Dồn điền, đổi thửa phát triển vùng nguyên liệu mía Quảng Ngãi
Dồn điền, đổi thửa là một trong những giải pháp giúp cho Quảng Ngãi thực hiện tốt chủ trương phát triển vùng nguyên liệu mía. Sau ba năm triển khai, từ thành công của các mô hình cần nhanh chóng nhân rộng để khôi phục và phát triển lại gần 10 nghìn ha vùng mía của tỉnh...Phổ Nhơn là xã miền núi, ở phía bắc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đời sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây mía với diện tích sản xuất mỗi năm hơn 1.000 ha. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đất trồng mía xen kẽ với đất lúa và nhiều cây trồng khác; mặt khác, hệ thống giao thông, tưới, tiêu hạn chế nên vùng mía thiếu ổn định và năng suất thấp. Năm 2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi chọn Phổ Nhơn là một trong ba xã của tỉnh xây dựng thí điểm mô hình Hợp tác xã chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi. Từ chỗ thí điểm ban đầu hơn 10 ha, sau ba năm thực hiện, Hợp tác xã chuyên canh mía Phổ Nhơn đã dồn điền, đổi...
Phổ Nhơn là xã miền núi, ở phía bắc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đời sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây mía với diện tích sản xuất mỗi năm hơn 1.000 ha. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đất trồng mía xen kẽ với đất lúa và nhiều cây trồng khác; mặt khác, hệ thống giao thông, tưới, tiêu hạn chế nên vùng mía thiếu ổn định và năng suất thấp. Năm 2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi chọn Phổ Nhơn là một trong ba xã của tỉnh xây dựng thí điểm mô hình Hợp tác xã chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi.
Từ chỗ thí điểm ban đầu hơn 10 ha, sau ba năm thực hiện, Hợp tác xã chuyên canh mía Phổ Nhơn đã dồn điền, đổi thửa được gần 150 ha mía. Không còn những ruộng mía nhỏ lẻ, rời rạc nằm cách xa nhau; giờ đây, mỗi lô mía của Phổ Nhơn có diện tích hơn 7.000 m2. Nhiều gia đình trước đây đời sống khó khăn, thiếu thốn, nay đã có thu nhập khá từ cây mía. Bà Lê Thị Năm, ở xã Phổ Nhơn, cho biết: Dồn điền, đổi thửa thì một sào được 5, 6 tấn còn làm lúa 1 sào không được ba bao lúa, tính ra là bù lỗ, làm mía được hơn. Ở đây tụi tôi ưa trồng mía hơn làm ruộng… Từ khi triển khai chủ trương đến lúc tiến hành công tác giao nhận đất, Hợp tác xã chuyên canh mía Phổ Nhơn đều tổ chức họp bàn, thảo luận để các hộ dân nhận rõ những lợi ích, hiệu quả to lớn từ một chủ trương đúng đắn, cần thiết và thống nhất cách làm; trong vận động thì lấy cán bộ, đảng viên làm đầu tàu gương mẫu thực hiện trước. Nhờ vậy, quá trình triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa trên địa bàn diễn ra nhanh, ít vướng mắc, trở ngại. Cùng với dồn diện tích canh tác, HTX còn làm tốt công tác vận động các hộ dân chung tay làm đường giao thông phục vụ sản xuất. Đến nay, các hộ trồng mía trong xã đã cùng nhau làm được gần 8 km đường giao thông nội đồng, hơn 11 km mương tưới, tiêu. Những cánh đồng chuyên canh mía liên vùng, liên thửa, rộng lớn; hệ thống thủy lợi nội đồng hình thành, thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào ruộng mía. Ông Huỳnh Vỵ, xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, cho rằng: Muốn đạt năng suất, chất lượng cao thì phải cơ giới hóa, vì đất cày thông, cày sâu thì cây mía có độ ẩm nhiều, phát triển tốt. Trong khâu dồn điền, đổi thửa thì giao thông nội đồng thuận lợi là điều rất quan trọng trong việc đi lại phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nên nhân dân rất đồng tình ủng hộ đóng góp tiền, công sức để làm…
Trước đây, năng suất mía bình quân của xã chỉ đạt 45 tấn/ha, bình quân tám chữ đường, sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa năng suất mía tăng lên 92 tấn/ha, chữ đường đạt hơn 10 chữ, chi phí sản xuất giảm rõ rệt; thu từ bán mía nguyên liệu và mía giống cỡ 50 triệu đồng/ha. Thấy rõ lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa, nhiều hộ dân ở xã Phổ Nhơn tự nguyện vào hợp tác xã và tập trung chuyên canh mía. Chủ nhiệm Hợp tác xã chuyên canh mía Phổ Nhơn Phạm Văn Năm cho biết: Không chỉ dân trong xã giờ ham chuyên canh mía mà thời gian qua, nhiều địa phương nơi khác cũng đến đây tham quan, học hỏi làm theo. Hiện HTX chúng tôi và huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ người dân tiếp tục dồn điền, đổi thửa trong thời gian tới…
Việc dồn điền, đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa, kết hợp xen canh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cây mía trở thành cây trồng chủ lực ở xã Phổ Nhơn. Đây cũng là mô hình cần nhân rộng trên địa bàn Quảng Ngãi để khôi phục và phát triển lại gần 10 nghìn ha mía của tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()