫu số 04-TP-TGPL và Mẫu số 05-TP-TGPL và được thay thế bằng các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-trong-linh-vuc-tro-giup-phap-ly-102230828150855165.htm
Ý kiến ()