Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma: Nâng cao nhận thức pháp luật cho cư dân biên giới
(LSO) –Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Chi Ma có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 16 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc và phụ trách địa bàn 3 xã: Yên Khoái, Tú Mịch và Mẫu Sơn thuộc huyện Lộc Bình. Thời gian qua, tình hình giao thương buôn bán, giao lưu giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trên địa bàn có nhiều đường ngang, lối tắt qua lại biên giới, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự (ANTT).
Để cư dân biên giới nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, Đồn BPCK Chi Ma đã thành lập tổ tư vấn pháp luật, tổ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đơn vị thường xuyên đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phân công cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân khu vực biên giới một cách hiệu quả và thiết thực. Ông Chu Văn Lỷ, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái cho biết: Trước đây, do nhận thức của một số người dân còn hạn chế, dẫn đến còn tình trạng vượt biên trái phép, vận chuyển hàng cấm; nhờ có bộ đội biên phòng (BĐBP) phối hợp cùng chính quyền, ban, ngành, đoàn thể xã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhân dân ngày càng nắm chắc, chấp hành, tuân thủ pháp luật. Trong 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn không có vụ việc nào vi phạm pháp luật để chính quyền xã phải xử lý, tình hình ANTT ổn định, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, phối hợp cùng BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma tuyên truyền pháp luật cho nhân dân xã Yên Khoái
Trong 4 tháng đầu năm 2019, Đồn BPCK Chi Ma đã tổ chức tuyên truyền tập trung được trên 10 buổi với gần 900 lượt người tham gia; vận động nhỏ lẻ được 24 lần, cho gần 200 lượt người dân qua lại cửa khẩu. Nội dung phổ biến gồm: Luật Khiếu nại tố cáo; Bộ luật Hình sự; chấp hành 3 văn kiện pháp lý quản lý biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đường biên, mốc giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc… Ngoài ra, đồn cử trên 120 lượt cán bộ xuống các thôn, bản nắm tình hình, kết hợp cấp phát tờ rơi tuyên truyền về xử phạt phá hoại tài sản, gây rối ANTT, xử phạt về buôn lậu, gian lận thương mại… Bà Đinh Thị Thể ở xã Yên Khoái cho biết: Cùng với nhiều gia đình khác, gia đình tôi thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật; bản thân tôi và gia đình luôn chấp hành nghiêm túc pháp luật của nhà nước, không tham gia tiếp tay buôn bán, vận chuyển hàng cấm, không qua lại biên giới trái phép.
Thiếu tá Đỗ Đức Hiệu, Chính trị viên Đồn BPCK Chi Ma cho biết: Đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác tăng cường xuống cơ sở, tập trung tuyên truyền, vận động tại các địa bàn tiềm ẩn phức tạp về an ninh nông thôn; những đồng chí được giao nhiệm vụ nắm chắc kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn và khả năng diễn giải khéo léo, chuyển tải đến nhân dân những nội dung pháp luật một cách dễ hiểu; đặc biệt, đơn vị cử cán bộ là người dân tộc, hiểu biết phong tục tập quán và ngôn ngữ người dân bản địa, tham gia tuyên truyền, giúp bà con nắm bắt đúng nội dung.
Thời gian tới, Đồn BPCK Chi Ma tăng cường cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn nắm chắc tình hình khu vực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo niềm tin cho nhân dân. Qua đó, bảo đảm ANTT, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia xây dựng vùng biên giới ổn định và phát triển.
Ý kiến ()