Mức tăng trưởng gần 22%
Năm 2015, tổng doanh thu của TTBH ước đạt 81.636 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu phí BH đạt 68.024 tỷ đồng (tăng 21,43%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015); doanh thu hoạt động đầu tư đạt 13.612 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã tích cực đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội cũng như tự củng cố và nâng cao năng lực tài chính. Nhiều DNBH đã tham gia mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 20 năm, đặc biệt có một số DNBH đã mua TPCP kỳ hạn 30 năm; tính đến tháng 10-2015, đã có 6.230 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20 năm dành cho các DNBH nhân thọ đã phát hành thành công trên TTBH Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2015, các DNBH đã thực hiện tốt chức năng là bà đỡ cho các doanh nghiệp (DN) và giúp cho tổ chức, cá nhân ổn định tài chính, đời sống trước những rủi ro bất ngờ xảy ra. TTBH Việt Nam đã đảm nhận được trách nhiệm tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính cho các khách hàng tham gia BH một khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước. Không những thế, hầu hết tất cả các loại hình tài sản của mọi thành phần kinh tế, mọi ngành kinh tế cũng đã được BH. BH đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác, góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa bền vững.
Đánh giá về TTBH năm 2015, Phó Cục trưởng Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Nguyễn Quang Huyền cho biết, một trong những thành công của TTBH Việt Nam những năm qua là việc tham gia thị trường của các công ty bảo hiểm nước ngoài, trong đó có tới 26 DNBH có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các DNBH trong nước không chỉ nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, nghiệp vụ chuyên môn BH cho TTBH mà còn góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực liên quan khác. Không những thế, sự tăng trưởng bền vững của thị trường này đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ như chính sách BH nông nghiệp, BH đánh bắt thủy sản…
Tiềm năng thị trường còn lớn
Năm 2016 là năm bản lề cho giai đoạn trung hạn tiếp theo thực hiện Chiến lược phát triển TTBH giai đoạn 2016-2020. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù tăng trưởng cao, ổn định nhưng quy mô của TTBH vẫn còn nhỏ so với tiềm năng, khi tỷ lệ doanh thu phí BH trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Trong khi đó, tiềm năng phát triển của thị trường còn rất lớn, ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề và loại tài sản của nền kinh tế. Thí dụ, một số lĩnh vực, loại hình BH có tiềm năng phát triển lớn như BH thiên tai (hằng năm ngân sách nhà nước phải hỗ trợ, tổ chức, cá nhân phải tự bù đắp thiệt hại thiên tai lên tới gần 1% GDP, khoảng 40 nghìn tỷ đồng); BH năng lượng nguyên tử cùng với sự hình thành các nhà máy điện nguyên tử trong thời gian tới; BH các tòa nhà, trụ sở tài sản công (trị giá 240 nghìn tỷ đồng); BH hàng hóa vận chuyển xuất nhập khẩu (tỷ lệ BH mới đạt 9% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 298 tỷ USD năm 2014, dự báo kim ngạch đạt hơn 500 tỷ USD năm 2020); BH nông nghiệp (chương trình thí điểm hiện nay mới chỉ thực hiện BH dưới 1% diện tích trồng lúa, 0,4% tổng đàn vật nuôi, gia súc); BH y tế, sức khỏe (10% dân số có BH, bồi thường BH mới chỉ chiếm 4,5% trong tổng chi cho y tế của toàn xã hội)…
Theo Cục trưởng Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh, với mục tiêu phát triển TTBH giai đoạn 2015-2020 là duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt mức cao và ổn định (hơn 10%/năm), phấn đấu tổng doanh thu đạt tỷ lệ 3-4% so với GDP năm 2020, việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp về hoạt động kinh doanh BH, tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc quản lý, giám sát BH quốc tế vào năm 2020; nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH; thực hiện đầy đủ các chuẩn mực, nguyên tắc tiên tiến về quản trị DN; hoàn thành các mục tiêu, giải pháp tái cấu trúc DNBH… là rất quan trọng. “Trong các giải pháp phát triển thị trường, chúng tôi tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định để giúp đỡ, hỗ trợ, thúc đẩy DN tăng trưởng hiệu quả; tăng cường quản trị DN, bảo đảm minh bạch và an toàn tài chính; hoàn thiện pháp luật nền, pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh BH, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh BH, cố gắng thực hiện nhanh các thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật và bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường”, Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh khẳng định.
Cùng với việc tạo điều kiện hỗ trợ DNBH phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối, thúc đẩy thị trường duy trì mức độ tăng trưởng tích cực, ổn định, thì việc hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia thị trường, hạn chế hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, phát hiện và ngăn ngừa các hành vi gian lận BH cũng sẽ giúp TTBH năm 2016 tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định, lành mạnh và hiệu quả theo các chuẩn mực quốc tế, chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các cam kết quốc tế khi Hiệp định Việt Nam – EU và Hiệp định TPP có hiệu lực.
Năm 2015, tổng giá trị được BH là 11,7 triệu tỷ đồng, với gần 22 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 1.650 triệu lượt khách được BH tai nạn hành khách. Năng lực của DNBH tăng khá với tổng tài sản đạt 201.132 tỷ đồng, tăng 17,2%; tổng dự phòng nghiệp vụ BH đạt 115.959 tỷ đồng, tăng 21,3%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt 42.388 tỷ đồng, tăng 1,59% so với năm 2014. |
Ý kiến ()