Dồn điền đổi thửa qua cách làm của Hà Nội
Trong quá trình phát triển "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", xây dựng nông thôn mới, công tác dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất hiện nay là điều kiện tiền đề quan trọng để sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, cơ giới hóa, sinh học hóa và áp dụng các thành tựu khoa học khác. Hà Nội là một trong những địa phương tích cực thực hiện hiệu quả công tác này và mang lại kết quả hết sức tích cực.
Kết quả bước đầu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, đến nay, thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 35.346,96 ha đất canh tác, bằng 23,22% tổng diện tích sản xuất đất nông nghiệp. Trong đó, một số huyện tập trung làm điểm, thực hiện tốt như: Chương Mỹ dồn đổi được hơn 7.947 ha, Mỹ Ðức hơn 6.149 ha, Sóc Sơn hơn 5.618 ha, Phú Xuyên hơn 5.526 ha, Mê Linh 1.832 ha… Từ khi có kế hoạch của UBND thành phố triển khai đến các huyện, kết quả bước đầu nói trên là tích cực, khả quan và rất đáng khích lệ. Vụ xuân 2013, nhiều nông dân đã ứng dụng máy cấy, máy gieo sạ vào sản xuất, rút ngắn được ngày công lao động, có thời gian tập trung vào phát triển sản xuất. Những cánh đồng mẫu lớn đã và đang hình thành đã cho kết quả bước đầu những “mùa vàng” mới cho người dân mà quan trọng hơn là từng bước góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, mở đường xây dựng nông thôn mới.
Bài học kinh nghiệm
Trong quá trình dồn điền đổi thửa tuy gặp không ít khó khăn nhưng cũng đã để lại những bài học kinh nghiệm cho thành phố và những địa phương khác tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh công tác này.
Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của nhân dân. Người dân với tâm lý thích ổn định, ngại thay đổi, khi chưa thấy lợi ích rõ ràng thì chưa làm. Do vậy để người dân hiểu được chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, hiểu được chương trình xây dựng nông thôn mới của Ðảng và Nhà nước là nhằm từng bước thực hiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của chính người dân, cư dân khu vực nông thôn, nông nghiệp. Muốn thực hiện được những điều đó thì “nút thắt” dồn điền đổi thửa phải được mở. Ðể người dân thấy được lợi ích của dồn điền đổi thửa sẽ tạo điều kiện tập trung được đất, sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa, có điều kiện để cơ khí hóa giải phóng sức lao động, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất. Mặt khác đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu, động đến đất đai, là động đến quyền lợi thiết thực nhất, không làm tốt công tác tư tưởng, người dân không đồng thuận không những không thể thực hiện được, mà dễ dẫn đến kéo bè cánh, vận động, lôi kéo, biểu tình, lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc chủ trương đúng hướng này. Do vậy trong quá trình tổ chức thực hiện, Hà Nội đã phải tận dụng tối đa các phương tiện thông tin tuyên truyền, vận động trên các kênh khác nhau từ báo, đài, truyền hình, in ấn hàng trăm tài liệu… đến hệ thống loa thông tin truyền thanh thôn xóm, xã phường.
Hai là, trên cơ sở đó, phát huy tính dân chủ, tạo đồng thuận cao trong tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để người dân được bàn, được tham gia, các chương trình kế hoạch được công khai, công tác được minh bạch hóa, là điều kiện để người dân tin tưởng và đồng thuận. Thực tế cho thấy ở những địa phương, điển hình như Liên Mạc, xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh, trải qua 27 cuộc họp; xã Tân Hưng (Sóc Sơn) phải trải qua 31 cuộc họp để bà con nông dân bàn bạc kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận phương án khoanh vùng, chia thửa theo phương thức canh tác lúa, hoa màu, chuyên canh cây ăn quả hay chuyển đổi trang trại… Rồi có những địa phương như xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), sau khi họp bàn, thống nhất, tạo sự đồng thuận, đến 29 Tết vẫn còn giao ruộng đất. Hay như ở thôn Tinh Mỹ, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, sau khi được họp bàn công khai, đồng thuận, việc tổ chức bốc thăm chia thửa từ chiều hôm trước kéo dài đến 2 giờ sáng hôm sau mới hoàn thành nhưng mọi người đều cảm thấy vui.
Ba là, tăng cường vai trò tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Dồn điền đổi thửa là một chủ trương lớn và đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng yêu cầu CNH-HÐH nông nghiệp, nông thôn. Ðể thực hiện được công tác này, sự vào cuộc của các tổ chức mặt trận, chi bộ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh… ở các xã, thôn, xóm, tổ, đội, khu dân cư… là rất quan trọng. Vì đây là những đoàn thể tiếp xúc gần nhất, trực tiếp nhất với dân trong triển khai, tổ chức thực hiện, tuyên truyền, bàn bạc, giải quyết, phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân. Mặt khác hầu như hộ gia đình nào cũng có những thành viên không là đảng viên thì cũng là hội viên của các tổ chức này, đây là những hạt nhân tích cực trong mỗi hộ vừa là đối tượng để triển khai thực hiện vừa là chủ thể tích cực vận động, tuyên truyền, giải thích để tạo sự đồng thuận trong mỗi hộ gia đình.
Bốn là, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp. Có thể nói, chưa bao giờ Hà Nội có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như thời gian qua. Nhất là sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách để các địa phương tập trung dồn điền đổi thửa. Ðể thực hiện tốt công tác này, thành phố có cơ chế hỗ trợ toàn bộ kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy định của Nhà nước… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng quy định hỗ trợ các ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa cấp xã, thôn kinh phí hoạt động, hội họp, tuyên truyền… một triệu đồng/mỗi ha; hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp kênh mương, thủy lợi nội đồng khi dồn điền đổi thửa, hỗ trợ toàn bộ bằng tiền mua vật tư khi kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Cùng với thành phố, nhiều huyện cũng tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ dồn điền đổi thửa. Ðiển hình như huyện Phú Xuyên, ngoài chính sách hỗ trợ của thành phố còn thực hiện hỗ trợ cơ giới hóa đồng ruộng cho các tập thể, cá nhân mua máy cấy. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ 45 triệu đồng/máy, UBND xã hỗ trợ 15 triệu đồng/máy, HTX nông nghiệp hỗ trợ 10 triệu đồng/máy.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()