Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền
(LSO) – Thủ tục cấp giấy chứng nhận (GCN) bài thuốc gia truyền thuộc thẩm quyền giải quyết của sở y tế cấp tỉnh, thành phố. Thời gian qua, thủ tục này có nhiều quy định bất hợp lý gây khó cho người dân trong quá trình thực hiện.
Để có được 1 bộ hồ sơ hợp lệ xin cấp GCN bài thuốc gia truyền, người dân phải có 6 loại giấy tờ và 2 ảnh chân dung 4 cm x 6 cm. Các giấy tờ đó bao gồm: đơn đề nghị cấp GCN bài thuốc gia truyền ghi rõ quá trình hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền của dòng tộc, gia đình và bản thân, có xác nhận của chi hội đông y, trạm y tế xã nơi cư trú; sơ yếu lý lịch; bản giải trình về bài thuốc gia truyền ghi rõ xuất xứ của bài thuốc, công thức, cách bào chế, liều dùng, cách dùng, chỉ định và chống chỉ định; tư liệu chứng minh hiệu quả điều trị bài thuốc gồm sổ theo dõi người bệnh và danh sách tối thiểu 100 người bệnh trở lên; văn bản xác nhận quyền thừa kế bài thuốc được UBND cấp xã xác nhận.
Cán bộ Viện Dược liệu Trung ương tham quan vườn thuốc gia truyền của gia đình ông Nông Văn Quân, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan
Với thành phần hồ sơ như trên, thời gian qua đã gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện TTHC. Ông Nông Văn Quân, thôn Còn Chung, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan kể: “Giữa năm 2018, tôi có nộp 1 bộ hồ sơ đến Sở Y tế Lạng Sơn xin cấp GCN cho bài thuốc gia truyền chữa bệnh dạ dày. Để chuẩn bị hồ sơ này, tôi mất nhiều ngày xin xác nhận, đóng dấu các loại giấy tờ. Tôi thấy bất hợp lý ở chỗ đơn xin cũng phải lấy xác nhận của chi hội đông y và trạm y tế xã. Vậy giả sử tôi không phải là hội viên chi hội đông y xã thì sẽ không thể được xác nhận. Hơn nữa, bệnh nhân đến chữa bệnh trực tiếp tại gia đình tôi thì trạm y tế không thể nắm bắt để xác nhận được”.
Không chỉ có bất hợp lý trên, nhiều người dân cũng cho rằng trong hồ sơ còn yêu cầu những giấy tờ không cần thiết như phải có danh sách người bệnh. Để có danh sách người bệnh, người nộp hồ sơ phải cung cấp đầy đủ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, chẩn đoán, thời gian và kết quả điều trị của 100 người bệnh trở lên. Hơn nữa, hồ sơ đã yêu cầu phải có sổ theo dõi người bệnh do đó không nhất thiết phải có danh sách người bệnh vì 2 tài liệu này giống nhau. Những cái khó trên người dân chỉ cần mất thời gian, công sức cũng có thể chuẩn bị được nhưng việc bắt buộc người dân phải có văn bản xác nhận quyền thừa kế bài thuốc còn khiến người dân khó khăn hơn, thậm chí không thể thực hiện bởi trong thực tế có trường hợp ông, cha của người thừa kế bài thuốc đã qua đời thì không thể xác nhận vào văn bản này.
TTHC cấp GCN bài thuốc gia truyền là một trong những thủ tục liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Trung bình mỗi năm, Sở Y tế tiếp nhận, giải quyết 25 đến 50 hồ sơ TTHC này. Từ đầu năm 2018 đến nay, sở tiếp nhận trên 30 hồ sơ, cấp GCN 38 bài thuốc gia truyền cho các lang y trên địa bàn tỉnh.
Trước những phiền hà, rắc rối mà người dân đã và đang phải đối mặt khi thực hiện TTHC này, năm 2018, Sở Y tế đã rà soát, đề nghị đơn giản hóa thủ tục. Bà Bùi Thị Mẫn, Phó Chánh Văn phòng, cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC Sở Y tế cho biết: Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy thủ tục cấp GCN bài thuốc gia truyền có quy định không cần thiết, cần được bãi bỏ, đó là: yêu cầu xác nhận của chi hội đông y, trạm y tế cấp xã vào đơn xin cấp giấy; danh sách người bệnh và văn bản xác nhận quyền thừa kế bài thuốc. Qua tính toán, nếu bãi bỏ được các quy định này thì mỗi hồ sơ sẽ giảm 2,75% tổng chi phí thực hiện thủ tục.
Ngày 29/1/2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định 358/QĐ-BYT về việc công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số TTHC trong đó có TTHC cấp GCN bài thuốc gia truyền. Sau khi có quyết định này, Sở Y tế đã triển khai các bước xây dựng hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố công khai danh mục TTHC, trong đó có TTHC cấp GCN bài thuốc gia truyền. Tin tưởng rằng sắp tới, TTHC này sẽ được cắt giảm những quy định bất hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện.
Ý kiến ()