Ðồn biên phòng vì dân
Từ thị trấn Mường Tè (Mường Tè, Lai Châu) đi lên Ðồn biên phòng Pa Ủ, chỉ khoảng 60 km, mà vào mùa mưa, chúng tôi mất gần một ngày trời. Ra đón chúng tôi, lãnh đạo và chiến sĩ Ðồn biên phòng Pa Ủ đều cười thông cảm. Chỉ bảy năm về trước, họ vẫn còn đối mặt với đói ăn, ruồi vàng, bọ chó... Khó khăn là thế nhưng họ vẫn luôn làm theo lời Bác, giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc.
Từ thị trấn Mường Tè (Mường Tè, Lai Châu) đi lên Ðồn biên phòng Pa Ủ, chỉ khoảng 60 km, mà vào mùa mưa, chúng tôi mất gần một ngày trời. Ra đón chúng tôi, lãnh đạo và chiến sĩ Ðồn biên phòng Pa Ủ đều cười thông cảm. Chỉ bảy năm về trước, họ vẫn còn đối mặt với đói ăn, ruồi vàng, bọ chó… Khó khăn là thế nhưng họ vẫn luôn làm theo lời Bác, giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc.
Lo cho dân trước
Ngủ một đêm ở Ðồn Biên phòng Pa Ủ, sáng dậy, chúng tôi có cảm giác rất kỳ lạ cứ như thức dậy ở một nông trang dưới đồng bằng. 5 giờ 30 phút sáng mùa hè, trời hửng sáng, qua cửa phòng, sương sớm bảng lảng trên nóc đồn. Nghe tiếng kẻng báo thức tập thể dục của các chiến sĩ, đoàn phóng viên ỷ mình là khách, lại đi mệt hôm trước không dậy nổi, nằm ngủ rốn trong những âm thanh buổi sớm hỗn độn tiếng gà gáy, chó sủa, lợn kêu rống đòi ăn, bồ câu gù, khướu, sáo hót inh ỏi… 7 giờ sáng bước ra khỏi phòng, thấy Thượng tá Nguyễn Văn Ty (trong ảnh), Ðồn trưởng đang mặc quân phục nhưng đi ủng, chỉ đạo và phân công công việc trong ngày cho từng chiến sĩ trong đồn như một người cha chú trong gia đình thuần nông lắm việc. Ngoài một số sĩ quan, chiến sĩ tỏa đi nắm địa bàn, đi tuần biên (đồn phụ trách năm mốc từ 37 đến 41, với 28 km đường biên. Mốc gần nhất 25 km, xa nhất 50 km, toàn phải đi bộ và leo núi), chính trị viên Phạm Thanh Tùng xuống xã họp HÐND. Một số ít chiến sĩ còn lại ở đồn xắn quần, xắn áo tất bật chẻ củi, nấu ăn, cho gia súc, gia cầm ăn, chăm sóc vườn rau, ao cá (cả đồn có tới ba ao cá Bác Hồ).
