LSO-Những năm qua, Đồn Biên phòng 63 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) không những đẩy mạnh công tác huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên tuần tra giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng vùng biên thùy vững mạnh, mà các anh còn tích cực phối kết hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo, là “điểm tựa” vững chắc của đồng bào, nhân dân các dân tộc nơi miền biên viễn xa xôi này…
|
ĐVTN và bộ đội Đồn Biên phòng 63 làm công tác dân vận giúp dân chăm sóc mía |
Công việc thầm lặng
Từ trên bậc tam cấp của khu nhà hai tầng, Trung tá Hoàng Ánh Dương, Chính trị viên Đồn và thiếu tá Dương Xuân Báo, Phó Đồn trưởng tươi cười bước ra đón chúng tôi, sau những câu hỏi thân tình, các anh vui vẻ tâm sự: “Đồn chúng tôi quản lý, bảo vệ 22,89 Km đường biên, 47 cột mốc (Từ mốc 1042 đến 1080), đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT – TTATXH) 3 xã: Thanh Long, Thụy Hùng, Trùng Khánh (Huyện Văn Lãng), với 37 thôn bản, trong đó có 13 bản giáp biên, 1.473 hộ và 6.526 nhân khẩu. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, chưa đồng đều, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, một số quần chúng nhân dân nhận thức thấp nên có lúc, có nơi chấp hành qui chế biên giới chưa nghiêm, vào thời điểm nông nhàn còn làm thuê hoặc buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới…
Đứng trước tình hình trên, Đảng ủy, chỉ huy Đồn chú trọng công tác huấn luyện, SSCĐ, tăng cường tuần tra, bảo vệ biên giới, giữ vững ANCT – TTATXH, đồng thời phối kết hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, giúp nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện tốt các dự án trồng rừng 661, chương trình 135, 120… qua đó, sự nhận thức của nhân dân được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện”. Trong câu chuyện cởi mở cùng cán bộ, chiến sĩ chúng tôi hiểu, cấp ủy, chỉ huy Đồn luôn làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương về phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn đã không quản ngại nắng mưa “3 cùng” với đồng bào, giúp bà con nhân dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng chuyên canh, chuyên cư, thu nhập ổn định, đời sống nhân dân từng bước nâng lên, tỉ lệ hộ đói nghèo ngày càng giảm (năm 2008 có 267 hộ nghèo, hiện nay còn 175 hộ, giảm 34,5%).
Bên cạnh đó, Đồn đã chọn thôn Nà Tồng, xã Trùng Khánh ở giáp biên giới để xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt việc giãn dân ra khu Nà Lẹng (Nà Tồng 2), khu Pò Lo, Pò Mật được 16 hộ/57 nhân khẩu…Đặc biệt, thực hiện CVĐ “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư trong các thôn, bản hiểu rõ ý nghĩa và tạo sự đồng thuận cao, thực hiện hiệu quả việc xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo trên địa bàn. Khi chúng tôi hỏi bà con dân bản địa phương về những việc làm của bộ đội Biên phòng nơi đây, ông Vi Văn Ty, Chủ tịch UBND xã Thụy Hùng, ánh mắt đầy niềm vui, hồ hởi: “Các anh bộ đội biên phòng vất vả vì bà con chúng tôi lắm đấy, công sức của họ nhiều không nói hết bằng lời đâu. Mồ hôi của họ thấm ướt đất biên giới này mà”, ông Lương Văn Pín, Trưởng bản Na Hình, đứng trên đồi Pò Seéc, đưa tay chỉ từng ngôi nhà nằm êm đềm, sát bên cánh rừng thông chạy tít tắp và những thửa ruộng bậc thang ngô xanh mơn mởn, lúa chín vàng bộc bạch: “Dân bản có cây trồng tốt, mái nhà ấm, cuộc sống bình yên là nhờ bộ đội biên phòng đấy, các anh ấy là bộ đội của bản mà”.
Những con số “biết nói”
Tính đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn 63 đã giúp nhân dân 3 xã đã trồng được 2.779,38 ha rừng thông theo Dự án 661 và Dự án Việt Đức, rừng trồng đã khép tán, cây phát triển tốt, đồng thời hướng dẫn nhân dân quản lý rừng làm đường băng cản lửa, tỉa cành, chăm sóc. Bên cạnh đó, trong 2 năm đã phối kết hợp cùng địa phương làm được 8Km đường bê tông hóa vào bản Nà Đâng (xã Thanh Long), xây dựng 15 nhà “Đại đoàn kết” theo quĩ trên cấp là 10 triệu đồng/ nhà, đã bàn giao và đưa vào sử dụng 13 nhà. Trong quá trình làm nhà “Đại đoàn kết” cán bộ, chiến sĩ ngoài ủng hộ gần 3000 ngày công và quyên góp giúp các gia đình đặc biệt khó khăn được 5.000.000đồng tiền mặt. Đây thực sự là những con số “biết nói” phản ánh sự tâm huyết của các chiến sĩ biên phòng với đồng bào, nhân dân các dân tộc nơi đây. Chia tay các anh khi nắng ngả về chiều, chúng tôi thầm hẹn, một ngày không xa sẽ trở lại.
Ý kiến ()