Ðã từng đi các đồn xa xôi như Sì Lở Lầu, Dào San, Ka Lăng, Thu Lũm,… tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những ngôi nhà của đồn Pa Ủ. Ba “tòa” nhà, một khu nhà chỉ huy kiêm phòng họp, hai doanh trại cho các sĩ quan, chiến sĩ bao quanh một sân bóng chuyền. Tất cả đều là nhà vách gỗ, mái tôn tuềnh toàng vẫn như từ… 20 năm trước. Trong khi những đồn khác vừa kể trên đã được xây dựng khang trang từ 10 năm nay. Vậy mà chính những người sĩ quan, chiến sĩ ở trong các doanh trại tuềnh toàng ấy đã bỏ công sức, tiền của, vác tôn từ đường cái, vác gỗ bộ từ trên rừng, người thì bị dính bẫy kiềng trên rừng, người ốm sốt rét, quai bị hy sinh… để dựng gần một trăm ngôi nhà đại đoàn kết cho người dân ở các bản Hà Xi, Tân Biên, Mu Chi với chất lượng nhà… vượt cả doanh trại. Hỏi Thượng tá Ty, đồng chí không trả lời mà hỏi ngược lại tôi, đồn đóng quân ở xã nghèo nhất huyện, của huyện nghèo nhất tỉnh, tỉnh nghèo nhất nước, người dân còn không đủ ăn, bộ đội không cùng chịu khổ với dân như thế, doanh trại khang trang quá, biên phòng đi ô-tô xuống bản, chẳng hạn thế, thì ai nói dân nghe, dân làm theo? Phòng họp vách gỗ đơn sơ của đồn, một nửa vách phòng treo bằng khen và giấy khen, mới nhất là Thư khen của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích sau hai năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sự giản dị, tinh thần vượt khó khăn của những người lính nơi đây rõ trong từng nếp ăn, ở và rèn luyện chiến đấu. Họ vẫn giữ đúng bản chất, tác phong của Anh Bộ đội Cụ Hồ ở miền biên cương của Tổ quốc…
Chuyện về những người lính vùng biên ải
Ðồn trưởng Nguyễn Văn Ty lên nhận nhiệm vụ ở Pa Ủ từ năm 2006, và câu chuyện Ðồn Biên phòng Pa Ủ làm nhà giúp dân, đưa người La Hủ về, chấm dứt du canh du cư, chống ma túy, làm kinh tế… tuy là công lao của toàn đồn, cũng như Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu, nhưng quá trình ấy gắn liền với thời gian Thượng tá Ty làm Ðồn trưởng. Riêng đồng chí đóng góp một phần công sức không nhỏ. Sinh năm 1959 tại TP Nam Ðịnh, 19 tuổi chàng trai Nguyễn Văn Ty gia nhập lực lượng Công an vũ trang. Sau giải phóng, ông vào công tác tại cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Biên phòng tại TP Hồ Chí Minh và năm 1982 được đi học sĩ quan. Tiếp đó, đồng chí về Nam Ðịnh công tác tại các Ðồn Biên phòng Giao Phong, Ba Lạt… Năm 1987, đồng chí cùng 41 cán bộ, sĩ quan biên phòng đi tăng cường cho các khu vực biên giới phía bắc, lên Lai Châu. Từ đó đến nay, đồng chí đi khắp các địa bàn biên giới của Lai Châu cũ (gồm cả Ðiện Biên) và mới. Hiện nay, đồng chí cùng Ðồn trưởng Hoàng Văn Toàn (cùng quê Nam Ðịnh) là hai đồn trưởng lâu năm nhất ở biên giới Lai Châu, cả thảy 26 năm.
Năm 2006, Nguyễn Văn Ty nhận nhiệm vụ vào làm Ðồn trưởng Ðồn Pa Ủ, từ xã Mường Tè đến xã Pa Ủ chỉ mới có chín km đường, 11 km còn lại phải cuốc bộ. Trên đường đi, ông đã nghĩ đến việc phải làm sao đưa bà con La Hủ ở xã về định canh, định cư. Xã Pa Ủ có 12 bản, 513 hộ (2.731 khẩu) là người La Hủ, thuộc dân tộc thiểu số nằm trong đề án bảo tồn cấp Nhà nước, hơn 99% số tộc người này sống tại huyện Mường Tè, và 100% số dân xã Pa Ủ là người La Hủ, còn lại rải rác ở Pa Vệ Sủ, Bum Nưa, thị trấn Mường Tè. Người La Hủ có truyền thống du canh du cư, trồng, hút thuốc phiện và nguồn sống dựa gần như hoàn toàn vào tự nhiên săn bắt hái lượm, cho nên đói rách quanh năm với cái tên khốn khổ “người Xá Lá Vàng”. Năm 2008, đồng chí cùng các chiến sĩ, sĩ quan trong đồn đề xuất lên Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh khảo sát địa điểm để làm nhà, lập bản cho 32 hộ sống du canh ở cạnh suối Hà Xi – Hà Nê, là điểm xa nhất của xã trên đường đi tuần mốc, cách đồn 20 km đi bộ. Ðây được coi như “mô hình thí điểm” đầu tiên biên phòng làm nhà đại đoàn kết cho dân để vận động người dân định canh, định cư. Mới đầu không có kinh phí, Biên phòng Pa Ủ nợ công sức bộ đội, đóng góp tiền mua tôn dựng được 18 căn nhà, rồi vận động 18 hộ về ở. Năm 2009, có thêm nguồn đóng góp xã hội, đồn dựng thêm 14 căn nhà nữa, và tiếp sau đó là năm căn nhà gỗ lợp tôn cùng một dãy nhà làm trường mầm non và tiểu học. Ðến bản Hà Xi, tôi gặp đồng chí Vàng Và Chô, Công an viên người La Hủ. Ðồng chí cho biết, cuộc sống người La Hủ trước và sau khi có nhà đại đoàn kết đã khác một trời một vực. Từ bốn chòm bản rải rác với 32 hộ heo hút cuối rừng, đến nay, cả bản đã có 46 hộ với 202 khẩu, các hộ định canh, khai hoang trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc nên đời sống đã khá lên rõ rệt. Cả bản trước phải đi bộ 20 km ra xã thì nay đã có tới 14 cái xe máy, trẻ em được học chữ. “Thừa thắng xông lên”, đến năm 2011 – 2012, đồn Pa Ủ được rất nhiều nguồn ủng hộ xã hội, từ Học viện Biên phòng, Bộ chỉ huy đóng góp nhân lực, các doanh nghiệp đóng góp công san ủi, Ủy ban MTTQ Việt Nam với chương trình “Mái ấm biên cương” góp kinh phí nên đã làm tiếp được gần 60 căn nhà gỗ mái tôn cho dân ở hai bản Mu Chi và Tân Biên chỉ trong vòng một năm. Cùng với việc làm mái ấm cho dân ở, là việc vận động cai nghiện và nhổ cây thuốc phiện. Ðồn vận động người dân các bản ra đồn cai nghiện, mỗi đợt 10 người. Trong bốn năm, từ chỗ cả xã có hơn 200 người nghiện, thì nay chỉ còn 66 người, cây thuốc phiện cũng hầu như không còn nữa…
“Lo cho dân ấm chưa đủ… bởi vì dân còn nghèo, còn đói, bữa sắn bữa gạo qua ngày” – đó là tâm nguyện của người sĩ quan – Ðồn trưởng dành gần cả cuộc đời nơi biên giới, cũng như của tất cả cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan Ðồn Biên phòng Pa Ủ. Nơi biên cương hiểm trở này, ở bất kỳ trận tuyến nào: xóa đói, giảm nghèo, dạy chữ, làm kinh tế, bảo vệ biên giới…, người chiến sĩ quân hàm xanh cũng phải dũng cảm, gương mẫu đi đầu. Năm năm mới chỉ là hành trình “an cư”, xây dựng thế trận lòng dân. Còn thời gian tới, họ tự đặt ra cho mình là làm cho người La Hủ phải “lạc nghiệp” trên vùng đất mênh mông tới gần 33 nghìn ha. Chúng tôi đến Pa Ủ khi tất cả những chiến sĩ, sĩ quan vừa bám địa bàn về báo cáo chương trình khảo sát thực địa giúp dân làm kinh tế ở 12 bản. Bản Xà Hồ, Tân Biên, Cờ Lò 1, Cờ Lò 2 sẽ phát triển lúa nước. Bản trung tâm Pa Ủ, bản Mu Chi phù hợp làm kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc. Các bản Hà Xi, Nhú Ma, Ứ Ma như được trời cho trồng thảo quả. Bản Thăm Pa thì lợi về trồng cây ăn quả… Bao nhiêu dự định, ấp ủ Ðồn Biên phòng Pa Ủ cùng chính quyền địa phương và nhân dân khai phá cho một ngày mai xóa đói, thoát nghèo.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()